Trong tỉnh

Nghệ An: Tồn tại nhiều bất cập về vấn đề môi trường

Chiều ngày 12/11, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về công tác giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động và chế độ, chính sách đối với người lao động của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 – 2018.

Qua đó, đoàn đã chỉ rõ nhiều bất cập về vấn đề môi trường của tỉnh Nghệ An cần phải nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới.

Theo báo cáo, từ năm 2003 đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 42 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 35 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đến thời điểm hiện nay có 23/42 cơ sở đã được kiểm tra và chứng nhận hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ra khỏi danh sách nói trên.

Vấn đề quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập

Theo kiểm tra, hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề tại các huyện chưa xây dựng hệ thống nước thải tập trung. Cụ thể, theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay trên địa bàn Nghệ An có 3/6 KCN đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, gồm KCN Bắc Vinh, Nam Cấm và VSIP; 8/20 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải; tuy nhiên chỉ có CCN Tháp - Hồng - Kỷ đã có hệ thống xử lý tập trung, 7 CCN còn lại chỉ có hồ sinh học.

Toàn tỉnh Nghệ An có 15 cơ sở có lưu lượng nước thải trên 1.000 m3/ngày đêm, thế nhưng mới chỉ có 06/15 đơn vị đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, các đơn vị còn lại đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Khai thác quặng thiếc gây ô nhiễm nghiêm trọng tại sông Dinh (huyện Quỳ Hợp)

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Đó là, công tác quan trắc môi trường tự động tại một số công ty, doanh nghiệp chỉ mang tính đối phó, trong khi chỉ số quan trắc trong báo cáo đều tốt nhưng qua kiểm tra thực tế lại không đảm bảo các tiêu chí chung. Hiện nay, một số doanh nghiệp chưa đầu tư khu vực xử lý nước thải; thực trạng cấp phép khai thác mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác tại huyện Quỳ Hợp chưa được thực hiện tốt, thậm chí có doanh nghiệp giấy phép quá hạn nhiều năm nhưng vẫn tổ chức khai thác; việc khai thác, chế biến đá gây tiếng ồn nhưng chậm được xử lý đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Vấn đề xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đang nằm trong khung báo động cần có giải pháp khắc phục; việc thống kê chất lượng lao động trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp, doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người lao động không được tham gia bảo hiểm xã hội; tình trạng tai nạn lao động xảy ra tại các khu vực khai thác mỏ còn nhiều; hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp chưa đảm bảo chất lượng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với vấn đề kiểm tra, xử lý môi trường chưa được chú trọng; việc kiểm tra, xử lý tại 19 điểm môi trường trọng điểm trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, đơn vị chức năng…

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) đang gây ô nhiễm nghiêm trọng

Trước những vấn đề đoàn giám sát HĐND tỉnh nêu, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Nghệ An khẳng định từ năm 2016 đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới. Riêng 19 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng chưa được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để thì có đến 14 cơ sở là đơn vị công ích. Và nguyên nhân chậm xử lý đối với những cơ sở này là do vướng mắc từ sự phân cấp theo Luật Bảo vệ môi trường.

Tại buổi làm việc, bà Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, cập nhật lại số liệu, hoàn thiện báo cáo trước ngày 20/11. Yêu cầu Sở TN&MT cần đưa vào báo cáo các tồn tại đã được chỉ rõ, nguyên nhân khách quan, chủ quan; tiếp tục đề xuất những ý kiến kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành về những bất cập trong công tác xử lý.

Đồng thời, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh Nghệ An có hướng quy hoạch với chiến lược xử lý môi trường bền vững trước khi kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư tại khu, cụm công nghiệp; cần tăng cường các đợt thanh, kiểm tra, xử lý đột xuất để kịp thời chấn chỉnh những mặt chưa làm được trong công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trên địa bàn; tiếp tục chỉ đạo các ngành, UBND các cấp tập trung giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

Mặt khác, tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn chủ sử dụng lao động, người lao động về các quy định liên quan đến chế độ, chính sách cho người lao động; thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định đối với các doanh nghiệp cho thuê lại lao động; giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn vệ sinh lao động, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…

Tác giả: Phạm Tuân

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP