Trong tỉnh

Nghệ An: Thi công công trình thủy lợi sai vị trí?

Suốt 4 năm vừa qua, hàng nghìn hộ dân thuộc khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện (Thị xã Hoàng Mai – Nghệ An) rất bức xúc trước việc lãnh đạo phường chỉ đạo đơn vị thi công xây dựng sai địa điểm, không đúng với Quyết định đã được phê duyệt gây thất thoát nguồn ngân sách địa phương.

Mang ngân sách địa phương đi “biếu” tỉnh bạn

Nhận được phản ánh của bà con nhân dân khối Tân Hùng, qua tìm hiểu được biết, đập Khe Dũ là nguồn nước tưới để sản xuất cho nhân dân khối Tân Hùng và một số khối lân cận. Năm 2009-2011, Tập đoàn Dầu khí vào khai thác đất sét tại đồi Cây Chanh là khu vực thượng nguồn của Khe Dũ, thuộc đất rừng phòng hộ với diện tích khoảng 20ha giáp khu vực phía trên đập. Trong thời gian khai thác đã ngăn mất nguồn nước và lấn diện tích mặt hồ.

Hiện tại đáy hồ Khe Dũ bị bồi lấp mất khoảng 1/3 khối lượng trữ nước. Việc Tập đoàn Dầu khí khai thác đất sét đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước của nhân dân khối Tân Hùng. Vì vậy, nhân dân đã làm đơn khiếu nại lên các cấp có thầm quyền đề nghị đầu tư kinh phí để nâng cấp, tu sửa, nạo vét lòng hồ lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho bà con nhân dân trong vùng.

Đoạn đập được thi công sơ sài, đối phó

Sau khi nhận được kiến nghị của người dân, năm 2012 UBND xã Quỳnh Thiện có tờ trình xin nâng cấp, tu sửa lại đập Khe Dũ để khắc phục hậu quả do nạn khai thác đất sét trái phép của Tập đoàn Dầu khí gây ra. Đến năm 2013, UBND huyện Quỳnh Lưu chấp thuận đầu tư nâng cấp, tu sửa đập Khe Dũ và giao cho UBND xã Quỳnh Thiện làm chủ đầu tư với tổng Dự toán công trình gần 3.5 tỷ đồng. Sau khi được chấp thuận, UBND xã Quỳnh Thiện (nay là phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai) đã giao cho Công ty TNHH Thái An Thành thi công.

Nhưng khi khởi công, ông Nguyễn Bá Sự -Chủ tịch UBND xã đã chỉ đạo Công ty Thái An Thành thi công không đúng vị trí như đã phê duyệt, mà lại đưa sang thi công tại đập Khe Cầu thuộc địa phận của tỉnh Thanh Hóa. Sau khi nhân dân phát hiện đã khiếu nại, nhưng ông Nguyễn Bá Sự không chấp nhận mà vẫn tiếp tục cho thi công. Bất lực trước việc làm sai trái trên, nhân dân phải làm đơn tố cáo lên UBND Thị xã Hoàng Mai.

Ngày 8/8/2016 UBND Thị xã Hoàng Mai có kết luận số 871/KL-UBND về việc trả lời đơn thư tố cáo của công dân. Trong kết luận trả lời không phân tích rõ nguyên nhân, sự việc mà có dấu hiệu bao che cho cấp dưới như: Dự án phê duyệt là xây dựng ở Khe Dũ thì lại xây ở Khe Cầu, nhưng trong kết luận không giải trình nguyên nhân, lý do làm cho nhân dân hết sức bất bình. Tiếp tục tìm hiểu sự việc, PV đã tìm đến nhà ông Nguyễn Viết Thủy -nguyên Chủ nhiệm HTX Hùng Thắng từ năm 1971, thì được ông Thủy kể lại:

“Năm 1971 tôi làm Chủ nhiệm HTX, lúc đó khu đất này là một vùng sâu trũng, vì vậy trong thời gian sản xuất, về mùa mưa thì ngập úng, mùa nắng thì khô hạn, tôi đã phải huy động toàn dân đào đắp thành bờ đê để chắn và trữ nước khi cần thiết… Việc UBND phường Quỳnh Thiện đưa công trình của đập Khe Dũ để xây cho Khe Cầu là hoàn toàn phi lý và không chấp nhận được. Khe Dũ là do UBND huyện Quỳnh Lưu xây dựng, nằm phía trong thuộc địa phận tỉnh Nghệ An thì UBND huyện mới cho phép tu tạo, còn khe Cầu là do nhân dân chúng tôi tự đắp nên.

Hơn nữa, năm 1997 Nhà nước cắm mốc ranh giới thì Khe Cầu thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa quản lý, hai khe này cách nhau khoảng 5km và khác nhau hoàn toàn. Lý do UBND phường Quỳnh Thiện gọi là Khe Dũ 2 (tức Khe Cầu) là vì sau khi dân chúng tôi phát hiện đã có đơn tố cáo cho nên ông Sự mới tự đặt tên là Khe Dũ 2 (chứ tên Khe Cầu đã có từ xa xưa). Còn số diện tích nói trên, tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi để làm nhà máy rác thải từ năm 2010 và đến nay họ đã đưa vào sử dụng. Nhưng ông Sự vẫn trả lời với dân là để phục vụ nước cho số diện tích đó là hình thức lừa dối nhân dân, đất đã thu hồi năm 2010, dự án mãi đến năm 2013 mới thi công”.

Để xác minh tính chính xác sự việc, PV đã đến tận công trình để kiểm tra thực tế thấy số diện tích của nhân dân khối Tân Hùng trước đây sản xuất, nay tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi để xây dựng nhà máy rác thải, và hiện nhà máy đã xây hết 1/2 diện tích, số còn lại nhà máy đang tiếp tục thi công.

Công trình xây dựng sơ sài, sai địa điểm nhưng vẫn được quyết toán hàng tỷ đồng từ ngân sách

Việc UBND phường Quỳnh Thiện đưa công trình của đập Khe Dũ để xây cho Khe Cầu là sai vị trí của thiết kế đã được phê duyệt vì: Khe Dũ là địa phận của tỉnh Nghệ An, được UBND huyện Quỳnh Lưu xây dựng từ năm 1967 cho nên mới lập dự toán, thiết kế để xây dựng Khe Dũ. Còn đập Khe Cầu là nhân dân tự tạo và nó thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa quản lý, hai khe này cách nhau khoảng 5km và khác nhau hoàn toàn.

Theo phản ánh của người dân, lý do UBND phường Quỳnh Thiện gọi là Khe Dũ 2 (tức Khe Cầu) vì khi bị nhân dân phát hiện và có đơn tố cáo cho nên ông Sự mới tự đặt tên là Khe Dũ 2. Việc ông Nguyễn Bá Sự lý giải trong bản kết luận của thanh tra là xây dựng khe Dũ 2 để lấy nước phục vụ số diện tích phía dưới cho dân Tân Hùng là bao biện.

Vì năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi số diện tích nói trên, giữa dân Tân Hùng và UBND tỉnh Thanh Hóa đã thỏa thuận công tác đền bù và giải phóng mặt bằng để giao cho nhà máy rác thải thi công, đến nay nhà máy đã đưa vào sử dụng. Còn quyết định phê duyệt dự án mãi đến ngày 16/4/2013, UBND huyện Quỳnh Lưu mới có quyết định số 958/QĐ-UBND về việc cho phép lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình: Sửa chữa, nâng cấp đập Khe Cầu thuộc địa phận thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu.

Công ty chỉ xây dựng một gian nhà khoảng 9m2, xây bằng sò táp lô để bảo vệ khóa xả nước

Kè hai bên bờ chắn bằng đá hộc, có chiều rộng khoảng 40cm, chiều sâu khoảng 60cm.

Trước sự việc trên, Ông Bùi Đình Nuôi -Thanh tra của khối Tân Hùng, bức xúc nói: “Dù trong bất cứ điều kiện nào cũng không thể đưa công trình Nghệ An sang xây ở địa phận Thanh Hóa được. Điều đó chẳng khác gì ngân sách địa phương dôi dư mang đi cho địa phương khác”.

Qua xác minh của PV tại công trình, công ty chỉ xây dựng một gian nhà khoảng 9m2, xây bằng sò táp lô để bảo vệ khóa xả nước, kè hai bên bờ chắn bằng đá hộc, có chiều rộng khoảng 40cm, chiều sâu khoảng 60cm, chiều dài khoảng 500-600m, ngoài ra công trình không xây thêm bất kỳ một hạng mục nào mới. Nhưng trong quyết toán công trình lên đến 3.491.000.000 đồng, không hiểu UBND phường Quỳnh Thiện lấy khối lượng ở đâu ra để quyết toán số tiền lớn như vậy?

Theo quy trình thanh-kiểm tra của Ban thanh tra thì dựa vào hồ sơ Quyết toán hay căn cứ khối lượng thực tế để làm cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp thanh toán và trả lời với công dân. Nhưng ở đây, theo ghi nhận của phóng viên thì tại công trình khối lượng chênh lệch quá nhiều so với thiết kế, dự toán. Như vậy, nếu khối lượng thực tế sai lệch quá nhiều so với hồ sơ quyết toán, dẫn đến thất thoát hàng tỷ đồng của Nhà nước thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?

Tác giả: Bùi Ánh

Nguồn tin: langmoi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP