Pháp luật

Ngỡ ngàng tài sản chìm, nổi của trùm gỗ lậu Phượng 'râu'

Phượng “râu” chỉ từ một người vào Tây Nguyên làm thuê và trở thành “trùm gỗ lậu” tại địa bàn huyện Cư Jút, Đắk Nông. Nhiều năm qua, người dân địa phương đã biết đối tượng này giàu lên “bất thường” từ buôn gỗ.

Phượng "râu" ghi lời khai tại cơ quan công an. Ảnh do công an cung cấp.

Giàu lên “bất thường”

Ông N.V.M (cán bộ tổ dân phố 2, thị trấn Ea T’linh, nơi đối tượng sinh sống) khẳng định, Phượng “râu” giàu lên nhanh chóng chỉ sau 5 năm. Phượng “râu” quê ở Hà Tĩnh, đầu những năm 1990, Phượng đến Đắk Nông lập nghiệp với hai bàn tay trắng, dùng sức lao động làm thuê kiếm sống qua ngày. Có được chút vốn, Phượng mua một con trâu đi làm gỗ tạp quanh vùng. Vài năm sau, Phượng tiếp tục lên đời bằng chiếc xe cà tàng, chuyên chở gỗ. Thời điểm đó, ở thị trấn Ea T’ling, loại xe này đầy đường. Khi con đường làm ăn đang tạm ổn định thì loại xe này bị cấm, Phượng lại tay trắng.

Đến năm 2013, Phượng bắt đầu giàu nhanh đến mức “bất thường”. Ba xưởng gỗ được Phượng liên tục mở ra, trong đó 2 xưởng ở phía sau nhà chuyên chế biến đồ gỗ thủ công mỹ nghệ với đầy đủ các loại gỗ quý, còn 1 xưởng trước nhà là nơi tập kết gỗ từ các nơi đổ về. “Phượng nuôi một đội quân chuyên khai thác gỗ với tiền lương hơn 10 triệu đồng/ tháng/ người. Ngoài ra, còn có gần 10 công nhân chuyên làm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Trong nhà Phượng, những món đồ gỗ khủng như: sập, tượng gỗ, bàn ghế... che kín lối đi”, ông M. cho biết thêm.

Vào ngày 27/4, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã khám xét nhà, bắt khẩn cấp Phượng “râu” để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Theo quan sát của PV, nhà riêng Phượng “râu” tọa lạc trên mảnh đất 30m ở mặt tiền Quốc lộ 14 đi qua thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút. Thời điểm khám xét, cùng với chiếc xe hạng sang đang đậu trước sân, bên trong tòa nhà có rất nhiều nội thất bằng gỗ quý hiếm. Sau nhà là kho, xưởng chế biến gỗ. Phía đối diện là nhà nghỉ Long Vũ (thuộc sở hữu của gia đình Phượng “râu”) cũng đã “cửa đóng then cài” sau khi vụ vận chuyển gỗ lậu của ông chủ bị bắt giữ.

Kho xưởng có hàng nghìn cây gỗ quý

Đến ngày 28/4, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã khám xét, kiểm kê xưởng gỗ của ông trùm buôn gỗ Phượng “râu” tại thị trấn Ea T’linh, huyện Cư Jút. Tại thời điểm khám xét, kho xưởng gỗ của Phượng có hàng nghìn cây gỗ quý với đường kính từ 50 - 80cm, dài từ 5 - 10m.

Trước đó, vào khoảng 3h sáng 27/4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) và Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) đã bắt quả tang 2 xe tải chở khoảng gần 40m3 tại khu vực thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút. Các tài xế khai nhận số gỗ này do Phượng “râu” thuê chở, đưa từ khu vực lán trại ở tiểu khu 464 VQG Yok Đôn, sát Đồn biên phòng 747 (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk). Khám xét lán trại này và khu vực xung quanh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều máy kéo, xe reo, cưa máy và một số bãi tập kết, phân loại gỗ.

Vào thời điểm vây ráp, Phượng “râu” cũng có mặt tại lán trại. Bị động, Phượng "râu" vội lên xe bỏ trốn nhưng đã bị một mũi trinh sát đón lõng ngay cửa rừng bắt giữ. Cơ quan điều tra cho biết, qua quá trình khám xét 3 xưởng gỗ của Phượng “râu” tại thị trấn Ea Tling, lực lượng chức năng đã phát hiện Phượng “râu” trữ một lượng gỗ quý hiếm lên đến hàng ngàn mét khối gỗ. Theo nguồn tin từ Bộ Công an, trong quá trình khám xét, cơ quan công an thu thập được 4 quyển sổ ghi chép chi tiết về việc đường dây của Phượng “râu” đã chung chi cho các cá nhân với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông:

Sẽ xử lý nghiêm nếu kiểm lâm địa phương bao che cho “Phượng râu”

Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, khẳng định sẽ xử lý nghiêm các cán bộ kiểm lâm địa phương nếu phát hiện có sự “bao che cho Phượng râu”. “Về vụ việc này, Công an tỉnh và Bộ Công an đang phối hợp điều tra, xử lý. Vì thế, đến nay chúng tôi chưa khẳng định được việc có hay không việc bao che của kiểm lâm địa bàn cho Phượng "râu" buôn lậu gỗ.

Ông Nguyễn Văn Toàn - nguyên Phó giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông:

Có sự bao che của cơ quan chức năng địa phương?

Vụ trùm gỗ lậu Phượng “râu” do Bộ Công an đích thân đưa quân lên “đánh” thì mới phá được. Nhưng thực ra, cả Phượng “râu”, Hà “đen” và trùm gỗ lậu khác hoạt động yên ổn tại địa bàn bao nhiêu năm khiến dư luận nghi ngờ có sự bao che của cơ quan chức năng địa phương?

Nhưng vụ này, nếu so khối lượng gỗ so với vụ Bộ Công an bắt tại huyện Đắk Mil vào năm 2012 thì “chỉ là con tép so với con tôm” (37m3 và 3.600 m3). Hồi đó, ban đầu cơ quan chức năng làm rầm rộ, làm nổi đình nổi đám cả Tây Nguyên nhưng sau đó thì xử lý “nhẹ hèo”.

Rồi đến vụ án phá rừng tại Thủy điện Đồng Nai 5 (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) do đối tượng trùm gỗ lậu Hà “đen” cầm đầu, vụ này cũng do Bộ Công an dẫn quân lên “đánh”. Ban đầu, cơ quan chức năng xác định là hàng nghìn mét khối gỗ, nhưng nay kết luận điều tra là ba trăm mét khối gỗ và đến nay vẫn hoãn xử vô thời hạn. Hậu quả, gỗ lại đi qua ào ào trên các đường mòn tuyến biên giới đi qua các huyện Đắk Mil, Cư Jút và Tuy Đức nhưng không hề bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện.

CÔNG HOAN (thực hiện)

Tác giả: LỮ HỒ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP