Trong tỉnh

Nghệ An: Tố cán bộ rút tiền hỗ trợ dân: 'Một đồng cũng không'

Ông Quang cho rằng, hoàn toàn không có chuyện ông lập khống danh sách để rút tiền hỗ trợ nông dân, hiện ông đang chờ kết luận của thanh tra huyện.

Ông Lưu Đức Quang, cán bộ nông nghiệp xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho báo Đất Việt biết thông tin trên vào ngày 21/3.

Ông Quang cho biết, thiệt hại của các hộ dân trong vụ Đông năm 2017 là 88 hộ với tổng số tiền là 116 triệu đồng.

"Tổng số hộ dân mới thiệt hại số tiền trên mà dư luận phản ánh tôi làm thất thoát của nhà nước hơn 100 triệu đồng là sao? Cái sai của tôi trong việc này chỉ là làm gộp danh sách các hộ dân bị thiệt hại chứ không phải rút tiền của dân.

Ví dụ tôi làm gộp danh sách xóm này với xóm khác trong cùng một bộ hồ sơ chứ không làm riêng lẻ các xóm bởi có những xóm chỉ có 1 hoặc 2 hộ dân bị thiệt hại nên tôi gộp luôn", ông Quang nói.

Trụ sở UBND xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh: Dân Việt

Theo ông Quang, sáng cùng ngày, có 13 trưởng xóm trong xã đã lên nhận tiền hỗ trợ đó và xã đã trả đầy đủ, chỉ còn 3-4 hộ dân chưa trả hết là do tiền chưa về.

Về thông tin ông Quang lập khống danh sách ao hồ của công đoàn bị thiệt hại, vị cán bộ nông nghiệp này cho rằng: "Tôi làm danh sách ao của công đoàn thiệt hại, nếu có tiền về thì công đoàn nhận chứ đâu phải cá nhân tôi.

Cá nhân tôi chưa bao giờ lợi dụng đồng nào của dân bởi nếu tôi làm sai thì tôi phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhà nước. Tôi làm cán bộ không phải tiền của nhà nước mà muốn làm thế nào thì làm. Tôi chưa bào giờ lợi dụng ai, càng không thể lợi dụng nông dân. Còn việc tôi làm hồ sơ gộp thì tôi sẽ chịu trách nhiệm", ông Quang cho biết thêm.

Nói về việc này, cùng ngày, ông Lê Xuân Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Lĩnh cũng cho rằng, việc này huyện đã thành lập đoàn thanh tra. Thiệt hại của nông dân từ vụ Đông năm 2017 nhưng hiện tại nhà nước mới chi trả.

"Anh Quang chỉ làm gộp hồ sơ để đỡ phải làm nhiều thôi chứ hoàn toàn không có chuyện anh ấy rút tiền của dân. Tiền hỗ trợ của dân, xã cũng đã trả đầy đủ. Còn về thông tin ao của công đoàn mà anh Quang lập hồ sơ thiệt hại là sai bởi tăng thêm diện tích và điều quan trọng là theo quy định thì ao của tập thể không nằm trong diện hỗ trợ", ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, trước khi gửi hồ sơ, ông Quang đã tổng hợp và kiểm tra lại dưới các thôn, xóm và đi từng gia đình.

Trước đó, theo thông tin trên báo Dân Việt, đợt áp thấp vụ Đông năm 2017, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị thiệt hại nặng nề. Nhằm giúp đỡ nông dân, UBND tỉnh Nghệ An đã trích nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ người dân mua giống khôi phục sản xuất.

Ông Minh chia sẻ về những khuất tất trong việc lập danh sách nhận tiền hỗ trợ tại địa phương. Ảnh: Dân Việt

Điều đáng nói, theo phản ánh của ông Trần Hồng Minh, trưởng xóm 4, xã Nam Lĩnh cho biết: “Trên địa bàn xóm 4, có 5 hộ bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ sau đợt áp thấp vụ Đông năm 2017, nhưng chỉ có 2 hộ dân có diện tích ảnh hưởng thực sự là hộ chị Nguyễn Thị Châu (8.000m2 ao trang trại) và hộ ông Nguyễn Đình Lâm (300m2 ao). Còn lại 3 người khác không nằm trong xóm nhưng vẫn được kê khai vào xóm 4".

Theo ông Sơn, trong danh sách có chữ ký của ông nhưng không phải do ông ký. Ông không ký hay lên danh sách các hộ ảnh hưởng gửi cho xã.

Được biết, ngoài xóm 4 bị lập khống hồ sơ để trục lợi tiền hỗ trợ, còn có xóm 1, xóm 7, xóm 11, xóm 13 cũng bị lập khống với diện tích bị ảnh hưởng hàng chục ha.

Một trong những hộ có ao hồ nhưng không được lập danh sách hỗ trợ chính sách là hộ của ông Ông Văn Sơn, với diện tích hơn 5 sào ao cá bị ngập.

Ông Sơn cho biết, gia đình ông có hơn 5 sào (2.500m2) ao cá nuôi từ năm 2004 đến nay nhưng chưa lần nào được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại.

Tác giả: Thu Hoài

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP