Trong tỉnh

Nghệ An: Tràn lan trạm trộn bê tông ngang nhiên hoạt động trái phép

Bất chấp quy định, thách thức các cơ quan chức năng, hàng loạt các trạm trộn bê tông thương phẩm trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Từ miền núi đến đồng bằng, các trạm này đua nhau hoạt động, có nơi mới hình thành, có nơi hoạt động cả mấy năm trời nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý.

Tháng 6/2017, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 2554/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Trạm trộn bê tông thương phẩm công nghệ cao và gia công, lắp đặt sửa chữa máy móc công trình nông nghiệp tại xã Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu) cho chủ đầu tư dự án là Công ty CP xây lắp Giang Sơn (Cty Giang Sơn). Trong quy hoạch, chủ đầu tư được duyệt 300 m2 làm trạm trộn bê tông thương phẩm. Điều lạ là, trước đó nhiều tháng - tháng 3/2017, đơn vị này đã rầm rộ triển khai hoạt động khi chưa đủ các thủ tục theo đúng quy định. Từ đó đến nay, Công ty Giang Sơn vẫn ung dung hoạt động một cách công khai, rầm rộ dù vẫn chưa hoàn thiện giấy phép xây dựng, cũng chưa tiến hành quan trắc môi trường theo quy định.

Trạm trộn bê tông Giang Sơn nằm sát Quốc lộ 1A vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ theo quy định

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thực trạng, ông Nguyễn Hữu Quỳnh - Giám đốc Công ty Giang Sơn cho rằng: “Không thể ai cấp được cái đó (giấy phép xây dựng - PV) cho trạm trộn đó cả, người ta chỉ cấp vị trí đất để xây dựng trạm trộn thôi. Anh đã đi xin khắp nơi rồi mà không ai có, không ai cấp được vì nó thuộc về công nghệ, nơi sản xuất ra công nghệ có cơ quan có thẩm quyền thẩm định chất lượng đảm bảo công nghệ để sản xuất ra bê thông thương phẩm…”.

Chất thải của trạm bê tông Giang Sơn xả tràn ra môi trường

Cách vị trí của trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Giang Sơn không xa, trên địa bàn xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu - Nghệ An) cũng tồn tại một trạm bê tông không phép khác. Đó là trạm trộn của Công ty TNHH Hồng Đào đóng tại xóm 5 của xã này. Theo quy hoạch, gần 30.000 m2 do ông Phạm Văn Lương (khối 3 thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu) thuê của UBND huyện này với thời hạn 30 năm. Được biết, diện tích này được thuê để phục vụ mục đích xây dựng nhà máy mộc dân dụng, sản xuất gạch Blok và gạch đất nung, làm bãi đậu xe cơ giới và xưởng sửa chữa xe. Quy hoạch là thế song từ năm 2017 đến nay, trong khuôn viên mọc lên trạm trộn không phép.

Không có trong quy hoạch, trạm bê tông Công ty TNHH Hồng Đào vẫn hoạt động trong hơn 1 năm qua

Thực trạng trạm trộn bê tông thương phẩm chưa có giấy phép xây dựng còn tồn tại lâu hơn tại khuôn viên Nhà máy gạch Trung Đô Hoàng Mai đóng tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An (trực thuộc Công ty cổ phần Trung Đô). Theo tìm hiểu, trạm trộn này được hình thành từ đầu năm 2016. Ông Nguyễn Bá Hoan, Giám đốc Công ty cổ phần Trung Đô thừa nhận: Trạm trộn chưa có giấy phép xây dựng…

Trạm bê tông Phủ Quỳ tại xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp - Nghệ An) hoạt động khi chưa hoàn thiện hồ sơ

Không chỉ dừng lại ở đó, thực trạng tạm bê tông trái phép còn diễn ra tại vùng miền núi Quỳ Hợp. Theo đó, trong khuôn viên của Công ty Long Anh đang thuê từ doanh nghiệp khác mọc lên trạm trộn bê tông thương phẩm có logo Phủ Quỳ. Ngày 23/11, xác nhận từ ông Hoàng Chung - Giám đốc bê tông Phù Quỳ: Hiện đơn vị đang tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ.

Thực trạng hàng loạt trạm trộn bê tông trái phép nở rộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra trong thời gian dài. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường tại các khu vực trạm hoạt động. Không những vậy, nó vô tình khiến dư luận đặt nhiều hoài nghi về vai trò của các cơ quan chức năng sở tại…

Tác giả: Nam Nguyễn

Nguồn tin: dailo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP