Giáo dục

Nghịch lí giáo viên sợ… học trò

Hàng loạt vụ việc giáo viên đánh, phạt học sinh dẫn đến tình trạng phụ huynh tới tận trường để gây sức ép buộc giáo viên phải quỳ xin lỗi, thậm chí thẳng tay hành hung giáo viên ngay tại trường thời gian gần đây gây nhức nhối xã hội. Tuy nhiên, tâm sự của cô giáo 4 tháng lên lớp chỉ im lặng, không giao tiếp với học sinh một lần nữa cho thấy mảng tối chốn học đường, đó là tình trạng giáo viên... sợ học sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, nghề giáo viên ngày càng áp lực. Ảnh minh họa: Q.Anh

Ứng xử học đường ngày càng “bạo lực”

Năm học 2017-2018 chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là kết thúc, tuy nhiên có thể thấy năm học này nổi bật về những ứng xử chưa đúng mực của cả giáo viên, học sinh, phụ huynh. Chỉ trong tháng 3, đã có liên tiếp nhiều sự việc khiến dư luận quan tâm liên quan tới hành vi ứng xử giữa giáo viên và học sinh, giữa phụ huynh và giáo viên. Đáng chú ý nhất đó là vụ việc cô giáo Bùi Thị Cẩm N, giáo viên Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh trước mặt học sinh, đồng nghiệp vì trước đó cô giáo đã phạt học sinh quỳ gối do mắc lỗi.

Khi sự việc nói trên đang trong quá trình làm rõ, lại một vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Nghệ An khi một thầy giáo dạy thể dục bị người nhà học sinh đến hành hung phải nhập viện. Lý do mà người nhà học sinh “trả đũa” thầy giáo là vì trước đó thầy giáo có tát học sinh vì vi phạm đốt giấy trong trường học. Mới đây nhất, Công an TP Vinh (Nghệ An) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Thị Nghĩa (35 tuổi, trú tại phường Đội Cung, TP Vinh) về tội “Làm nhục người khác”. Bà Phan Thị Nghĩa là phụ huynh đã hành hung và bắt giáo sinh P.T.H (21 tuổi, đang thực tập tại Trường Mầm non Việt - Lào, phường Trung Đô, TP Vinh) quỳ xin lỗi vào ngày 22/3 vì cho rằng đã đánh con mình.

Chứng kiến những sự việc “hi hữu” trong ngành Giáo dục thời gian gần đây, phụ huynh phải quỳ gối trước phụ huynh, GS - Viện sĩ Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) cho rằng, đã có bất cập trong cách ứng xử giữa giáo viên và học sinh, phụ huynh và giáo viên. Trước hết, có thể thấy một số giáo viên đã vi phạm quy định khi đánh, phạt học trò. Điều này cần phải xử lý vì trong ngành Giáo dục đã nêu rõ đây là hành vi không được làm. Còn với phụ huynh, đó là những hành vi đi ngược lại truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta, cần đáng lên án một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo GS Phạm Minh Hạc, những câu chuyện gần đây đã bộc lộ bất cập trong khâu đào tạo, tuyển dụng giáo viên. “Giáo viên hiện nay còn nhiều người chưa tâm huyết, chưa yêu mến trẻ nên dẫn đến vi phạm đạo đức nhà giáo. Ở đây, khâu đào tạo giáo viên chưa thực sự đúng quy chuẩn. Nhiều sinh viên học đại học ra trường học thêm chứng chỉ là có thể đi dạy học, nhiều giáo viên chưa được dạy các kỹ năng, lòng yêu nghề. Do đó, đào tạo giáo viên cần giao riêng cho các trường Sư phạm, đào tạo không chỉ tốt chuyên môn mà còn hun đúc lòng yêu nghề, có như thế mới yêu mến học sinh và không có hình phạt hà khắc như trong thời gian qua”, GS Phạm Minh Hạc chia sẻ.

Giáo viên sợ phụ huynh, học sinh

Không chỉ chuyện giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh, câu chuyện lạ lùng về cô giáo gần 4 tháng lên lớp không nói xảy ra ở Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TPHCM) do một học sinh lớp 11 kể về “cô giáo quyền lực không giảng bài” của mình đã nhận được sự quan tâm của dư luận suốt một tuần qua. Sở GD&ĐT TPHCM đã cử đoàn công tác xuống Trường THPT Long Thới tìm hiểu sự việc học sinh phản ánh. Cô giáo đã thừa nhận sự việc và thanh minh rằng, sở dĩ cô làm như vậy là vì lo sợ học sinh cũ “dọa” ghi âm tiết học, bài giảng của cô, “có gì sẽ tung ra đánh cô giáo” nên cô đã im lặng khi lên lớp.

Đánh giá về sự việc nêu trên, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, có thể do tâm lý quá lo lắng vì không được bảo vệ, nhất là từng bị kỷ luật một lần, nên giáo viên căng thẳng. Quá áp lực nên cô giáo chọn cách tiêu cực là không giảng bài, không giao tiếp, mặc kệ học sinh. Nhưng đây lại là cách làm có phần tiêu cực, thiếu trách nhiệm. Vì sợ học sinh có hành động “đánh”, rồi giận lây ra cả lớp, không giảng bài làm ảnh hưởng đến cả lớp. Nếu giáo viên ngay thẳng, đường hoàng thì không cần phải lo lắng gì cả, trừ khi mắc lỗi nào đấy, học sinh nắm được nhược điểm của giáo viên nên nhờn, không tôn trọng cô giáo nữa.

Ở một khía cạnh khác, chỉ ra một thực trạng giáo viên hiện nay luôn phải “đau đầu” mỗi khi lên lớp, thầy Hoàng Cường (Học viện Tài chính) chia sẻ: “Trước đây tôi từng nhiều năm dạy học ở một Trung tâm GDTX, quá trình dạy học tôi thấy học sinh nhiều em được phụ huynh quá nuông chiều, mải mê kiếm tiền phó mặc cho nhà trường. Từ đó mà có những học sinh hư, đến trường chỉ nô đùa, trêu chọc nhau... Nếu đánh mắng, hay đuổi học các em lại vô tình đẩy các em ra ngoài xã hội, tiếp cận với tệ nạn. Vì thế, nghề giáo viên rất vất vả, còn đánh mắng học trò là còn trăn trở với nghề dù sai cách. Nên nếu không bản lĩnh, có cái uy của mình dễ buông xuôi, để học trò nhờn”.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhiều giáo viên cho biết, ngày càng cảm thấy “sợ” học trò của mình vì nhiều sức ép, nếu không rèn giũa thì trò sẽ hư, mà kỷ luật “rắn” thì lại vi phạm quy định của ngành. Thậm chí, sau một loạt vụ việc giáo viên bị ép quỳ gối, hành hung trong thời gian gần đây, trên một số diễn đàn dành cho giáo viên trên mạng xã hội, nhiều chủ đề được lập ra với lời khuyên, góp ý phải làm sao để học sinh vâng lời, chăm học... Rất nhiều ý kiến đưa ra là trước nhiều sức ép, cách “an toàn” là dạy đúng giáo án, hết giờ là về, không nên đánh, phạt học sinh để tránh rắc rối, dù học sinh mất trật tự, hỗn hào cũng nín nhịn.

Để xây dựng mỗi trường học trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống... thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị các Sở GD&ĐT, cơ sở đào tạo đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ như: Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; xây dựng, sử dụng khẩu hiệu phù hợp trong khuôn viên trường học...

Tác giả: Quang Anh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP