Thể thao

Nghịch lý trọng tài Thái Lan, trọng tài Việt Nam

Tất cả các đội bóng ở Việt Nam đều kêu gào và mang trong mình nỗi sợ mang tên trọng tài. Nhưng với những ông Vua áo đen ngoại quốc lại rất khác…

Khi cầu thủ… lờn thuốc

Do quan ngại về vấn đề trong công tác trọng tài, BTC V-League đã mời một số ông Vua áo đen người nước ngoài đến điều khiển một số trận đấu quan trọng tại giải đấu cao nhất của Việt Nam.

Ở vòng 21 trong trận cầu "6 điểm" giữa Long An và HAGL, trọng tài Thái Lan Nualjan Teetichai mời đến cầm còi.

Đây là một trận đấu nhạy cảm vì tính chất quan trọng của nó. Nhưng dường như Nualjan Teetichai không hề vấp phải sự phản ứng của bất kỳ cầu thủ nào trên sân. Mặc cho có những thời điểm, vị Vua áo đen đến từ Thái Lan cắt còi chưa hẳn đã chính xác.

Trò chuyện với chúng tôi sau trận đấu, HLV Ngô Quang Sang của Long An nói rằng: "Không phải ông ta hoàn toàn đúng, có những pha cắt còi không chính xác. Nếu trong trường hợp này, có lẽ rất nhiều cầu thủ sẽ phản ứng, thậm chí ăn vạ. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra".


Các CLB Việt Nam sẵn sàng phản ứng lại trọng tài trong nước, còn với trọng tài nước ngoài thì không.

Theo ông Sang, sự khác biệt giữa trọng tài Việt Nam và nước ngoài không phải là năng lực cầm còi mà là sự tin tưởng. Đến đây chúng tôi lại đặt một câu hỏi khác: "Phải chăng các cầu thủ Việt Nam đã có thói quen phản ứng với giới trọng tài trong nước?"

Nhà cầm quân này thừa nhận: "Cần phải thẳng thắn, một số cầu thủ ra sân và luôn mang theo tư tưởng sẵn sàng hăm dọa, thậm chí chửi trọng tài. Tất nhiên, những ngôn ngữ này không dễ phát hiện nên nó dễ dàng được bỏ qua.

Song dần dần, nó hình thành một thói quen, hay người ta ví là bị… nhờn thuốc. Rõ ràng, chúng ta cũng cần có cái nhìn công tâm dành cho trọng tài chứ không thể nói mãi về những sai sót của họ".

Chửi, chửi nữa, chửi mãi…

Ở V- League chuyện chửi trọng tài giống như một thứ "virus" đã lây lan từ dưới sân cỏ lên đến khán đài. Ở vòng 21, BTC sân Lạch Tray đã bị phạt nặng vì để các CĐV nhà dùng những lời tục tĩu để chửi các cầu thủ Hà Nội T&T.


Từ cầu thủ đến trọng tài đều dễ dàng buông lời nhiếc móc, thậm chí mắng chửi trọng tài trong nước.

Đến đây chúng tôi lại nhớ đến cuộc trò chuyện với cựu còi vàng Dương Văn Hiền. Vị Giám sát của VFF cảm thán: "Tôi chẳng thấy nơi đâu như V-League. Cầu thủ không lo chơi bóng mà cứ lo tranh cãi và tìm mọi lý do để bật lại trọng tài.

Bạn có thấy ở EURO 2016 vừa rồi không, các trọng tài mắc lỗi rất nặng nhưng chẳng có cầu thủ nào cãi vã, hoặc dọa nạt như ở ta. Nếu có phản ứng thì cũng ôn hòa chứ không thái quá.

Tôi nghĩ đó là văn hóa sân cỏ và họ được giáo dục, hình thành từ nhỏ chứ không phải là một phản ứng tức thời. Nói vậy để thấy buồn cho các trọng tài Việt Nam, đúng thì cũng bị chửi và sai thì cũng bị chửi, thậm chí đe dọa tính mạng".

Cùng quan điểm với ông Hiền, Trưởng Ban trọng tài – Nguyễn Văn Mùi cũng cho rằng:

"Ở V-League, giải hạng Nhất dường như đã hình thành cái thói quen xấu trong tư tưởng cầu thủ, đó là thua, hay bị bất lợi là họ nhắm vào trọng tài. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến tâm lý cầu còi, nếu anh mà không có vững thì dễ dẫn đến những sai lầm".


Bị vây thế này, trọng tài Việt Nam dù có đạt đẳng cấp FIFA cũng xử lý kém đi.

Trước câu hỏi: "Tại sao trọng tài Thái Lan hay các nước khác đến V-League thổi rất tốt, còn trọng tài Việt Nam lại rất tệ?".

Ông Mùi nói: "Tôi thử đặt ngược lại câu hỏi, trọng tài Việt Nam và cũng là cấp FIFA, họ ra nước ngoài thổi có tốt không? Rất tốt. Vậy mà về giải mình lại mắc những sai sót hết sức ngớ ngẩn. Tôi cũng chẳng biết lý giải tại sao. Nhưng rõ ràng tâm lý và sự tự tin quyết định toàn bộ".

Từ những góc nhìn của giới trọng tài, có thể thấy Vua áo đen Việt Nam không hề thua kém đồng nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn như mới đây nhất, ông Võ Minh Trí đã được mời thổi trận giao hữu giữa Singapore và Malaysia vào ngày 8/10.

Tuy nhiên, có vẻ như áp lực trên "sân nhà", từ văn hóa ứng xử dưới sân của cầu thủ, đến văn hóa trên khán đài của các CĐV đang khiến những ông Vua áo đen không còn là chính mình.

Không thể ngụy biện cho những sai lầm của các trọng tài thời gian qua nhưng rõ ràng chúng ta cũng cần có cái nhìn công tâm đối với họ.

Vậy thì để những tiếng còi trọng tài được sạch, được công tâm không chỉ những ông Vua áo đen phải trui rèn bản lĩnh, mà BTC cũng cần có những biện pháp để loại trừ những phần tử ứng xử văn hóa kiểu… Chí Phèo trong bóng đá.

14/14 đều phản ứng trọng tài

Lạ lùng thay, ở V-League 2016 gần như tất cả các đội bóng tham dự đều lên tiếng chỉ trích trọng tài. Vậy nên, mới có một câu hỏi được đặt ra: Liệu giới Vua áo đen có "thân" và đi đêm với ai không, hay là "thân ai nấy lo?"

Liệu những sai lầm đã gặp đến từ chuyên môn, hay là những tiếng "còi méo" và khi méo thì đội nào trong số 14 cái tên đã phản ứng, thậm chí chửi trọng tài, gặp bất lợi?

Tác giả bài viết: Lập Trần

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP