Pháp luật

Nghệ An: Xã tự ý lập chốt thu phí trái phép!?

Xã Thanh Hà tự ý lập “chốt” để thu phí giao thông đồng thời còn thực hiện các khoản thu khác đối với những hộ kinh doanh gỗ keo; sự việc xảy ra nhiều năm liền trên địa bàn xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương (Nghệ An) mà các cấp ngành liên quan vẫn không hề hay biết và có biện pháp xử lý?

Biển lạ: “Stop – Dừng lại nộp lệ phí đường xã”.

Thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh từ các hộ kinh doanh gỗ keo và những lái xe tải chạy qua các tuyến đường trên địa bàn xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

thu phi 1
Chốt thu phí được lập tại địa bàn xóm 11, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương có nội dung “Stop – Dừng lại nộp lệ phí đường xã”. (Ảnh chụp chiều ngày 09/03/2016)
Một “chốt chặn” được lập ra ngay tại địa bàn xóm 11, xã Thanh Hà để thu phí, nhiều lái xe tải cũng cho biết mỗi lượt xe đi qua đây đều bị lực lượng an ninh thường trực thu 50.000 ngàn đồng rồi mới được đi qua; chốt chặn có dòng chữ ở bảng gỗ với nội dung “Stop – Dừng lại nộp lệ phí đường xã”.

Phản ánh của một số hộ kinh doanh gỗ keo cũng cho biết, mỗi xe keo khi chở đi nhập tại các nhà máy đều phải đóng cho UBND xã 200.000 ngàn đồng, có khi chạy nhiều chuyến thì có thể đóng một lần luôn thể.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Cao Phơn – Chủ tịch UBND xã Thanh Hà cho biết: “Trước đây xã xây dựng tuyến đường nhựa để dân góp, có giao cho lực lượng an ninh thường trực ngăn cấm xe quá khổ, quá tải để bắt hạ tải thôi chứ không có thu phí, không thành lập chốt; còn đối với việc thu mỗi xe keo 200 ngàn đồng thì thu theo quy định tài chính của Chi cục thuế” (?).

Qua một quá trình tìm hiểu trước đó, phóng viên cũng thu thập được các phiếu thu liên quan về việc thu phí của địa phương đối với các hộ kinh doanh gỗ keo (gọi là phí keo – PV). Các phiếu thu có đóng dấu đỏ của UBND xã Thanh Hà và thể hiện những khoảng thời gian trước khi ban hành Công văn số 03/CCT-TTNVTH ngày 13/01/2016 của Chi cục thuế huyện Thanh Chương về việc“Hướng dẫn thu thuế GTGT, thuế TNCN đối với hoạt động kinh doanh gỗ rừng trồng”.

Ông Phơn cũng cho biết thêm: “Trước đây thu 14 % bao gồm 10 % thuế GTGT và 4% thuế đất, nhưng sau nhà nước giảm quỹ đất và thấy thu 10 %, cảm thấy cao quá thì chúng tôi quyết định thu xe 200 trăm”.

thu phi
Mỗi xe keo khi chở đi nhập phải đóng phí 200.000 ngàn đồng cho chính quyền địa phương.

Không biết 10 % thuế GTGT xã Thanh Hà thu theo quy định nào nhưng 4 % thuế Đất đối với đất lâm nghiệp chúng tôi khẳng định là hoàn toàn sai trái vì Theo điều 24, khoản 3, mục a – Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định: “Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất là rừng trồng không thu tiền sử dụng rừng đối với hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đó trực tiếp lao động lâm nghiệp phù hợp với việc giao đất để phát triển rừng sản xuất theo quy định của Luật đất đai”.

Vậy câu hỏi của chúng tôi đặt ra ở đây là chủ trương của địa phương khi thu các khoản này đã đúng quy định chưa? Hay cố tình làm như vậy để thu lợi bất chính?

Khi phóng viên tiếp tục đặt lại câu hỏi: Vậy thì nhưng khoản phí trước đây thu chỗ giao thông (chốt giao thông – PV) để làm mục đích gì? thì được ông Phơn trả lời “thì để tu bổ đường xá thôi”.

Vậy chính ông Phơn lại xác nhận có việc thu phí ở “chốt chặn” xóm 11 để xây dựng các công trình cho địa phương(?)
“Thu như vậy là sai”

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hồ Đình Tuấn –Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Thanh Chương thì được biết: “Từ trước đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ khoản nạp thuế nào về thu gỗ keo từ xã Thanh Hà và cũng không có hồ sơ báo cáo lên Chi cục, còn xã dùng phiếu thu như vậy là sai”.

thu phi 2
Phiếu thu nạp lệ phí keo có đóng dấu đỏ của UBND xã Thanh Hà
thu phi 3
Công văn số 03/CCT-TTNVTH của Chi cục Thuế huyện Thanh Chương ban hành ngày 13.01.2016, có sau thời điểm địa phương đã tiến hành thu phí một thời gian dài
Xã Thanh Hà nói riêng và huyện Thanh Chương nói chung có diện tích trồng rừng rất lớn; nguồn cây cho thu nhập chủ yếu là gỗ keo, bạch đàn…v.v.

Mấy năm gần đây nhờ áp dung tốt khoa học kỹ thuật nên sản lượng cây trồng (đặc biết là nguồn gỗ keo) được tăng lên, khi thu hoạch đa số người dân đem sản phẩm đến tận nhà máy để nhâp; còn lại một số ít không bán được tận gốc thì bán lai cho một số hộ có phương tiện vận chuyển tại địa phương, việc chính quyền áp các khoản thu từ trên trời rơi xuống làm người dân bức xúc; trái với chủ trương khuyến khích của Đảng và nhà nước về phủ xanh đất trống đồi trọc để bảo vệ và phát triển rừng, còn người dân thì hằng ngày phải oằn mình để đóng phí.

Việc làm sai trái này đã đến lúc cần được các cấp ngành liên quan xác minh làm rõ, đặc biệt là UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; đồng thời xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình làm sai trái, gây thất thoát đến nguồn ngân sách của nhà nước.

Báo điện tử Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. /.

Tác giả bài viết: Việt Hoà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP