Nhân ái

Người mẹ đơn thân tật nguyền, "dở người" 16 năm ăn xin nuôi con vào đại học

Di chứng của căn bệnh bại não khiến chị Đào trở nên tàn tật, xấu xí. Thế nhưng, khi được làm mẹ, người phụ nữ này lại khiến người đời nể phục vì suốt 16 năm lê đôi chân tật nguyền lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm để xin ăn, nuôi con vào đại học.

Cuộc đời bất hạnh

Khi chào đời, chị Đào cũng bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng mãi đến năm lên 3 mới bi bô tập nói, những câu nói khó khăn, ngọng nghịu rất khó nghe. Càng lớn, chị Đào càng gầy guộc, thấp bé hơn so với những đứa trẻ cùng lứa, lại không được lanh lợi, hoạt bát.

Chân trái lại bị tật, bước đi xiêu vẹo, khó khăn. Gia đình đưa đi bệnh viện khám mới biết chị Đào bị dị tật do di chứng bại não. Cũng vì sức khỏe yếu, lại khù khờ nên chị Đào không được đi học, cũng không biết làm gì giúp đỡ gia đình.

1nguome1
Chị Phan Thị Đào bị bại não từ nhỏ, lớn lên người đời bảo chị hâm hâm dở dở, thành gái lỡ thì...

Càng lớn, Đào càng xấu xí, lại không tỉnh táo. Khi những người em của mình đều yên bề gia thất, Đào lại trở thành gái quá lứa lỡ thì vì không có một người đàn ông nào chấp nhận đồng cảm, chịu lấy một người như Đào làm vợ.

Thương con gái bất hạnh, cha mẹ chị Đào mua một con trâu để ngày hai buổi chị Đào có công chăn dắt.

Mùa thu năm 1994, thấy cô con gái có những biểu hiện lạ như tăng cân, nôn ói, ngủ li bì, bà Hồ Thị Hoan (72 tuổi, mẹ chị Đào) liền đưa con đi khám. Tại đây, bà hoảng hồn khi biết con gái mình mang thai đã hơn 2 tháng. Gặng hỏi con về "tác giả" của bào thai nhưng chỉ nhận lại những cái lắc đầu mơ hồ.

Biết tin chị Đào mang thai, nhiều người khuyên nên bỏ đứa trẻ vì sợ một người tàn tật, dở hơi như chị Đào sẽ không biết làm mẹ. Sợ đứa trẻ khi sinh ra sẽ có số phận giống mẹ thì khổ cả hai mẹ con.

2nguome2
Chị Đào bên căn nhà nhỏ của mình.

Thế nhưng, thương con gái bất hạnh, ông Phan Viết Hùng (73 tuổi, bố chị Đào) đã quyết định giữ lại cái thai để cho con gái mình có cơ hội được làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Giữa năm 1995, một bé gái kháu khỉnh, khỏe mạnh chào đời. Đứa trẻ mang họ mẹ, được ông ngoại đặt tên là là X.

“Con Đào khờ khạo lắm, sinh con được 16 ngày, dỗ dành mãi nó mới chịu cho con bú. Nhiều lúc con đang bú dở, trái ý, nó không cho bú nữa cũng đành chịu. Tôi phải bế cháu ngoại đi xin bú nhờ khắp nơi. Sợ tính khí nó thất thường, làm điều dại dột nên từ khi sinh con, gia đình tôi phải thay nhau túc trực hai mẹ con nó suốt ngày đêm", Bà Hoan cho biết thêm.

Ăn xin nuôi con học đại học

Ngày con gái chị bước chân đến trường, hoàn cảnh gia đình càng khó khăn hơn. Bố mẹ già yếu, bản thân chị Đào không làm được gì, lại thêm một khoản tiền lớn hàng tháng phải đóng cho con đi học. Vợ chồng bà Hoàn quyết định để chị Đào đi ăn xin nuôi thân, chắt góp từng đồng bạc lẻ của người ta bố thí để nuôi con ăn học.

“Có lần nó dẫn con đi hàng chục cây số để ăn xin khiến con bé đói lả, kiệt sức, nằm ngất xỉu trên đường. May mắn được người đi đường biết mẹ khờ, con dại nên đưa vào nhà, cho ăn uống. Có lần nó kéo quần lên đến đầu gối rồi nói vừa bị người ta đánh khi vào nhà xin. Nhìn con gái lúc đó tôi như đứt từng khúc ruột. Cực chẳng đã tôi mới để con đi ăn xin như vậy", ông Phan Viết Hùng (73 tuổi bố chị Đào) chia sẻ.

Khi bé X. học cấp 3, mẹ con chị Đào được gia đình xây cho hai gian nhà nhỏ ngay sát vách để ở riêng. Hàng ngày, người mẹ đi ăn xin khắp nơi, X. đến trường. Tối đến, hai mẹ con lại vui vầy bên mâm cơm đạm bạc.

Cảnh khốn khó không làm cô học trò nhụt chí mà cố gắng vượt qua số phận, thực hiện ước mơ bước vào giảng đường đại học. Cô bé rất cố gắng học hành, chăm nom mẹ. Mỗi lần nghe hàng xóm khen có con gái học giỏi, nụ cười của người mẹ khờ khạo lại nở trên môi.

nguome3
Chị Đào bên người mẹ của mình.

“Ngày trước Đào đi ăn xin quanh huyện Yên Thành, nhưng xin nhiều quá, người dân địa phương quen mặt không cho nữa. Nó phải ra tận huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu rồi vào TP Vinh để xin. Rất may là dù khù khờ nhưng nó vẫn nhớ đường về nhà. Ngày nào xin nhiều nhất cũng được 50.000 đếm 60.000 nghìn, góp nhặt đến cuối tháng gửi vào cho con gái trang trải việc học", Bà Hoan chia sẻ. Hành trình đi ăn xin nuôi con đến trường đã gần 16 năm, giờ cô con gái của chị đã là sinh viên năm cuối của 1 trường đại học tại TP.HCM. Mỗi lần nhìn mẹ lặn lội hàng trăm cây số với cái nghề dưới đáy xã hội, X. cũng đau xót, cô bé chỉ còn cách tự hứa với bản thân mình sẽ cố gắng học thật giỏi để thoát nghèo, để cuộc sống sau này sẽ không còn phải cực khổ, nhọc nhằn, thậm chí bị người đời ghẻ lạnh, đánh đập như mẹ. Sau 4 năm đèn sách, X. sắp ra trường, sẽ tìm việc làm, sẽ thoả nguyện ước mong của người mẹ không lành lặn...

Chia tay người phụ nữ bất hạnh, ngước nhìn lại vẫn thấy chị ngồi bệt dưới nền nhà. Bộ quần áo lôi thôi, mái tóc rối bù, đôi tay chai sạn xoa xoa bàn chân, thì thào nói với người mẹ già bằng câu nói ngọng ngịu. “Hôm qua vào quán xin bị người ta lấy chổi đánh sưng hết chân, đau lắm. Mai mốt con X. hết học con sẽ ở nhà, không đi ăn xin nữa, không bị người ta đánh nữa...

Mọi sự đóng góp hảo tâm cho nhân vật trong bài viết xin vui lòng gửi về địa chỉ: Phan Thị Đào: Xóm 9, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Số điện thoại liên hệ: Anh Cảnh (em trai chị Đào): 0979080201.

Tác giả bài viết: Nhã Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP