Thế giới

'Ngoại giao tờ séc' của Trung Quốc ở Biển Đông

Trung Quốc sử dụng lợi ích kinh tế để lôi kéo nước khác nhằm khiến họ thúc đẩy lập trường của mình trong khu vực.


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh hồi tháng 4. Ảnh: Xinhua

Tuần trước, vài ngày sau khi Tòa Thường trực ra phán quyết rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông, Bắc Kinh đã bắt đầu một chiến dịch ngoại giaolớn để thúc đẩy lập trường của họ, theo VOA.

Chiến dịch của Trung Quốc bao gồm việc tiếp cận các quốc gia khác để họ lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh. Campuchia, nước nhận được viện trợ đáng kể từ Bắc Kinh, là một trong những bên đầu tiên làm như vậy.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) bắt đầu từ ngày 23/7, Campuchia được cho là đã ngăn khối này ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông. Theo AFP, một nhà ngoại giao nói rằng Campuchia phản đối hầu như mọi thứ, kể cả việc đề cập tới chuyện tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao vốn đã xuất hiện trong các tuyên bố trước đây. Sau các vòng đàm phán hôm qua, ASEAN vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Chiến lược vung tiền để tranh thủ ủng hộ của Trung Quốc được một số người gọi là "ngoại giao bằng tờ séc".

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc, giống như mọi quốc gia khác trên thế giới, đang thật sự cố gắng tăng cường lợi ích quốc gia của mình thông qua các biện pháp ngoại giao, nguồn hỗ trợ phát triển cho nước khác, và quyền lực mềm", Curtis S. Chin, chuyên gia về châu Á tại Viện Milken có trụ sở tại Mỹ, nói. "Chúng ta thấy điều đó trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á".

"Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác thương mại lớn với khắp châu Á, vì vậy những gì Trung Quốc đang làm với 'những tấm séc' của họ, với chiến thuật ngoại giao của họ, là nhằm lôi kéo bạn bè và đối tác thông qua các khoản đầu tư của mình", ông nói.

Tăng ảnh hưởng

Scott Harold, phó giám đốc Trung tâm Chính sách châu Á Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu RAND, cho rằng 10 nước thành viên coi ASEAN "như cách để giúp cho các nước Đông Nam Á nhỏ hơn, yếu hơn có ảnh hưởng lớn hơn".

Tuy nhiên, ông Harold nói rằng việc tham gia vào ASEAN chỉ là một phần trong tính toán chính sách đối ngoại của mỗi nước thành viên.

"Chẳng hạn như, các nước thành viên có tranh chấp với Trung Quốc cố gắng huy động các nước láng giềng Đông Nam Á đưa ra tuyên bố chung" về vấn đề Biển Đông, ông nói.

Ông Harold nhấn mạnh rằng các quốc gia thành viên có thể có lúc cố gắng đoàn kết và đề cập đến các vấn đề như Biển Đông. "Nhưng khi Trung Quốc làm rõ với một số nước nghèo, nhỏ và còn nhiều tham nhũng rằng điều đó sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ của họ với Trung Quốc, thì bạn sẽ thấy các nước như Campuchia lùi bước", ông nói.

Tăng lợi ích

Ông Chin cho biết viện trợ của Trung Quốc đến Phnom Penh, bao gồm một cam kết 600 triệu USD, là một bước trong chiến lược của Bắc Kinh vì "đối với Campuchia, Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của họ. Mỗi quốc gia tìm cách thúc đẩy những lợi ích riêng và Campuchia đang nhận được một lượng lớn tiền từ Trung Quốc".

Theo ông Chin, Trung Quốc không cho rằng viện trợ là một hình thức có đi có lại, "nhưng bằng viện trợ, Trung Quốc chắc chắn có được một đồng minh để thúc đẩy ý kiến ​​của mình trong khu vực".

Chuyên gia Harold của RAND cho biết chiến thuật này của Bắc Kinh cũng gây nhiều bất bình vì kìm hãm sự tự do quyết định của nước khác. "Khi Bắc Kinh bảo bạn nhảy, quyền duy nhất của bạn là hỏi xem nhảy cao đến mức nào", ông nói. "Thực tế thì các quốc gia nhỏ luôn là bên phải nhượng bộ trong hệ thống quốc tế. Đó không phải là điều mà họ thích".

Nhìn về tương lai của ASEAN, ông Chin nhấn mạnh rằng trong vài năm qua, các bộ trưởng ngoại giao và tài chính của nhóm đã không thể đưa ra được tiếng nói thống nhất về Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc có thể "tỉa bớt" một thành viên thông qua "ngoại giao hoặc tiền bạc hay sự kết hợp giữa cả hai, thì rõ ràng ASEAN là bên chịu thiệt".

Dù đúng là Trung Quốc có ảnh hưởng lớn với ASEAN, ông Harold nói rằng vấn đề đáng lo ngại hơn là một số quốc gia thành viên lớn hoặc đóng vai trò chiến lược của tổ chức chưa dẫn dắt khối một cách hiệu quả.

Ông Harold cho rằng sự can thiệp của Trung Quốc vào một số thời điểm nhất định đã khiến ASEAN không đạt được tiếng nói thống nhất. Song ông cũng lưu ý thêm rằng bản thân "ASEAN vốn đã bị chia rẽ bởi một số tranh chấp".

Tác giả bài viết: Phương Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP