Trong tỉnh

Nghệ An xây dựng 3 phương án tổ chức dạy học 2 buổi/ngày

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một nhu cầu tất yếu hiện nay ở bậc tiểu học. Liên quan đến vấn đề này, hiện ngành giáo dục Nghệ An đang xây dựng các phương án để xin ý kiến của UBND tỉnh.

Lúng túng trong tổ chức dạy học 2 buổi/ngày

Từ năm học 1995 -1996, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, khuyến khích các địa phương triển khai thực hiện mô hình dạy học 2 buổi/ngày gắn với tổ chức bán trú ở cấp tiểu học. Ngày 13/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 711/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2012 - 2020. Trong quyết định này, cũng đặt mục tiêu “Đến năm 2020, có 90% trường tiểu học và 50% trường trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày”.

Học sinh thành phố Vinh tham gia cuộc thi viết chữ đẹp. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đây, mô hình dạy học 1 buổi/ngày đã bộc lộ những tồn tại như không có điều kiện để bố trí dạy học thêm các môn Ngoại ngữ, Tin học và các hoạt động giáo dục khác; việc tự học ở nhà của học sinh (nhất là lớp 1, lớp 2, lớp 3) rất hạn chế; việc quản lý, chăm sóc, hướng dẫn trong thời gian tự học ở nhà của phụ huynh gặp khó khăn do bận công việc...

Trên cả nước, 74,8% học sinh đã được học 2 buổi/ngày. Trong đó các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam đạt tỷ lệ 100%. Ở khu vực Bắc Trung Bộ, tỷ lệ chung là 81,7%, trong đó cao nhất là Nghệ An: 99,5%. tiếp đó là Quảng Bình: 97,9%, Hà Tĩnh 92,8%, Thừa Thiên Huế 85,4%, Quảng Trị 78,1%, Thanh Hóa 56,0%.

Việc dạy học 2 buổi/ngày được xem là yếu tố đóng vai trò quyết định để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục vững chắc. Tuy vậy, cho đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Do đó, việc dạy học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo thực hiện và mỗi tỉnh, thành có một hình thức áp dụng riêng.

Buổi ngoại khóa của học sinh thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Nghệ An, trước đây việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày được thực hiện theo Quyết định 1517/QĐ-UBND.VX ngày 20/4/2015 của UBND tỉnh và các địa phương căn cứ vào trên để thu thêm tiền chi trả lương thêm giờ cho giáo viên. Tuy nhiên, năm nay tỉnh đang có chỉ đạo “xem xét thay thế” Quyết định 1517 thì việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Tại huyện Quỳ Hợp, ông Hồ Bình Minh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Những năm trước chúng tôi dạy học 2 buổi/ngày trên tinh thần tự nguyện của học sinh và tự nguyện của giáo viên (dạy vượt giờ). Nhưng năm nay, khi Sở đang xem xét phương án mới thì chúng tôi tạm thời không tổ chức dạy 2 buổi/ngày dù các trường đã xây dựng phương án".

Ở huyện Yên Thành, sau khi Quyết định 1517 tạm dừng thì tất cả giáo viên hợp đồng trường trước đây ở các trường tiểu học được trả lương từ nguồn thu dạy học 2 buổi/ngày đã bị chấm dứt hợp đồng. Vì lẽ đó, năm nay các trường đều đã phải giảm số tiết từ 35 tiết xuống còn 28 hoặc 30 tiết/tuần (trung bình một tuần có 2/5 ngày học 2 buổi/ngày).

Ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng cho biết: Thời điểm này, việc thu tiền dạy học 2 buổi/ngày là trái quy định nên huyện chỉ tổ chức trong điều kiện giáo viên cho phép. Tuy nhiên, giải pháp này cũng là tạm thời vì huyện đang thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh. Điều này, cũng ảnh hưởng rất nhiều đến đề án dạy chương trình ngoại ngữ 10 năm vì trung bình mỗi trường chỉ có một giáo viên, đảm nhận được 1 lớp/1 tiết/1 tuần. Trong khi đó, theo quy định phải là 4 tiết/tuần.

“Lợi” cho phụ huynh nhưng “khó” cho tỉnh

Việc tạm dừng Quyết định 1517 rõ ràng đã gây khó khăn cho các nhà trường trong năm học 2018 - 2019, dù rằng đến thời điểm này các trường vẫn đang nỗ lực, “gồng” mình lên để triển khai trong điều kiện thiếu giáo viên và thiếu kinh phí để chi trả.

Về vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định: Duy trì việc dạy học 2 buổi/ngày trong các trường tiểu học nhằm đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của phụ huynh học sinh tiểu học; là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học và đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, chuẩn bị điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa cấp tiểu học.

Tuy vậy, việc triển khai phải đáp ứng các điều kiện như: Có nhu cầu, nguyện vọng của cha mẹ học sinh; Nhà trường có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu việc dạy học 2 buổi/ngày; Số lượng, cơ cấu giáo viên đảm bảo để dạy các môn học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học;

Về vấn đề kinh phí, hiện Sở đang xây dựng 3 phương án. Phương án 1: ngân sách nhà nước hỗ trợ đảm bảo Khối lớp 1, 2: dạy học 28 tiết/tuần; Khối lớp 3: Dạy học 30 tiết/tuần; Khối lớp 4,5: Dạy học 32 tiết/tuần. Tuy nhiên phương án này có hạn chế bởi nền nếp dạy học của các trường tiểu học bị đảo lộn, không thống nhất giữa các khối lớp và ảnh hưởng đến giờ làm việc, đưa đón con của cha mẹ học sinh.

Giờ thể dục của học sinh Trường Tiểu học Diễn Bích (Diễn Châu). Ảnh: Mỹ Hà

Phương án 2: ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% đảm bảo các trường dạy từ 30 - 32 tiết/tuần. Riêng phương án 3, hình thức tương tự như phương án 2 nhưng việc kinh phí được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động đóng góp từ phụ huynh.

Hiện, cũng với 3 phương án này, nguồn ngân sách tỉnh phải hỗ trợ có thể giao động từ 73,4 tỷ đồng (phương án 3) đến 107,9 tỷ đồng (phương án 1) và 146,8 tỷ đồng (phương án 2). Ngành giáo dục cũng đề nghị tỉnh có phương án bố trí đủ giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Những giải pháp đưa ra này hiện cũng đang bàn bạc và phải cân đối được từ nguồn ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai nếu kéo dài sẽ gây khó khăn cho các nhà trường và ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh và chất lượng dạy học ở các nhà trường.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP