Trong nước

Ngộ độc liên miên, sao chưa vụ nào xử lý hình sự?

Đó là câu hỏi được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ra khi đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Y tế, Công thương, NN&PTNT về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, ngày 15/2.

2 1043 FNGJ
Nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng, nhưng chưa vụ nào bị xử lý hình sự (Ảnh minh hoạ)

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Phùng Đức Tiến, qua giám sát tại 13 địa phương, đoàn giám sát nhận thấy, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch sản xuất, giết mổ. Tuy nhiên vấn đề bếp ăn còn nhiều tiềm ẩn, việc xử lý thực phẩm chức năng còn nhức nhối khi riêng tại Nghệ An đã thu được 202 tấn thực phẩm có vấn đề.

Ông Tiến cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở vùng nông thôn ngày càng nặng nên khó mà đảm bảo được an toàn trong sản xuất thực phẩm sạch. Như ở Hà Nội là nơi “nghìn năm văn hiến” nhưng vẫn còn tình trạng giết mổ trong làng, rồi quá trình vận chuyển một xe máy chở 4 con lợn đi khắp nơi, nơi bày bán chưa hợp lý...

“Số vụ ngộ độc tại nhiều tỉnh vẫn còn rất lớn. Trong khi đó qua giám sát trao đổi với địa phương thấy những vụ vi phạm đều có quan hệ họ hàng, hàng xóm cho nên xử phạt không nghiêm”, ông Tiến chỉ rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận: Công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên, thấy rằng tình hình ở nhiều địa phương đã ở mức báo động, có nơi đến giới hạn đỏ. Vậy trách nhiệm các bộ, ngành như thế nào?

Theo ông Hiển, kiểm tra rất nhiều với 150 ngàn đoàn trong 5 năm, bình quân một năm có 30 ngàn đoàn, thanh tra được trên 3 triệu cơ sở nhưng chỉ phát hiện 20% vi phạm. Vậy trong tổng số hàng hóa đã kiểm soát có bao nhiêu % bảo đảm an toàn? Tính ra mỗi cuộc xử phạt chỉ có 200 ngàn đồng, không bằng xử phạt vi phạm giao thông.

“Vi phạm nghiêm trọng mà xử phạt như thế này, không có vụ nào xử lý hình sự trong khi có nhiều vụ nghiêm trọng. 150 người phải nhập viện, gần đây tại Lai Châu có 7 người chết. Cho nên phải xem xét mức độ, vi phạm đã được xử lý nghiêm minh chưa? Ruốc gì mà bán 120 nghìn cân. Qua kiểm tra thấy 1/3 là ruốc mà còn lại là bột mà cơ sở ở ngay gần trụ sở xã... Nơi nào xảy ra vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chứ không thể Chủ tịch xã không biết. Không thể để vì lợi ích thành tích của địa phương anh mà quên đi lợi ích của cộng đồng?”, ông Hiển nói.

Cùng đề cập đến trách nhiệm của địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ví dụ nơi sản xuất rượu giả, thực phẩm bẩn thì chắc chắn công an xã, trưởng thôn, trưởng ấp phải biết. Theo bà Tiến, gần đây thanh kiểm tra rất quyết liệt nhưng do xử phạt chưa nghiêm minh, còn nể nang tránh né, nên xử lý chưa được rốt ráo

Bộ trưởng Tiến đề xuất, sắp tới nên làm rõ vai trò của lực lượng công an viên bán chuyên trách bám sát khu vực, tổ trưởng khu vực dân phố vào trong giám sát và phát hiện.

Tác giả bài viết: Luân Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP