Xã hội

Người chiến sỹ thành cổ Quảng Trị trong đời thường

Với vai trò là chi hội trưởng cựu chiến binh và là trưởng Ban liên lạc của những người chiến sỹ tham gia thành cổ Quảng Trị 1972 của huyện Nghĩa Đàn, ông là chiếc cầu nối quan trọng đối với các chiên sỹ chiến đấu trong thành cổ Quảng Trị.

Từng là chiến sỹ dũng cảm tham gia vào trận đánh giữ thành cổ Quảng Trị, về với đời thường, ông Nguyễn Văn Lệ, xóm Đồng Song, Nghĩa Yên là một bông hoa đẹp của hội CCB xã Nghĩa Yên. Ông không chỉ là một chi hội trưởng tâm huyết mà còn là một tấm gương sáng về phát triển kinh tế, tinh thần lạc quan yêu đời, tin tưởng vào cuộc sống. Sinh năm 1953, tại Quỳnh Lưu, năm 1972, ông tham gia vào trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng trị 81 ngày đêm ác liệt, năm 1973, do bị thương nặng ông được về dưỡng thương ở đoàn 200 Quân khu 4. Sau nhiều năm chữa trị nhưng không khỏi ông vẫn mang trên mình vết thương chiến tranh, nhiễm chất độc da cam. Năm 1982, gia đình ông lên xây dựng kinh tế mới tại Đồng Song. Đến với vùng đất mới, với trái tim nhiệt huyết, mặc dù bị bệnh nhưng ông cùng gia đình quyết tâm lập nghiệp. Sau nhiều năm xây dựng kinh tế, hiện ông có nhà ở ổn định, hơn 2 ha mía, 1 ha rừng keo, cây ăn quả, chăn nuôi trâu bò, ao thả cá, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông có trên 100 triệu đồng. CCB Nguyễn Văn Lệ tâm sự “Mặc dù sức khỏe có yếu nhưng bản thân luôn luôn trau dồi tư tưởng, đạo đức cố gắng học tập vươn lên chiến thắng bệnh tật, làm ra kinh tế xây dựng gia đình, luôn luôn an tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo nhà nước, xây dựng nông thôn mới”.
QT 1
CCB Nguyễn Văn Lệ ( áo vàng ) thường xuyên động viên, thăm hỏi các hội viên

Với vai trò là chi hội trưởng cựu chiến binh và là trưởng Ban liên lạc của những người chiến sỹ tham gia thành cổ Quảng Trị 1972 của huyện Nghĩa Đàn, ông là chiếc cầu nối quan trọng đối với các chiên sỹ chiến đấu trong thành cổ Quảng Trị. Ông thường xuyên liên lạc 40 chiến sỹ tham gia thành cổ Quảng Trị của huyện Nghĩa Đàn để kết nối với đồng đội xưa. Ông tâm sự, hầu hết cuộc sống chiến sỹ gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn họ đều tuổi cao, sức khỏe yếu, nhiều người bệnh nặng. Tuy nhiên, ông cùng với các đồng đội thường xuyên thăm hỏi động viên các đồng đội, kêu gọi các hội viên xây dựng quỹ đồng đội để giúp đỡ các hội viên cùng vươn lên trong cuộc sống. Trong năm 2016, quỹ đồng đội chi hội Cựu chiến binh Đồng Song đã xây dựng trên 16 triệu đồng cho 4 hội viên vay, phát triển kinh tế, riêng trong xã, các chiến sỹ tham gia thành cổ Quảng Trị không có hội viên nghèo; các hội viên hội đi đầu tham gia hiến đất làm đường 1.856m và hơn 100 ngày công xây dựng nông thôn mới. Ông Lệ cho biết thêm “Là một chi hội trưởng luôn luôn nêu cao tinh thần bản chất anh bộ đội cụ Hồ lãnh đạo hội viên chấp hành đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, giáo dục hội viên tư tưởng an tâm kiên định vững vàng, trung thành chủ nghĩa Mac - Lê Nin, giúp đỡ hội viên quan tâm cuộc sống hội viên, thực hiện đúng lời thề thứ 7 của quân đội nhân dân Việt Nam thương yêu giai cấp hết lòng thương yêu đồng đội, đoàn kết giúp đỡ nhau thời bình cũng như trong chiến đấu”.

Ông Lê Ngọc Hoa, chủ tịch CCB xã Nghĩa Yên cho biết: Hiện xã có 8 chiến sỹ từng tham gia chiến đấu thành cổ Quảng Trị. Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng họ luôn đoàn kết giúp đỡ nhau để cùng phát triển kinh tế, các đồng chí vẫn luôn luôn thăm hỏi lẫn nhau động viên nhau trong cuộc sống”. Từng là một chiến sỹ quả cảm, bất khuất, ông Nguyễn Văn Lệ được UBND tỉnh Quảng Trị tặng kỷ niệm chương chiến sỹ bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, được UBND huyện Nghĩa Đàn tặng giấy khen có thành tích cao trong công tác hội trong nhiều năm liền và điều quan trọng hơn chính là ông cùng các đồng đội luôn ghi nhớ sâu sắc lời thề thứ 7 của quân đội nhân dân Việt Nam là hết lòng thương yêu giai cấp, thương yêu đồng đội, đoàn kết giúp đỡ nhau thời bình cũng như chiến đấu.

Tác giả bài viết: Hoàng Hằng - Minh Thái ( Đài Nghĩa Đàn )

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP