Cuộc sống

Người phụ nữ quyết ly hôn vì chồng không đóng góp tiền sinh hoạt

Kết hôn từ năm 21 tuổi nhưng chỉ sau 9 năm chung sống, người phụ nữ sinh năm 1954 ly hôn vì cho rằng chồng thiếu sự quan tâm đến gia đình.

Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thanh Phương (Hà Nội) đang sống trong một viện dưỡng lão ở Thanh Oai, Hà Nội.

Dù dấu vết thời gian đã bao phủ lên người đàn bà ở tuổi xế chiều nhưng khi gặp mặt, tôi dễ dàng nhận ra, thời trẻ bà cũng là một người có nhan sắc với chiếc răng khểnh duyên dáng và nụ cười hiền hậu.

Bà Nguyễn Thanh Phương (SN 1954) đang có cuộc sống vui vẻ cùng những người bạn già trong viện dưỡng lão.

Người phụ nữ này chia sẻ, bà là giáo viên mầm non. Chồng bà xuất thân trong gia đình khá giả, gốc Hà Nội, làm họa sĩ. Bố mẹ chồng sinh được 5 người con trai.

Thời điểm yêu nhau, ông là người đứng đắn, hiền lành. Tìm hiểu một năm, ông và bà mới về chung một nhà.

Kể từ sau ngày cưới, ông bắt đầu lộ thói quen thích uống rượu. Mỗi lần say xỉn, ông như biến thành con người khác, xúc phạm, dằn hắt vợ.

Suốt 9 năm ròng, bà Phương bươn chải nuôi con với đồng lương giáo viên ít ỏi, ông cũng không đóng góp kinh tế. Lúc ốm đau, mệt mỏi, bà cắn răng chịu đựng, không dám than thở một lời. Xung đột vợ chồng đẩy lên đến đỉnh điểm, không chịu được sự vô tâm của chồng, bà Phương đã quyết định ly hôn.

‘Hôn nhân là sự gắn kết, cùng nhau xây dựng tổ ấm giữa vợ và chồng nhưng ngần ấy năm, tôi không cảm nhận được sự vun vén, quan tâm của ông ấy với gia đình. Mỗi lần vợ chồng xích mích, bị chồng buông lời cay nghiệt, tình cảm trong tôi cũng dần nguội lạnh’, bà Phương kể.

Dẫu sống với chồng không hạnh phúc nhưng bà Phương tâm sự, mẹ chồng và gia đình chồng vẫn đối xử tốt với bà. Ngày vợ chồng con trai ly hôn, mẹ chồng bà rơi nước mắt, nhìn con dâu đưa cháu nội rời khỏi nhà.

Một thân một mình, vò võ nuôi con, nhiều người đàn ông đến ngỏ lời, bà nhất mực từ chối.

‘Tôi khi ấy như con chim sợ cành cây cong, đã một lần đò lỡ dở, chẳng còn thiết tha gì đến chuyện lấy chồng. Điều quan trọng với tôi là con trai, nếu đi bước nữa, liệu người ta có thương con mình hay không?’, giọng nghèn nghẹn, người phụ nữ 65 tuổi nhớ lại.

Hậu ly hôn, cuộc sống mẹ đơn thân muôn vàn khó khăn, bà gạt nước mắt, bỏ nghề giáo, gửi con trai cho bà ngoại chăm sóc, còn mình xin sang Đức lao động 3 năm.

Quãng thời gian đằng đẵng bên đất khách quê người, thứ giúp bà mạnh mẽ, vững tin hơn là những cánh thư tay từ người thân bên Việt Nam gửi sang.

‘Lao động bên đó khá vất vả, tôi thường dậy từ 2 giờ sáng, 3 giờ có mặt tại xí nghiệp làm đến 3 giờ chiều mới tan ca. Mùa đông giá rét, tôi chịu lạnh kém, tay chân tê cóng, nhiều lúc ứa nước mắt vì tủi thân nhưng nghĩ đến con và mẹ lại cứng rắn hơn.

Khi quen dần với môi trường, công việc, tôi chắt bóp tiền, mua bàn là, ấm điện và đồ gia dụng, gửi về Việt Nam cho bà ngoại bán lấy tiền nuôi cháu. Thời bao cấp, những đồ điện đó rất có giá trị’, bà khẳng định.

Hết thời gian lao động xuất khẩu, bà Phương trở về nước, nhận trông trẻ, giúp việc cho các gia đình khoảng 10 năm mới nghỉ ngơi. Cuộc sống bình dị trôi qua, hiện con trai bà đã lớn khôn, lập gia đình riêng.

Ít ai biết, từ ngày trẻ, chưa ly hôn chồng, bà đã có dấu hiệu bị trầm uất. Cuộc sống không có người chia sẻ, giãi bày, bao muộn phiền bà đều giấu kín trong lòng.

Vài năm gần đây, bà phát bệnh trầm cảm, không thích giao tiếp với ai trong gia đình. Cả ngày như chiếc bóng vật vờ, ăn uống kém, thức trắng đêm. Sức khỏe bà yếu đi trông thấy.

Sau nhiều lần cố gắng đưa mẹ đi trị liệu không hiệu quả, con trai bà quyết định làm một việc mà lâu nay người ta vẫn hay trách cứ, là đưa mẹ vào viện dưỡng lão sống. Anh hi vọng, bà sẽ tìm được niềm vui tuổi già ở nơi này.

‘Con tôi bảo mẹ thử vào đó, có nhiều người cùng tuổi, trò chuyện, giao lưu, biết đâu tinh thần thoải mái, nếu không thích con lại đón mẹ về. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi đồng ý.

Hôm đưa tôi vào, hai mẹ con cùng khóc. Tôi biết con thương tôi nhiều. Bao năm nay, chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau, tình cảm con dành cho tôi rất sâu sắc’, rơm rớm nước mắt, bà Phương nói tiếp.

Sau các hoạt động chung, bà Phương thường đến phòng những người bạn chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn.


Chị Thơm - điều dưỡng trưởng của viện dưỡng lão nơi bà Phương đang sống cho biết, ban đầu vào, bà Phương sống khép kín, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, cả ngày ngồi ủ rũ trong phòng. Sau 1 tuần tham gia các hoạt động cộng đồng cùng mọi người, trò chuyện với những người cùng lứa tuổi, bà Phương dần lấy lại sự hoạt bát, chịu nói cười hơn trước.

Mỗi sáng, điều dưỡng đưa bà đi dạo quanh khu nhà, hít thở không khí trong lành. Ngoài giờ vật lý trị liệu, tập thể dục… bà tích cực hỗ trợ, động viên các trường hợp cao tuổi hoặc tai biến nặng.

Bữa cơm chiều đầm ấm của các cụ ở viện dưỡng lão.

Phòng bà Phương đang ở có 4 người, đến từ các tỉnh khác nhau. Tất cả đều đi lại được, tinh thần minh mẫn. Cũng từ ngày sống với 'gia đình' mới, bà giữ nếp sinh hoạt đều đặn, sáng dậy lúc 7 giờ và đi ngủ lúc 10 giờ tối.

‘Lúc đến, tôi lo lắng nhiều nhưng giờ thấy vui vẻ trở lại. Ở đây, chẳng khác nào mái nhà thứ 2, ăn uống, vui chơi đều có bạn. Mọi người quan tâm, hỏi han tôi nên chẳng lúc nào tôi thấy cô đơn.

Tôi chợt nhận ra, trước đây mình tự làm khổ bản thân, ôm nỗi buồn suốt cả một đời, lâu dần mới phát tâm bệnh. Thay vì ủ dột, tại sao mình không suy nghĩ tích cực lên. Lâu lâu, tôi nhớ con cháu thì gọi điện hoặc về thăm nhà vài ngày nhưng về rồi lại nhớ các bạn trên này.

Gần đây, em trai chồng ở nước ngoài về, đến viện dưỡng lão thăm. Hôm đó tôi bất ngờ vì có chồng cũ đi cùng. Đến giờ, tôi chẳng còn trách giận gì ông ấy nữa nhưng có lẽ giữa cả hai vẫn có những rào cản vô hình nên cả buổi, tôi chỉ nói chuyện với em trai chồng’, người phụ nữ lặng lẽ đưa tay quệt giọt nước mắt lăn dài trên gò má.

Tác giả: Diệu Bình

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP