Trong tỉnh

Nghề 'săn' lan rừng ở Con Cuông

Từ khi phong trào trồng và chăm, thi hoa phong lan rộ lên, lan rừng trở nên có giá, nhiều người dân ở huyện miền núi Con Cuông có thêm nghề 'săn" lan rừng mang lại thu nhập cao.

Lan từ rừng quốc gia Pù Mát được thuần dưỡng, sống khỏe trong vườn nhà. Ảnh: Bá Hậu.

Anh Lô Văn Tạo, ở bản Trung Chính, xã Yên Khê là người có thâm niên gần 4 năm trong nghề “săn” lan rừng, bộc bạch: Thu nhập từ đi lấy lan rừng khá cao, mỗi tháng tôi đi lấy 4-5 lần, mỗi lần đi lấy cũng phụ thuộc vào may mắn, may thì được 9-10 cân bán được 1-1,5 triệu đồng người/ngày, tùy từng loại lan. Còn lại cũng được vài cân/ngày.

Lan rừng thường bám trên những thân cây lớn, nằm sâu trong những cánh rừng. Để lấy được những cành lan rừng phải trèo đèo lội suối rất vất vả. Đây cũng là nghề nguy hiểm, có khi rủi ro phải chịu thương tật cả đời. Lan rừng sống trên những cây đại thụ cao từ 15-20m, những người đi lấy lan rừng phải có kinh nghiệm trèo hái, không sợ độ cao.

Được biết lan rừng ở huyện miền núi Con Cuông có thể tìm lấy quanh năm, với khá nhiều loại, nhiều nhất là giống lan quế và thủy tiên, lan hồ điệp. Từ khi phong trào chơi lan rừng rộ lên cách đây vài năm, giá bán lan rừng từ vài chục nghìn đồng/kg đã tăng lên vài trăm nghìn đồng, thậm chí tiền triệu đồng mỗi kg tùy theo độ quý hiếm của từng loài. Chủ yếu các thương lái ở Vinh và các huyện lân cận đến tìm mua.

Hiện theo kinh nghiệm của một số người dân, sau khi lấy lan rừng về chưa đem bán ngay mà phải thuần dưỡng cho lan ra hoa, đem bán được giá gấp 4 - 5 lần. Cây lan sau khi đem cắt tỉa thì đem ráp rễ vào một thân cây khác hoặc trồng vào các loại giò đất, nhựa, gỗ đóng theo từng kiểu dáng gồm: rễ cây, rong biển, xơ dừa, vỏ cà phê, than củi cho rễ bám vào đó nuôi sống cây lan và tưới nước theo kỳ là lan có thể sống và phát triển xanh tươi.

Thành quả sau một ngày “săn” lan rừng của người dân ở huyện Con Cuông. Ảnh: Minh Hạnh

Anh Lô Hồng Vân ở bản Trung Chính, xã Yên Khê là người săn lan rừng về và ươm, tạo dáng để bán. Mỗi giò phong lan, anh Vân bán từ 200.000 đồng trở lên; có giò được tạo dáng tỉ mỉ, khách hàng trả giá trên 2 triệu đồng. Hiện trong vườn nhà anh có trên 10 giống lan khác nhau.

Nói về kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan của mình, anh Vân chia sẻ: “Lan rừng nếu gặp mưa nhiều sẽ bị thối thân, còn gặp nắng nhiều thì bị cháy lá. Mật độ trồng quá dày cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của lan. Do đó, kỹ thuật trồng, che chắn đều phải đáp ứng mấy đặc trưng trên. Thêm nữa, mùa hè mỗi ngày chỉ nên tưới nước 1 lần vào chiều tối để giữ ẩm cho lan được lâu. Việc phun thuốc kích thích ra rễ, lá và diệt nấm phải theo chu kỳ. Trước khi lan cho hoa 3 - 4 tháng nên dừng tưới nước để lan ra hoa nhanh và nhiều”.

Tác giả: Bá Hậu - Minh Hạnh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: Lan rừng ,săn ,con cuông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP