Trong tỉnh

Nghệ An: Xây biệt thự trong rừng cho… công nhân?

Một khu nhà dạng biệt thự ngang nhiên "mọc" lên trên đất rừng ở Nghệ An. Đây là công trình vi phạm đất rừng, nhưng lãnh đạo chính quyền địa phương nói "rất khó xử lý".

Khu nhà được xây trên đất rừng (ảnh Khánh Hoan)

Xây biệt thự cho ai?

Khu nhà 2 tầng xây kiên cố, dáng dấp kiểu nhà sàn, sơn màu trắng, rộng hàng trăm mét vuông, được xây dựng khá sâu trong rừng, cách biệt hẳn với nhà dân ở xóm Trung Sơn, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Từ đường Hồ Chí Minh, theo con đường đất khoảng hơn 1 km, chúng tôi mới tiếp cận được khu nhà này.

Bên ngoài khu nhà treo tấm bảng ghi “khu vực nhà ở công nhân vườn ươm cây giống trồng rừng”. Khu đất rừng rộng hơn 30 ha, nơi được chủ rừng cho xây khu nhà, được rào kín bằng lưới B40. Trước cổng là một con suối chắn ngang, cổng được rào, khóa kín và một tấm bảng cảnh báo “không phận sự miễn vào khu vực chăn nuôi”. Chúng tôi tìm cách vào khu nhà, nhưng không được vì cổng đã khóa và đàn chó ùa ra sủa inh ỏi.

Một người dân địa phương đang chăn dê gần đó cho biết, khu này là đất rừng của một người dân địa phương bán lại cho một người tên Hồng ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Đầu năm 2017, khu nhà này được xây dựng, mất rất nhiều tháng trời mới hoàn thành. Người này nói, dự án này trong bản thiết kế xây dựng gọi là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái gia đình.

Ngoài việc xây khu nhà, chủ của nó còn phải mở đường, dựng hệ thống đường điện để kéo điện lưới vào. Sau khi xây dựng xong, chủ khu nhà thuê một người địa phương trông coi khu nhà và chuồng trại nuôi dê, bò, gà. “Ở đây làm chi có công nhân mà ở, chỉ có mấy ông cán bộ từ dưới thành phố Vinh cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thỉnh thoảng kéo lên đây ăn uống, hát hò rồi ngủ lại”, người này nói.

Khu nhà "mọc" trên đất lâm nghiệp (Ảnh Khánh Hoan)

Một cán bộ xóm Trung Sơn (nơi khu nhà này tọa lạc), cho biết ông đã được vào xem khu nhà. Ở đó có 11 phòng ngủ ở tầng 2. Tầng 1 là nơi tiếp khách, phòng bếp và phòng kho. Phía trước có bãi đỗ xe, sân chơi rộng rãi. “Các phòng được bố trí nội thất khép kín, hiện đại hơn nhiều khách sạn. Sân bãi có đèn chiếu, sân rộng, chứa được cả trăm chiếc ô tô con. Công nhân làm sao mà được ở phòng đó. Chỉ ngày lễ, ngày nghỉ, những người nơi khác đến mới được mở cửa phòng”, vị cán bộ xóm này nói.

Ông này cũng cho biết, trước khi mở đường vào khu nhà, một lãnh đạo cấp phó giám đốc sở từ TP.Vinh đứng ra đại diện gặp ông đề nghị cho họ mở đường vào khu nghỉ dưỡng và ông đã đồng ý.

Hai ngày sau, chúng tôi quay lại khu nhà. Đợi mãi trước cổng mới gặp được một người tên Hùng, tự giới thiệu là người trông coi trang trại thuê cho ông chủ. Người này từ chối cho chúng tôi vào xem khu nhà vì phải có ý kiến ông chủ tên Hồng thì mới được vào.

Chính quyền xã “không xử lý được”!

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thanh Chương, khẳng định khu vực xây biệt thự là đất lâm nghiệp. Việc xây dựng nhà ở kiên cố trên đất rừng là trái quy định. Tại thời điểm san ủi làm công trình, kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho UBND xã Thanh Mai đình chỉ việc xây dựng, nhưng không không hiểu sao, khu nhà vẫn được xây xong.

Khu nhà treo biển nhà ở công nhân nhưng thực tế không phải vậy (Ảnh Khánh Hoan)

Ông Hà Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, cho biết khu đất rừng này đã được bán qua tay nhiều lần, hiện chủ rừng là một người tên Hồng ở huyện Nghĩa Đàn. Nhưng, ông Nam cũng không biết thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất trồng rừng này đã xong hay chưa.

“Khi họ san ủi đất để mở đường xây khu nhà, xã và kiểm lâm đã lập biên bản xâm phạm đất rừng. Sau đó, tôi có vào kiểm tra khi họ đang xây khu nhà, nhưng không gặp chủ mà chỉ gặp người làm thuê nên không xử lý, lập biên bản được”, ông Nam nói.

Chúng tôi đề nghị gặp cán bộ địa chính của xã để tìm hiểu thêm thông tin và được ông Nam đáp ứng. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Hoan, công chức địa chính xã, cũng nói ông không rõ chủ nhân đất rừng đó hiện giờ là ai vì mới nhận bàn giao công việc.

Tấm biển trước cổng ra vào khu đất rừng (Ảnh K. Hoan)

Trở lại trụ sở xã Thanh Mai vào ngày hôm sau, chúng tôi được ông Trần Công Bằng, Chủ tịch UBND xã, cho biết năm 2017, khi làm nhà, chủ rừng là một người tên Hồng nói với địa chính xã là làm nhà ở cho công nhân để trồng rừng.

“Từ khi xây dựng, tôi cũng chưa vào tận nơi. Việc đất đai, cán bộ địa chính biết nhưng hôm nay anh đó đi vắng nên không lấy hồ sơ ra được”, ông Bằng nói và hẹn sẽ cung cấp thông tin cho chúng tôi qua điện thoại vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, 4 ngày sau, không thấy ông Hồng gọi, chúng tôi gọi điện lại thì ông Bằng vẫn lấy cớ đang bận họp để thoái thác việc cung cấp thông tin.

Ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết xây nhà kiên cố trên đất rừng là sai. Đến nay, huyện chưa nghe xã báo cáo việc xây dựng khu nhà này nên chưa hề biết và “sẽ cho kiểm tra”.

Tác giả: Khánh Hoan

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP