Trong tỉnh

Nghệ An: Test hệ thống nước lọc thận sau sự cố sốc

6 bệnh nhân có biểu hiện sốc, 132 bệnh nhân khác phải chuyển viện khi đang chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Nghệ An

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Tất Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, ngày 30/7, trong lúc chạy thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, 6 bệnh nhân có biểu hiện bất thường nghi sốc.

Bệnh nhân Đặng Thị Trường đang được điều trị tại BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: NLD

Ngay sau đó, 6 bệnh nhân có biểu hiện sốc, 132 bệnh nhân khác đang điều trị ngoại trú phải chuyển tới các bệnh viện khác điều trị vì lo sợ hệ thống máy chạy thận gặp sự cố.

Sáng 31/7, bệnh viện đã mời chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai về kiểm tra hệ thống lọc thận.

Qua kiểm tra, quy trình khám chữa bệnh, chạy thận của ca trực đều đúng theo quy trình của Bộ Y tế quy định.

Bình nước của bệnh viện theo chu kỳ kiểm định 6 tháng/lần, Bệnh viện đã mời chuyên gia bệnh viện Bạch Mai vào bảo dưỡng ngày 23/6/2019 vừa qua.

"Kiểm tra máy chạy thận hiện chưa phát hiện vấn đề bất thường, mẫu nước đang gửi ra Hà Nội để kiểm tra" - bác sĩ Trần Tất Thắng cho biết thêm.

Sau sự cố chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong, đây là vụ việc nghiêm trọng thứ hai xảy ra.

Mới đây, nhóm các chuyên gia y tế, trong đó có ông Lê Thanh Hải - viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế đã công bố những phát hiện mới liên quan tới sự cố chạy thận tại Hòa Bình.

Theo đó, ông Hải cho rằng nguyên nhân tử vong không phải do các công bố như trước đây (là tồn dư HF trong quá trình làm sạch hệ thống), mà là hệ thống RO1 hỏng 3 van nước, đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo.

Đây là nguyên nhân khiến 8 người bệnh tử vong (tình tiết này là mới chưa có trong kết luận điều tra).

Ông Hải cho rằng trong các lần bảo trì trước, hệ thống bao gồm: Bồn chứa nước tinh khiết RO2, bơm, đường ống cấp tuần hoàn, đường hồi nước về bồn RO2 được cách ly hoàn toàn và không thể xâm nhập do các van cấp rửa màng và van cấp khử trùng đóng kín.

Lần xảy ra sự cố, chính việc hỏng 3 van nước (K1, K2, K3) cùng nằm trên đường nối tắt (Bypass) của hệ thống RO1 đã mở thông con đường ô nhiễm nước bẩn vào tank RO2 cấp nước cho máy thận.

Đây mới là nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong. Việc này có thể Bùi Mạnh Quốc (một trong số bị cáo trong vụ việc) đã không kiểm soát được.

Do sử dụng lâu, nhiều lần sục rửa, bảo trì bằng hóa chất trước đây đã làm cho quá trình hỏng 3 van diễn ra từ từ, gây rò rỉ nước sinh hoạt thành phố qua hai cột lọc đầu và nhiều chất bẩn bong trôi do bị sục ngược các cột lọc đầu của RO1 (không đủ tiêu chuẩn chạy thận) vào tank RO2, dẫn đến bệnh nhân tử vong.

"Tôi đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra phục dựng toàn bộ hiện trường và điều tra thực nghiệm lại với sự chứng kiến, phối hợp của các nhà khoa học trong y tế để tìm ra nguyên nhân tử vong cho những người bệnh một cách cẩn trọng, khách quan, khoa học", ông Lê Thanh Hải kiến nghị.

Tác giả: Thái An (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP