Xã hội

Người phụ nữ bất ngờ vì món đồ quý trong chiếc gối cũ ở thùng rác

"Tôi mở từng chiếc túi ra để lấy chai nhựa, lọ thuốc bỏ đi thì thấy một chiếc gối cũ ở bên dưới. Lật chiếc gối lên, tôi cảm giác có gì đó như cộm ở phía bên trong nên mở ra xem. Tôi không ngờ, đó là một cặp nhẫn cưới”, bà Huệ kể.

Không lỉnh kỉnh với những đồ bảo hộ nặng nề, chỉ một đôi gang tay nhỏ, một chiếc xe đạp cũ, bà Trương Thị Huệ (SN 1964, quê Thanh Hóa) miệt mài gom đồng nát.

Bà Huệ kể, cuộc sống khó khăn, vất vả khi chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên gần 20 năm trước, bà quyết định lên Hà Nội làm nghề phụ quán ăn. Tuy nhiên thu nhập thấp, bấp bênh, không đủ chi tiêu nên sau đó bà chuyển sang nghề đi gom đồng nát.

Bà Trương Thị Huệ đang miệt mài thu gom phế liệu. Ảnh: Thanh Hải

20 năm làm nghề, bà Huệ chia sẻ, không ít lần bà nhặt được những món đồ có giá trị không chỉ về vật chất mà còn ở mặt tinh thần. Thế nhưng, dù nhặt được những món đồ ấy, bà cũng không bao giờ giữ lại làm của riêng mà tìm cách trả về với chủ nhân thật sự .

Bà Huệ kể, cách đây 5 năm, trong lần nhặt phế liệu ở một con ngõ ở quận Long Biên, bà vô tình nhặt được một cặp nhẫn cưới trong một chiếc gối cũ bỏ đi.

“Đó là hôm trời vừa nhá nhem tối, tôi đang đạp xe trên con ngõ nhỏ thì thấy một chiếc xe rác chất đầy những túi bóng lỉnh kỉnh.

Tôi dừng lại, mở từng chiếc túi ra để lấy chai nhựa, lọ thuốc bỏ đi thì thấy một chiếc gối cũ ở bên dưới. Lật chiếc gối lên, tôi cảm giác có gì đó như cộm ở phía bên trong nên mở ra xem. Tôi không ngờ, đó là một cặp nhẫn cưới”, bà Huệ kể.

“Trước đó, tôi cũng từng nghe thông tin có người hay cất đồ và tiền ở túi hay gối nhưng không nghĩ bản thân mình nhặt được món đồ giá trị này. Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định tìm đến nhà tổ trưởng khu phố để thông báo và bàn giao cặp nhẫn”, bà Huệ tiếp lời.

Bà Huệ cho biết, một ngày sau, khi tổ trưởng khu phố thông tin bà nhặt được cặp nhẫn trên thì có một đôi vợ chồng trung tuổi đã đến xin nhận lại. Họ cho biết đó là cặp nhẫn cưới ngày xưa của mình. Hai ông bà chắt bóp, tằn tiện lắm mới mua được. Hiện nay do họ không còn đeo vừa nên cất vào chiếc gối ngủ của mình. Hôm trước, hai ông bà đi du lịch, con dâu ở nhà dọn đồ nên sơ ý bỏ đi.

“Ông bà nhận lại đôi nhẫn và mời tôi đến nhà để biếu chút tiền gọi là để cảm ơn. Nhưng điều khiến tôi vui nhất là món quà ý nghĩa đã về đúng tay chủ nhân”, bà Huệ nói.

Bà Huệ cũng cho biết, trong khi nhặt phế liệu, bà cũng từng rơi nước mắt vì chứng kiến những câu chuyện buồn, hoàn cảnh thương tâm. Trường hợp của một cô gái tên Nga (ở Nam Định), bà từng gặp là một ví dụ điển hình.

Bà Huệ kể, cách đây khoảng 3 năm về trước, vào 12 giờ đêm, bà cùng chiếc xe đạp cọc cạch vẫn dạo qua từng ngõ ngách để nhặt phế liệu. Bất ngờ, bà nghe thấy tiếng hét thất thanh của một người nào đó cách đấy không xa vọng lại.

“Theo phản xạ tôi chất đồ phế liệu lên xe rồi tiến lại gần thì thấy vài thanh niên đang có những hành động khiếm nhã với một cô gái trẻ. Cô gái thì vô cùng sợ hãi, khóc lóc xin tha”, Bà Huệ nhớ lại.

“Biết dây với những thành phần này rất mệt, không còn cách nào khác, tôi đành tri hô "công an đến, công an đến". Đám thanh niên có vẻ giật mình khi thấy có ánh đèn xe máy từ phía sau tôi, chúng bỏ chạy ngay.

Chúng vừa đi, cô gái trên ôm tôi mà khóc nức nở. Sau đó, cô cho biết mình tên Nga, quê Thanh Hóa. Nga nhà nghèo, đông anh em, bố mẹ lại hay đau yếu vì vậy cô phải ra Hà Nội để làm phục vụ quán ăn.

Nga cũng kể, đám thanh niên kia là những khách hàng trong quán cô làm trước đó. Chúng thấy cô xinh xắn thì trêu đùa. Khi chúng đang bắt đầu giờ trò sàm sỡ thì tôi đến kịp. Vì vậy cô may mắn thoát nạn”, bà Huệ nhớ lại.

Bà Huệ chia sẻ câu chuyện trong quá trình làm việc của mình. Ảnh: Thanh Hải

Lần khác, khi bà Huê đi nhặt phế liệu đêm thì gặp một cậu học sinh đi học thêm về bị dọa dẫm. Đối tượng là một thanh niên khá bặm trợn.

“Anh ta còn đòi giật chiếc túi xách từ tay cậu bé. Tôi thấy cậu bé trạc tuổi cháu mình, tôi hô hoán mọi người xung quanh cứu giúp. Không ngờ, gã thanh niên kia xô ngã tôi xuống đất. Sau đó, hắn đạp mạnh vào người tôi rồi nhanh chóng lên xe phóng đi. Khi mọi người chạy ra, tôi và cậu bé học sinh kia mới hoàn hồn vì vừa thoát khỏi nguy hiểm”.

Tuy mới đi làm nghề gom phế liệu chưa lâu nhưng chị Lương Thị Ban, SN 1984 (quê Ân Thi, Hưng Yên) cho biết, chị cũng từng vài lần cứu giúp những người không may gặp rủi ro, tai nạn khi làm việc.

Chị Ban kể, hai tháng trước, chị đang trên đường đi làm trở về nhà trọ thì chứng kiến cảnh một chiếc xe máy đi ngược chiều đâm vào một cụ già đang đi bộ bên đường. Cú va chạm không may khiến ông cụ bị thương nặng, chảy máu mũi. Người lái xe máy kia vội vã bỏ chạy.

Chị Ban gặp tình huống bất ngờ ấy thì vô cùng hốt hoảng. Chị vội vàng sơ cứu rồi gọi những người bên đường hỗ trợ đưa ông cụ vào bệnh viện.

“Khi vào viện, trên người ông cụ không có đồng nào, vì vậy sau khi suy nghĩ, tôi quyết định lấy hơn 1 triệu đồng tiền bán đồng nát trước đó chuẩn bị gửi về quê đóng tiền học phí cho con để nộp viện phí cho ông cụ.

Khi tỉnh táo hơn, ông cụ nhờ tôi gọi điện thoại cho các con của mình. Những người con của cụ biết tôi vừa giúp đỡ bố mình thì rối rít cảm ơn. Họ cũng không quên gửi lại tôi số tiền vừa đóng viện phí cho bố mình”, chị Ban kể.

Chị Ban chia sẻ câu chuyện của mình. Ảnh Nhật Linh

Chị Ban cũng cho biết thêm: “Sau hôm đó, cụ ông có số điện thoại của tôi nên thi thoảng gọi tôi đến để cho đồ cũ và thuê dọn dẹp nhà cửa bởi tôi cũng thường xuyên làm công việc này khi không đi mua được phế liệu. Ngoài ra, ông cụ cũng thường xuyên giới thiệu tôi với những gia đình có nhu cầu dọn dẹp nhà để tăng thêm thu nhập”.

*Tên nhân vật trong bài được thay đổi theo yêu cầu

Tác giả: Thanh Hải - Nhật Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP