Xã hội

Nghề Y trở thành 'nghề nguy hiểm'

Tình trạng hành hung bác sỹ, nhân viên y tế trong những năm qua có dấu hiệu tăng. Một số bệnh viện thậm chí phải nhờ cảnh sát cơ động túc trực 24/24h trước cửa khoa cấp cứu…

Hẳn nhiều người chưa quên vụ một giám đốc doanh nghiệp ở TP. Vinh vì cho rằng người nhà của mình bị tai nạn chậm được cấp cứu nên vô cớ hành hung bác sỹ, nhân viên điều dưỡng ở Bệnh viện 115 Nghệ An đêm 18/8 vừa qua… Theo ông Phạm Văn Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện 115, đó chỉ là một trong hàng chục vụ tấn công, hăm dọa bác sỹ xảy ra tại đây từ đầu năm đến nay.

Ông Dũng cho biết thêm, mới đây, một phụ nữ lớn tuổi ở xã Nghi Phú bị gãy chân, vào Bệnh viện 115 cấp cứu. “Lúc này, một nhóm người nhà bàn bạc để mang bà cụ ra Hà Nội điều trị, một nhóm khác thì lại nhất quyết phải mổ ở đây. Không thống nhất được. Bác sỹ thấy thế nên cũng phân vân, chưa đưa đi mổ”. Thấy bác sỹ chần chừ, cho rằng bệnh viện chậm trễ, một số người nhà bệnh nhân lập tức xông vào quát tháo. “Họ gọi thêm người nhà khoảng 40 người, vây kín phòng cấp cứu. Xô đẩy bác sĩ. Làm loạn hết cả bệnh viện”, bác sỹ Dũng nói. May mắn lực lượng cảnh sát sau đó có mặt kịp thời nên không xảy ra ẩu đả nghiêm trọng.

Vụ hành hung xảy ra tại Bệnh viện 115 vào trung tuần tháng 8. Ảnh tư liệu

Nói về nguyên nhân khiến bác sỹ bị tấn công, hăm họa, bác sỹ Dũng nhận định, dường như trong mắt của người dân, vẫn có nhiều định kiến về bác sỹ.

“Trong khoảng một thời gian, cách đây hơn 10 năm về trước, thu nhập của bác sỹ rất thấp. Vì vậy mà thường xuyên xảy ra nạn phong bì ở bệnh viện. Bệnh nhân muốn khám sớm, cấp cứu sớm cũng phải có phong bì. Từ những hành động đó mà người thầy thuốc bị xem thường”, ông Dũng kể, quãng thời gian đó, ông ra đường gặp gỡ bạn bè thậm chí chẳng dám ngẩng mặt lên xưng mình là bác sỹ. Mặc dù gần đây, vấn nạn phong bì ở các bệnh viện đã được hạn chế, nhưng dường như định kiến về bác sĩ thì vẫn chưa được xóa bỏ trong mắt người dân.

Làm việc tại khoa cấp cứu, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà, một bác sỹ khác cho rằng, do người Việt Nam ít có thói quen xếp hàng, không có tính kỷ luật dẫn đến cảnh náo loạn ở các phòng cấp cứu. Khi vào khám bệnh, đặc biệt tại các phòng cấp cứu, họ thường có xu hướng quan trọng hóa bệnh tật của mình và ít quan tâm đến tình trạng trầm trọng của những người xung quanh.

Chính vì thế họ thường xuyên gây áp lực với thầy thuốc để được khám trước, được chiếu chụp, siêu âm ngay hay phải xử lý tức thời.

Tương tự, các bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh cũng thường xuyên bị tấn công chỉ vì những lý do nhỏ nhặt. Mở chiếc điện thoại trong đó vẫn còn lưu đoạn video ghi lại cảnh hai thiếu nữ xông vào đánh tới tấp, giẫm đạp bác sỹ ngay tại phòng cấp cứu, ông Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cho hay, vụ việc này chỉ mới xảy ra cách đây vài tuần. “Hai cô gái đó làm việc tại một vũ trường, đưa bạn vào cấp cứu. Lúc đó đã gần nửa đêm, chỉ vì nghĩ bác sĩ làm chậm trễ nên xông vào đánh"

Vị giám đốc bệnh viện thành phố Vinh kể thêm, cách đây không lâu, một thanh niên bị thương vì đánh nhau phải nhập viện; sau đó, nhóm bạn của người này mang cả bao tải hung khí gồm đao, kiếm… ném vào phòng cấp cứu, yêu cầu bệnh viện phải “chăm sóc tận tình” cho bạn họ. Vụ việc khiến các y, bác sỹ một phen hoảng loạn. Trước tính trạng bạo lực, mới đây Bệnh viện Đa khoa TP Vinh thậm chí phải nhờ cảnh sát cơ động túc trực 24/24h ngay trước cổng bệnh viện.

Ông Nguyễn Hồng Trường cũng thừa nhận, nếu nhiều bác sỹ khéo léo hơn, một số vụ việc có thể sẽ không xảy ra ẩu đả: “Một bác sỹ hành nghề, từ khi bước chân vào trường y đã phải học quá nhiều về chuyên môn nên kiến thức về xã hội, về giao tiếp chưa được trang bị tốt.

Có một số lần, người nhà bệnh nhân đang mất bĩnh tĩnh, nếu bác sỹ giao tiếp tốt, khéo ăn nói thì sẽ xoa dịu được họ. Nói chung, các bác sỹ nên được tập huấn thêm về những kỹ năng này”.

Một bác sĩ ở Quảng Bình bị người nhà bệnh nhân đánh bị thương. Ảnh tư liệu

Trước tình trạng trên, tháng 6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự trong đó tấn công người chữa bệnh cho mình có thể sẽ phải ở tù đến 3 năm.

Theo đó, điểm mới của Điều 134 luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, là thêm 4 chữ "người chữa bệnh cho mình", do vấn nạn hành hung cán bộ y tế thời gian qua. Với điều luật này, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Giới y, bác sỹ phần đông ủng hộ việc đưa hành vi hành hung nhân viên y tế vào luật hình sự để chế tài.

Các bác sỹ cho rằng, trước đây nghề y và nghề giáo là 2 nghề cao quý nhất được gọi là thầy, được cả xã hội tôn trọng. Tuy nhiên, hiện nay nhà giáo, y bác sỹ không nhận được sự tôn trọng như xưa. Quy định này giúp tạo hành lang pháp lý để y, bác sỹ yên tâm hành nghề.

Trong cuộc sống, bất cứ nghề gì cũng đều có thể có sai sót. Khi có sự cố, các bên nên cùng ngồi thảo luận dựa trên các quy định của pháp luật để xác định "lỗi đến đâu xử lý đến đấy".

Sau hàng loạt vụ hành hung bác sỹ, nhân viên y tế xảy ra thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp này; chính quyền địa phương chủ động phối hợp với ngành y tế áp dụng những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế; các cơ quan y tế phối hợp với công an sở tại triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân viên y tế.



Tác giả: Tiến Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP