Du lịch

Người An Dũ ra Cù Lao Ré

An Dũ là làng chài nhỏ thuộc thôn Bắc Lý Thành Xuân, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cách huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hàng trăm cây số. Nhưng, trong ngôi nhà của nhiều người dân nơi đây vẫn giữ những kỷ vật thời chạy giặc ra đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Thập kỷ 70 của thế kỷ 20, đây là làng chài với những ngư dân từng xuôi ngược biển khơi, ra tận Cát Vàng (Hoàng Sa).

Bến An Dũ, nơi tàu của ngư dân ra Cù Lao Ré. Ảnh: Lê Văn Chương

Đi dọc các làng chài Quảng Ngãi, nhiều người lớn tuổi thường nhắc đến cụm từ “ngư dân An Dũ” với vẻ thán phục và trân trọng. Ngư dân An Dũ đã từng làm điều gì để sau gần 50 năm trôi qua mà vẫn được người dân Quảng Ngãi nhắc đến với chút hoài niệm, khâm phục và biết ơn? Đó là năm 1969, nhiều làng chài ven biển Quảng Ngãi trở thành vùng trắng vì bom đạn của giặc. Làng An Dũ (nay là xã Hoài Hương) cũng nằm trong tầm pháo. Pháo bắn nát làng chài để xua dân vào vùng ấp chiến lược. Nhưng khoảng 50 gia đình không chịu theo ý chúng mà đưa con lên thuyền, men theo bờ vào đến Sa Kỳ rồi bật ra Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn).

Tại sao cách hàng trăm km, nhưng ngư dân An Dũ vẫn tường tận “đất lành” là Cù Lao Ré chứ không phải nơi nào khác để đến định cư? Vì năm 1965, ngư dân Phạm Văn Nhân (sinh năm 1930) là người làng trốn sự truy bắt của địch, đã theo thuyền chạy ra Cù Lao Ré. Ông Nhân mê mẩn hòn đảo với bãi cát trắng muốt như bột sắn, bao quanh đảo là cây ré, đêm xuống chỉ có tiếng gió biển xào xạc, thỉnh thoảng lốc cốc tiếng mõ của tuần đinh, tiếng rao đi lùa cá trích.

Trước năm 1969, khi ngư dân ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ngãi vẫn loay hoay với chiếc thuyền nhỏ cọc cạch chạy bằng máy 6 mã lực, thuyền gắn buồm thì ngư dân ở An Dũ đã có trong tay đội thuyền đánh lưới chuồn gắn 2 máy đôi của Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam. Thuyền ở An Dũ dài khoảng 13m, mỗi thuyền có 3-4 gia đình ngư dân hùn vốn đóng. Thuyền to nhất trong số đó dài 15,5m do ông Nhân cầm lái cùng mấy người em trai. 40 năm trước, đoàn thuyền nhỏ bé này đã xuôi ngược trên vùng biển rộng lớn, đầu năm thì ra Cù Lao Ré rồi ra Cát Vàng, mùa gió Nam thì ngược vào gần Trường Sa đánh cá chuồn.

Năm 1969, khi người làng An Dũ lánh nạn ra Cù Lao Ré, đoàn thuyền của An Dũ đã làm cho khung cảnh ở đảo thêm nhộn nhịp. Dân làng An Dũ ra đảo cắm đất làm nhà ở khu vực suối cạn và bến Đình ở xã Bình Vĩnh (nay là An Vĩnh).

Ông Nhân chạy thuyền ra Đà Nẵng mua cọc của thuyền làm nghề lưới giã cào về làm cột nhà, vào đất liền chở tre và mua tôn lợp, ván ép làm tường. Những ngư dân đến định cư đều làm nhà sàn dọc bãi biển. Nhà nào sang trọng thì lót sàn bằng gỗ ép của Mỹ. Cứ sau một mùa Đông, cát ùa lên bãi lấp đầy sàn nhà nên mọi người lại phải hì hục kéo bớt cát ra.

Những ngư dân từ đất liền và ngư dân Lý Sơn thường trầm trồ thèm muốn những chiếc thuyền chở đầy ắp 10 tấn cá chuồn của ngư dân An Dũ. Nhiều ngư dân xin lên thuyền đi bạn để kiếm cơm và học nghề biển xa bờ. Người sành đi biển thì cùng kéo lưới. Những ngư dân nhỏ tuổi thì làm nhiệm vụ nấu cơm, tát nước dưới hầm. Đoàn thuyền An Dũ có lúc ghé bến Sa Kỳ, Nước Ngọt (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải), có khi vào Quy Nhơn, Đà Nẵng. Vì không có định vị, khi thuyền chạy vào bờ, ngư dân cứ nhìn kim la bàn chỉ 270 độ để thuyền hướng về đất mẹ và đi mãi cho đến khi thấy núi non trong mờ sương.

Năm 1975, đất nước được giải phóng, ngư dân An Dũ bồng bế nhau lên thuyền về quê cũ, trong đó có nhiều đứa trẻ được sinh ra tại Cù Lao Ré. Về đến làng, không ai còn nhận ra nền nhà của mình nằm ở chỗ nào. Mọi người bắt đầu gây dựng lại nhà cửa, vườn tược. Khi gia đình đã ổn định thì các ngư dân tiếp tục phát triển đội tàu lớn hơn để vươn khơi bám biển. Ông Nhân vẫn là lão ngư dân làm ăn phát đạt nhất làng chài và đóng tàu to nhất. Trong những chuyến đi xuôi ngược trên biển, có một nơi mà ngư dân An Dũ luôn cho tàu cập vào, đó là đảo Lý Sơn. Mỗi lần lên đảo, ngư dân An Dũ lại tìm đến những người hàng xóm trên đảo đã cưu mang đồng bào An Dũ chạy loạn.

Ông Huỳnh Lo ở gần nhà của ông Nhân cũng theo các ngư dân khác đặt tên con trai là Sơn, để nhớ về đảo Lý Sơn từng là mảnh đất mang đầy kỷ niệm. Hằng ngày, ngồi nói chuyện, người dân An Dũ lúc nào cũng nhắc đến Lý Sơn-Cù Lao Ré, rồi dự định nếu đi biển thì sẽ ghé ra đảo thăm xem ai còn ai mất. Các lão ngư lớn tuổi không còn đi khơi được thì đón xe ra Quảng Ngãi để xuống thuyền vận tải ra đảo thăm bạn bè. Ngư dân nào còn lưu giữ được các kỷ vật từ thời ở đảo thì mang ra lau chùi để ôn lại kỷ niệm.

Ông Phạm Văn Nhân cho biết, ván lót trần được tháo ra từ ngôi nhà ở Cù Lao Ré. Ảnh: Lê Văn Chương

Có lẽ quá lưu luyến miền đất Cù Lao Ré, ông Nhân đưa chiếc tàu BĐ 1666 TS ra đảo Lý Sơn để tuyển ngư dân đi bạn. Tàu của ông Nhân làm biển rất thành công, mỗi phiên đi biển dài ngày ở các tỉnh phía Bắc, ngư dân đi trên thuyền đều đổ được 3 chỉ vàng mang về khoe thành tích. Các ngư dân đi làm nghề lưới trên tàu của ông Nhân tích cóp được vốn trở về quê đóng tàu ra làm ăn riêng. Rất nhiều ngư dân hiện nay là chủ tàu cá ở Quảng Ngãi có lai lịch từng đi bạn trên tàu cá của ngư dân An Dũ, nên học được nhiều kinh nghiệm, dám đi xa và chống chọi với bão tố.

Trong ngôi nhà xanh mướt bóng cây, lão ngư dân Phạm Văn Nhân nhấp ngụm nước trà và kể về những năm tháng lăn lộn biển khơi với người dân đảo. Cuộc đời của ông Nhân gắn bó với 5 con tàu. Năm 59 tuổi, ông mới rời bánh lái về nghỉ ngơi, nhưng thỉnh thoảng vẫn điện ra đảo để hỏi thăm ai còn, ai mất. Những người còn sức khỏe thì hằng năm đều dẫn con cháu trở lại thăm Lý Sơn. Kỷ vật trong ngôi nhà của ông Nhân là bộ ván ép tháo dỡ từ ngôi nhà sàn trên đảo mang về lót trần nhà. Hơn 40 năm rồi, bộ ván vẫn sáng nước sơn, giống như ký ức của ông khi nhắc về Cù Lao Ré luôn tươi mới.

Ông Nhân kể rằng, mấy chục năm trước, nghi lễ cúng tạ của người dân trên đảo được cử hành rất kỹ so với tục lệ trong đất liền. Ngư dân An Dũ khi trở về quê cũng mang theo lễ tục đó để cúng ông bà, cúng mở biển, cúng tạ cuối mùa. Những ngư dân An Dũ ra đảo lánh nạn qua đời đều được xây mộ giống như ở đảo, đó là người càng lớn tuổi thì mộ càng được xây cao nhiều bậc. Con cháu đi tảo mộ ông bà đều được cha mẹ nói cho nghe về những năm tháng chạy giặc ở Cù Lao Ré.

Tác giả: Lê Văn Chương

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

  Từ khóa: Cù Lao Ré ,Bình Định

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP