Pháp luật

Người chồng lập mưu lấy cắp phôi thai của vợ cho tình nhân đối diện hình phạt nào?

Theo các luật sư, trộm cắp tài sản là hành vi xảy ra thường xuyên trong xã hội, trộm tài sản của vợ mang cho bồ cũng không hiếm nhưng việc chồng trộm phôi thai của vợ mang cho bồ là chuyện xưa nay có một không hai.

Liên quan đến việc, người chồng lấy phôi thai trữ đông của mình với vợ trong bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) để giúp một phụ nữ khác mang thai, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến nhìn nhận, phân tích từ các luật sư thuộc đoàn luật sư TP.Hà Nội về sự việc hy hữu này.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư Nghiêm Quang Vinh, giám đốc công ty luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Trong luật pháp của Việt Nam có quy định cấm đẻ thuê, ngoài cấm đẻ thuê thì có mang thai hộ. Mang thai hộ chỉ có người cùng hàng trong gia đình mới được. Nên việc hai vợ chồng cho người khác là cấm, nên việc đưa phôi thai cho là sai, vi phạm pháp luật”.

Theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, vụ việc này là hy hữu và cũng là một bài học, bệnh viện cần làm chặt chẽ hơn trong chế độ lấy phôi ra từ quá trình lưu trữ phôi trong bệnh viện.

Bệnh viện Bưu Điện - nơi xảy ra sự việc hy hữu.

Trao đổi thêm với PV, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, mọi hành vi lén lút nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật, đều bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, phôi thai không phải là tài sản. Phôi thai là thứ không thể mua bán, không thể định giá được bằng tiền, không có đầy đủ các thuộc tính của tài sản nên không được coi là tài sản theo quy định của pháp luật.

“Hành vi của người chồng và người phụ nữ “lạ mặt” trong trường hợp này cũng không phải lén lút mà là gian dối. Người chồng và người phụ nữ kia đã dùng những thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối để qua mặt cơ quan chức năng. Bởi vậy, với hành vi lừa dối để chiếm đoạt phôi thai của người chồng và người phụ nữ này không đủ yếu tố để cấu thành tội trộm cắp tài sản cũng như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường cho biết.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng cũng cần xem xét trách nhiệm của bệnh viện Bưu điện trong vụ việc này.

Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Bệnh viện Bưu Điện, người chồng đã sử dụng giấy ủy quyền giả, giả chữ ký của vợ mình để thực hiện thủ đoạn qua mặt các cán bộ, bác sĩ của bệnh viện này.

Bởi vậy, theo luật sư Cường, cần làm rõ giấy ủy quyền đó có đóng dấu, chữ ký của cơ quan chức năng hay không (phòng công chứng hoặc ủy ban nhân dân cấp xã phường). Trong trường hợp người đàn ông này đã làm giả con dấu, giả chữ ký hoặc tẩy sửa văn bản của cơ quan chức năng để lừa dối cán bộ, bác sĩ bệnh viện thì có thể xem xét xử lý người đàn ông và người phụ nữ này về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Trong trường hợp này, cũng cần xem xét trách nhiệm của bệnh viện và cán bộ, bác sĩ có liên quan đến việc thực hiện thủ tục này xemcó sai sót về thủ tục, không làm hết trách nhiệm để cho người chồng và người phụ nữ lạ mặt qua mặt để xảy ra hậu quả dở khóc, dở cười, gây bức xúc cho người vợ và làm giảm uy tín của bệnh viện.

Bởi vậy, trong trường hợp này người vợ hoàn toàn có quyền yêu cầu bệnh viện phải xin lỗi và bồi thường những thiệt hại tổn thất về tinh thần đã gây ra đối với người vợ.

Còn đối với người chồng và người phụ nữ lạ mặt kia thì người vợ hoàn toàn có quyền làm đơn trình báo tới cơ quan công an để được xem xét làm rõ hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu để chiếm đoạt phôi thai.

Trong quá trình xác minh tin báo, nếu cơ quan công an có căn cứ cho thấy những người này đã làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức thì có thể xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Như đã thông tin trước đó, bà Nguyễn Thị N. (Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, bà cùng chồng đã kết hôn vào năm 1990, có với nhau 4 con, người con lớn nhất đã 29 tuổi, nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi.

Bà N. cho hay do tuổi đã cao lại muốn có thêm con, bà cùng chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu Điện để làm thụ tinh ống nghiệm. Kết quả, vợ chồng bà lọc được 2 phôi, phôi 1 chuyển vào ngày 31/12/2017 và thành công, đến tháng 9/2018, bà sinh con thứ 4 là bé trai. Phôi còn lại, 2 vợ chồng quyết định gửi lại Trung tâm để cấp đông lưu trữ.

Đến tháng 4/2019, khi đang chăm con trai được hơn 7 tháng, bà N. bất ngờ nhận được cuộc gọi của bệnh viện Bưu Điện hỏi về tình hình sức khoẻ thai nhi. Ngỡ ngàng một hồi lâu, bà N. hỏi phôi được chuyển khi nào, thì được thông báo, phôi chuyển vào ngày 2/4/2019 và gia đình báo đã đậu thai.

Nghi ngờ phôi bị đánh cắp, bà N. tra hỏi chồng và ông đã thừa nhận lấy cắp phôi của vợ cho cô G.T.D. (45 tuổi ở Bắc Giang) mang thai.

Tác giả: Thanh Lam

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP