Xã hội

Nghị lực của nhà báo tử nạn trong trận lũ quét Yên Bái

Phóng viên Đinh Hữu Dư tử nạn lúc 29 tuổi, khi vừa đạt ước mơ trở thành phóng viên chính thức của TTXVN.

Chiều 14/10, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè đã đưa Đinh Hữu Dư, phóng viên TTXVN, trở về đất mẹ. Khi dòng lũ xiết ở Yên Bái cuốn anh đi, triệu người mong một phép màu, nhưng điều đó đã không xảy ra. Hơn hai ngày sau, thi thể anh được tìm thấy cách nơi gặp nạn 100 km.

Trong mắt mọi người Dư luôn có nụ cười mỉm rất hiền.

Ngày định mệnh

Sáng 11/10, nghe tin lũ dâng cao ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), Đinh Hữu Dư cùng đồng nghiệp Phạm Thế Duyệt rời trụ sở phân xã TTX ở TP Yên Bái lên đường. Như mọi ngày, Dư đeo balô, trong đó có máy quay, laptop và yên tâm ngồi sau xe đàn anh. Dư không thạo đi xe máy và cũng không thích đi.

Mưa như trút tát bỏng rát mặt. Hai phóng viên lái xe không ngừng nghỉ. Sau hơn hai giờ, họ tới được cầu Ngòi Thia nằm trên quốc lộ 32. Nhìn dòng lũ đang cuồn cuộn, hai anh mang đồ nghề ra tác nghiệp.

Dư và Duyệt cùng đứng trên một nhịp cầu, cách nhau chỉ vài mét. Mưa lớn khiến ống tele vừa chụp vài tấm đã bị nhòa. Anh Duyệt bèn hét lên với Dư: "Chú cứ quay đi, anh chạy vào trong mái che thay ống kính". Lúc quay đi, anh còn lướt thấy Dư nhìn mình, mỉm cười gật đầu.

Đang thay ống kính, anh Duyệt bỗng nghe tiếng nước ầm ầm như vỡ trận. Theo phản xạ tự nhiên, anh chạy lại thành cầu giơ máy lên chụp. Qua ống ngắm, anh thấy cây cầu bị tách đôi. Một, rồi hai trụ cầu chìm trong lũ. "Dư đâu, Dư đâu, dáo dác nhìn xung quanh, lúc này tôi mới định thần không còn thấy Dư nữa", anh Duyệt nghẹn ngào kể lại.

Hình ảnh chiếc mũ bảo hiểm của Dư sẽ còn ám ảnh đồng nghiệp. Ảnh: Thế Duyệt.

Chiếc mũ bảo hiểm của Dư khi ẩn, khi hiện giữa dòng lũ, nhỏ dần, mờ dần rồi biến mất. "Cuộc sống mong manh quá, chưa bao giờ anh bất an như lúc này. Cùng đứng trên cầu nhưng em lại tiến về phía trước, còn anh lùi về sau, chỉ vài bước chân thôi mà giờ mình xa nhau quá", anh Duyệt viết trên Facebook. Vài ngày qua anh đã không thể ngủ vì cứ nhắm mắt là thấy nụ cười hiền của Dư.

Anh Duyệt còn day dứt bữa sáng đi vội, Dư chưa được ăn. Nhưng lúc đó anh chậc lưỡi chẳng sao, đứa em đói và mệt bao lần quen rồi. Chỉ cần được đứng ở những điểm nóng, quay những thước phim chân thực, phỏng vấn nhân vật hay, mới khiến Dư nhiệt huyết.

Tự lập từ bé

Đinh Hữu Dư sinh năm 1988 trong một gia đình nghèo ở TP Ninh Bình. Bố mẹ làm ăn thất bát nên từ lúc Dư mới 3 tuổi, họ đã chuyển về Nho Quan (Ninh Bình) trồng trọt trên nương đất được người họ hàng nhường cho. Dư ở lại căn nhà "lô cốt" xây bằng gạch bi, trên lợp tre và trát xi măng, nương tựa vào bà nội.

Hà, bạn học cùng lớp với Dư kể, trước kia khu này có phong trào đốt vôi, đóng gạch. Cứ một buổi đi học, một buổi Dư đi nhặt vôi, đóng gạch thuê. Đến lúc không còn đi đóng gạch được nữa, Dư nhờ lớp trưởng chỉ cho một việc làm. "Giúp tiền bạn ấy không lấy, đưa quà thì bị trả. Mình phải dẫn Dư đến người họ hàng trên con phố vịt. Hết buổi học, bạn ấy đi nhổ lông vịt từ chiều tới đêm", Hà cho hay.

Nặng gánh mưu sinh, nhưng Dư sống lãng mạn. Cậu thường ép những chiếc lá, nhành hoa khô hay làm thơ tặng bạn gái. Thời cấp 3, Dư khởi xướng một nhóm bảo vệ môi trường. "Một lần, mình tổ chức đi thiện nguyện ở trung tâm bảo trợ xã hội. Không ngờ sau hôm đó, Dư đạp xe quay lại dạy học cho đám trẻ. Dư tập hợp một nhóm bạn đến đây vào cuối tuần dạy Văn", Hà kể thêm.

Vào đại học, Dư thường đi gia sư, phục vụ quán ăn và về phòng trọ rất khuya. Khi có nghiệp vụ báo chí, Dư chuyển sang kiếm tiền sinh hoạt bằng nhuận bút.

Sống cùng Dư bốn năm, anh Nguyễn Đức Dũng, Phó bí thư huyện đoàn Thủy Nguyên (Hải Phòng) quá quen với phong thái "ông già" của bạn. Đi đâu Dư cũng kè kè cái cặp. Cậu thường thức khuya, dậy sớm nghiên cứu tài liệu. Mỗi lúc vậy, Dư đều pha ấm trà nhâm nhi. Anh Dũng chả bao giờ quên được dáng ngủ quay mặt vào tường và nằm co lại, niềm vui khi được ăn thịt ức gà của Dư.

Ngôi nhà trước khi vào đại học Dư đã ở một mình, trong suốt nhiều năm. Bà nội Dư ở trong căn nhà thờ cách vài mét. Ảnh: Phan Dương.

Luôn xung phong đến nơi khó khăn

Trong tâm trí nhà báo Đinh Đức Tưởng, Trưởng phân xã Yên Bái, Đinh Hữu Dư được học hành bài bản, có bằng thạc sĩ báo chí trước khi vào TTXVN và còn kết nạp Đảng từ năm thứ ba đại học. Khi về Yên Bái nhận việc, Dư nắm bắt công việc khá nhanh.

"Bài viết của Dư chững chạc, sắc bén. Cậu ấy chịu khó, luôn xung phong đi đến vùng sâu tác nghiệp. Ngay trong sự kiện lũ ở Mù Căng Chải đầu tháng 8, trong phân công không có Dư nhưng cậu ấy xin đi", nhà báo Tưởng kể. Đợt đó Dư đăng tải hàng chục tin bài và được tỉnh tặng bằng khen.

Một năm làm việc tại Yên Bái, Dư có bài viết rất tốt như về tái cơ cấu ngành nông nghiệp dù không chuyên lĩnh vực này. Tuyến bài về sắp xếp lại trường lớp ở Yên Bái sau khi đăng tải đã tác động mạnh đến chính quyền và Tỉnh ủy đã có sự điều chỉnh. "Thật không dễ để có được một phóng viên giỏi như Dư, nhưng chúng tôi đã không giữ được cậu ấy", nhà báo Tưởng nói.

Tốt nghiệp bằng giỏi khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2011, Đinh Hữu Dư bắt đầu theo đuổi ước mơ trở thành phóng viên của một tờ báo Đảng. Anh đã chọn Nhân dân. Ba năm kiên trì làm cộng tác viên, Dư mất dần hy vọng khi nhận ra nơi này không có chỗ cho mình.

Không như nhiều người sẵn sàng bỏ lý tưởng ban đầu để tìm việc làm trái ngành, Dư kiên trì theo đuổi giấc mơ trở thành phóng viên báo chí chính luận. Anh thêm một lần thất vọng khi không được tuyển vào tạp chí Cộng sản. Sau đó, Dư công tác tại VTV24 và một tạp chí khác trước khi trở thành phóng viên của TTXVN.

Cuối tháng 9/2016, Dư hạnh phúc nhắn tin cho vài người bạn thân rằng mình có điểm số cao thứ ba trong kỳ thi tuyển vào đây. Anh đã trở thành phóng viên trong cơ quan báo chí mình mơ ước. Kết thúc thời gian thử việc một năm, Dư ký hợp đồng chính thức được 10 ngày thì tử nạn.

Sống trọn tình, vẹn nghĩa

Trong 29 năm cuộc đời, Dư luôn cố gắng giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Doãn Thùy Linh (bạn cùng lớp đại học với Dư) thường hay nói "Dư là đứa tớ mang ơn nhất" mỗi dịp tụ tập bạn bè. Hồi mới ra trường Linh được bố mẹ cho chiếc xe máy đi làm, nhưng bị mất trộm. Dư biết chuyện đã cho cô bạn mượn chiếc xe máy cà tàng của mình suốt ba tháng, còn cậu đi lại bằng xe bus.

Mẹ nuôi của Dư, cô Đặng Thị Hải, kể dù sống gian khổ nhưng cậu chưa từng than thân trách phận hay đổ lỗi cho ai. Dịp Tết năm 2012, Dư gọi điện cho mẹ nuôi nhờ cùng đi chợ mua đồ Tết về cho gia đình. Dư ấp ủ mua cho mẹ một chiếc áo ấm. Hơn ba năm trước, em gái lấy chồng, cậu cũng gọi cho mẹ nuôi.

"Bu ơi, đám cưới em gái con dự kiến làm khoảng 20 mâm. Con muốn góp sức cho em khâu hoa quả. Bu xem giúp con mua gì hợp lý". Sau một hồi thảo luận, hai bu con cùng nhau ra chợ mua chuối, bánh kẹo, hướng dương và đóng vào hai thùng xốp để Dư mang về quê đám cưới em.

Đồng nghiệp đến viếng Đinh Hữu Dư.

Nhà có hai anh em. Em gái sau một tai nạn năm lớp 8 không còn được khôn khéo. Kết hôn, nghèo khó và thiếu thốn nên em gái Dư đành phải để hai con lại cho ông bà ngoại nuôi để đi làm công nhân. Thương em, thương cháu, nên từ khi vào TTXVN, Dư lãnh trách nhiệm nuôi các cháu, mỗi tháng ba triệu đồng.

"Mỗi lúc tôi bảo giờ ổn định rồi, lấy vợ đi thì nó bảo: Con phải lo cho hai cháu tới khi trưởng thành rồi mới tính", khuôn mặt khắc khổ, già hơn rất nhiều tuổi 48, mẹ Dư tâm sự. Cuộc gọi cuối cùng về nhà là trước Tết Trung thu, Dư dặn các cháu: "Hai đứa bảo bà mua đồ chơi mới cho nhé. Hôm sau bác về mua bù cho".

Năm 2012, Dư nộp hồ sơ học lên cao học và rất chật vật vì vừa phải trả khoản nợ vay vốn sinh viên, vừa gửi tiền về quê chăm bà ốm. Trước khi bà mất năm 2015, Dư đều đặn gửi về mỗi tháng một triệu đồng, trong ba năm.

Mới tuần trước, Dư còn hẹn Hà - cô bạn lớp trưởng: "Dự là 17-18/11 tôi sẽ về Hà Nội. Việc cũng lu bu, nhưng nếu được tôi xin được gặp cô". Trước đó, biết bạn dạy ở trường Olympia, Dư xin hỗ trợ xây dựng tủ sách cho trẻ em ở Trạm Trấu (Yên Bái). Tiếc rằng dự định ấy đã dang dở...

Tác giả: Phan Dương

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: nhà báo ,nghị lực ,tử nạn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP