Trong tỉnh

Nghệ An: Xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp

Những năm trở lại đây xã Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An) có tốc độ phát triển nhanh, đường sá mở rộng, nhiều dự án mọc lên. Cũng từ đó, một số hộ dân đã bất chấp quy định, xây nhà kiên cố, cũng như các công trình khác trên đất nông nghiệp mà chính quyền địa phương vẫn không xử lý, khiến dư luận bất bình.

Mặc dù cơ quan chức năng có lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa thể cưỡng chế việc xây dựng trái phép này.

Đua nhau xây trái phép

Tuyến đường Lê Nin rộng rãi, thẳng tắp, chạy từ Quảng trường Hồ Chí Minh ra tận sân bay Vinh. Dọc tuyến đường này thuộc địa bàn xã Nghi Phú, trong những năm qua nhiều gia đình đã tự ý xây dựng nhà, quán xá trên đất nông nghiệp, nhưng chính quyền địa phương không xử lý.

Chúng tôi có mặt tại địa chỉ số 90 Đại Lộ Lê Nin. Ở đây, có một quán bia, một quán cơm bình dân và một nhà bán đồ bia mộ đều mang số 90 Đại lộ Lê Nin. Cả dãy bám mặt đường, bám đường đại lộ Lê Nin từ 30m đến 40m, mỗi hộ diện tích hàng trăm m2, nhưng đây vẫn là đất nông nghiệp do xã Nghi Phú quản lý. Cũng tại mặt đường này, ngay tại địa chỉ số 89 Đại lộ Lê Nin xuất hiện 2 nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu, một căn làm dịch vụ sửa chữa xe, căn còn lại hiện đang đóng cửa với tổng diện tích khu đất lên tới hơn 400 m2.

Những trường hợp trên, có phải xây nhà và kinh doanh trên đất nông nghiệp như phản ánh của người dân? Trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch UBND xã Nghi Phú, ông Toàn cho biết: Những trường hợp này, trước đây là đất nông nghiệp của hợp tác xã Hùng Mạnh Tiến giao khoán cho các hộ dân canh tác. Sau khi đường Lê Nin mở rộng, Nhà nước đã thu hồi đất của hợp tác xã nhưng không hết, còn lại mỗi hộ được giao khoán vài trăm m2 thì họ chuyển sang kinh doanh. Khi họ mới xây dựng, xã cũng có lập biên bản đình chỉ và yêu cầu tháo dỡ.

Tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp ở xã Nghi Phú, không những ngay mặt đường Lê Nin mà còn diễn ra ở nhiều xóm khác. Trao đổi với một người dân thường trú tại xã Nghi Phú, người này cho biết: Việc các gia đình tự ý xây dựng nhà, kinh doanh trên đất nông nghiệp đã diễn ra nhiều năm. Nhưng chính quyền không xử lý dứt điểm, nên nhiều hộ dân lại tiếp tục làm theo nhau.

Đúng như người dân phản ánh, tại xóm 2 xã Nghi Phú cả một khu đất rộng lớn được san gạt, mở đường, biến khu đất nông nghiệp thành “khu phân lô”, tại đây đã có 4 hộ xây dựng nhà ở. Về những trường hợp này, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch UBND xã Nghi Phú cho hay: Khu đất tại xóm 2 là đất của cá thể không phải đất của hợp tác xã, là đất nông nghiệp của cha ông để lại. Những gia đình này xây dựng nhà ở từ năm 2018 là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Khi họ bắt đầu làm nhà thì xã đã phát hiện lập biên bản đình chỉ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Việc lập biên bản đình chỉ như ông Toàn khẳng định, nhưng không xử lý dứt điểm đã tạo ra phong trào “phạt rồi cho tồn tại”. Vì sao chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý? Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch xã Nghi Phú cho rằng: “Nếu thành phố chỉ đạo tháo dỡ thì chúng tôi sẽ thực hiện tháo dỡ”. Vì lý do gì, các hộ sử dụng đất sai mục đích đã được UBND xã phát hiện trong nhiều năm, nhưng chính quyền xã Nghi Phú không xử lý mà chờ chỉ đạo của thành phố?

Trong khi đó, Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định: Trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Riêng đối với Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP