Xã hội

Nghệ An: Tận cùng khổ đau vẫn sáng ngời hạnh phúc

Đến nhà đúng lúc anh đang gội đầu cho chị, chồng lau từng lọn tóc cho vợ, họ cười nói với nhau, chúng tôi không ai lên tiếng vì muốn ngắm mãi khoảnh khắc mang tên hạnh phúc ấy.

Mối tình vượt qua thác ghềnh

Trong vị se sắt của gió heo may đầu mùa lạnh, tôi theo bước chân đoàn thiện nguyện của nhóm Niềm tin đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Nằm cách đường huyền thoại Hồ Chí Minh chừng 2 km, ngôi nhà nho nhỏ nơi người phụ nữ chịu vô vàn những khổ đau vì bệnh tật, nhưng cũng là ngôi nhà nổi tiếng bởi nơi đó chứng kiến sự tồn tại của một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, về sức mạnh tình yêu đã vượt qua vô số những rào cản, những thử thách, và hiện vẫn đang từng ngày từng giờ thách thức với tử thần.

Sinh năm 1979, đến năm 1996 chị Phương biết mình bị căn bệnh u tủy sống. Đi làm công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương để kiếm sống và kiếm tiền chữa trị bệnh, một lần đau nằm viện, chị quen anh Trương Văn Chín, chàng lính trẻ quê Tiền Giang. Quen rồi yêu nhau, nhưng bệnh tình ngày càng nặng, chị về quê chạy chữa và viết thư đề nghị chia tay để anh Chín có tương lai hạnh phúc.

Chị Phương kể, tôi – một người con gái bệnh tật quật cho bại liệt phải nằm bất động một chỗ, viết thư chia tay xong thì tan nát vì khổ đau. Sau 4 tháng viết bức thư ấy, một ngày tôi nhìn ra mảnh sân nhỏ nhà mình thấy chính người mình yêu vượt hàng nghìn km để đến với mình nơi “khỉ ho cò gáy”. Rồi cả xóm Gia Đề cũng xôn xao vì một chàng trai nói giọng miền Nam hỏi thăm đường “tìm nhà bạn”, rồi sau đó ở lại chăm nom bạn săn sóc. Có ai nghĩ anh Chín vượt qua mọi dị nghĩ, mọi sự kỳ thị, để chung thủy với mối tình đầu của mình trong nghịch cảnh trái ngang cả về không gian, về hoàn cảnh.

Đám cưới anh chị, một chàng trai đến từ miền Nam trắng trẻo, nhanh nhẹn, dễ nhìn, với một cô gái bị bại liệt ở trung du xứ Nghệ, ngày cưới chú rể được nhà gái giao cho cô dâu ngồi trên xe lăn, thực là một chuyện lạ, một cổ tích giữa đời.

Càng kỳ diệu hơn, sau nhiều lần phẫu thuật, có lúc người chị Phương chỉ còn dưới 30kg, vậy mà chị vẫn được làm mẹ, vẫn vượt cạn thành công trong sự kinh ngạc của ngay chính các y bác sĩ. Đến nay cháu Trương Bảo Phúc đã 9 tuổi, học lớp 4, khỏe mạnh và tự đạp xe đi học ở trường làng như bao bạn bè đồng trang lứa.

Bị bại liệt nhưng chị Phương vẫn vượt cạn thành công không phải nhờ đến giao kéo. Trong ảnh là gia đình anh chị khi cháu Trương Bảo Phúc chưa đầy 1 tuổi. Ảnh tư liệu do chị Phương cung cấp.

Anh Chín kể, năm 2016, chị Phương bị tràn dịch màng phổi nặng, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và kíp bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy đã “bó tay”, xe cứu thương đưa chị về cùng với mọi hy vọng gần như đã cạn kiệt. Lúc ấy, mỗi hơi thở của chị phụ thuộc hoàn toàn vào bình oxy.

Về nhà mấy ngày, dịch tràn từ phổi qua vòi thông dịch ngày càng ít dần, hơi thở chị mạnh dần, một lần nữa, từ cõi “thập tử nhất sinh”, trong ngôi nhà hạnh phúc của mình, chồng và con chị đã giành lại chị từ bàn tay tử thần.

Đợt ốm ấy, anh Chín phải nghỉ làm một năm rưỡi để chăm sóc vợ, nay anh mới trở lại đi làm được 6 tháng ở Khu công nghiệp Bắc Vinh. Dù nằm một chỗ, nhưng chị Phương vẫn nhờ gia đình sắm cho một tủ hàng để bán hàng tạp hóa cho người dân trong vùng. Rồi chị còn nhận làm dịch vụ đánh máy và in văn bản. Làng xóm ai cần thì đưa đến chị làm. “Em vẫn vui vì vẫn còn có ích, vẫn góp nhóp từng đồng để cùng anh Chín nuôi Bảo Phúc ăn học” – chị Phương tâm sự.

Nhà thơ - “Sứ giả hạnh phúc”!

Có khách đến thăm, chị Phương không ngớt kể chuyện để làm mọi người vui. Trên chiếc giường nhỏ, chị nằm giữa và chung quanh người cơ man là thuốc, là dụng cụ y tế… cũng quanh người chị là những quyển thơ, những bức ảnh những lần gặp gỡ. Bên hông chị là vòi thông tiểu, nhưng trên ngực chị là chiếc máy vi tính xách tay chứa nhiều bài thơ, câu chuyện chị tự viết.

Và cũng chiếc máy tính đó, người phụ nữ bất động mấy chục năm nay đã kết nối với cuộc sống rộn rã bên ngoài nhưng không phải với nội tâm u ám của một người triền miên bệnh tật và đau đớn, mà với một tâm thế mạnh mẽ của một người phụ nữ đã nhiều lần chiến thắng tử thần.

Được biết, từ những tình cảm đặc biệt do người chồng giành cho mình, chị Phương luôn cảm thấy chị là người hạnh phúc và không thể diễn tả hết qua lời nói. Do vậy, chị viết truyện để giải bày tình cảm của mình. Quyển tự truyện chị viết được Nhà xuất bản Báo công an nhân dân “đỡ đầu” có tên là Cổ tích tình yêu. Đến khi đau đớn hành hạ dai dẳng, không thể viết dài, chị lại chuyển sang làm thơ.

Chị nằm đó thân hình khô héo, bàn chân quắt lại và xuất huyết xạm đen, nhưng giọng đọc hãy còn ấm áp và đầy nội lực. Chị tự ví mình như “Mảnh trăng khuyết”, nhưng đó là một “Mảnh trăng khuyết” luôn lạc quan vì “Nụ cười vẫn nở môi mềm vẫn tươi”. Chị đọc cho chúng tôi nghe bài Mảnh trăng khuyết, Nợ anh… Những câu thơ tràn đầy rung động: “Mảnh trăng khuyết giữa biển người/Ai cười ai khóc ai chơi vơi lòng/Nỗi buồn không đếm chẳng đong/Chỉ cần bên cạnh những vòng tay yêu”...

Dù bệnh tật hành hạ, từng trải qua tột cùng đau đớn và kiệt quệ sức khỏe, nhưng nhận được tình yêu thủy chung một mực từ anh Chín, chị Phương luôn cho rằng mình là người hạnh phúc. Ảnh: OPNĐ. Tk: Hà Giang

Chị Đinh Thị Thảo – Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Dũng cho biết người dân ở Nghĩa Dũng còn gọi chị Phương là nhà thơ, vì chị có nhiều bài thơ về tình yêu về số phận, về quan niệm hạnh phúc, hết sức gần gũi, cảm động.

Không chỉ chị em phụ nữ Nghĩa Dũng mà chị em nhiều nơi chép tay để truyền đọc cho nhau nghe, nhất là mỗi lần đến ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Tấm gương chị Phương, cùng những bài thơ của chị, đã tiếp thêm sức mạnh cho nhiều chị em, góp phần thắp sáng và làm ấm nồng thêm ngọn lửa hạnh phúc của nhiều gia đình khác.

Thời gian này, chị Phương sử dụng facebook với tên tài khoản là "Phương Chín", và đều đặn, chị giới thiệu những bài thơ tràn đầy âm thanh, ánh sáng, sự rộn rã của một tâm hồn khát khao hòa cảm với cuộc sống. Đọc những đoạn thơ lấp lánh, tinh khôi, trong trẻo, ít ai biết đó là vần thơ của một người phụ nữ có tấm thân không không dưới 5 lần vào phòng đại phẩu thuật, nhiều lần trở về từ cõi chết:

"Tôi ngồi chuốt sợi heo may
Chắp thành đôi cánh tung bay giữa đời
Hòa cùng nhịp sống đất trời
Hồn phiêu theo cảnh rong chơi, vui đùa

Thu mai mát rượi gió lùa
Lặng nhìn hoa lá đung đưa trên cành
Ngắm hồ thu nước trong xanh
Vầng dương soi bóng long lanh ánh vàng

Thiên nhiên hòa tấu rộn ràng
Bướm, ong... theo nắng nhịp nhàng múa ca
Từng đàn bay lượn la đà
Dập dìu đôi cánh thật là dễ thương"

(Thiên nhiên hòa tấu, 28/9/2017)

Cùng nhóm Niềm tin trao chị món quà nhỏ với lời chúc ngày 20/10 sức khỏe và hạnh phúc nhân ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, chia tay chị khi bóng chiều đã ngã, trong cái lạnh cuối thu miền sơn cước quất vào thung động từng đợt gió mạnh mà chúng tôi thấy ấm lòng đến lạ. Mỗi chúng tôi đều được mang theo về những “năng lượng đặc biệt”, bài học đặc biệt về tình yêu và hạnh phúc, từ chính một người phụ nữ đặc biệt: Tận cùng khổ đau mà không bất hạnh, bệnh tật dập vùi nhưng ngời sáng niềm tin và khát vọng.

Chị Nguyễn Thị Phương và anh Trương Văn Chín xứng đáng là sứ giả của tình yêu, biểu tượng đẹp về sự bất tử của tình yêu!

Nhận món quà 10 triệu đồng từ đại diện nhóm Niềm tin, chị Nguyễn Thị Phương khẳng định chị sẽ luôn sống xứng đáng để là tấm gương về nghị lực, về tình yêu cuộc sống để xứng đáng với sự quan tâm của mọi người. Chị cũng gửi lời chúc nhóm Niềm tin tiếp tục thực hiện nhiều hành trình nhân ái để nhân lên niềm tin giữa cuộc đời như tôn chỉ của nhóm: Gieo niềm tin - Ươm hy vọng - Gặt yêu thương. Ảnh: OPNĐ.

Đoàn thiện nguyện Niềm tin chụp hình lưu niệm với gia đình chị Nguyễn Thị Phương - "sứ giả tình yêu" trong "ngôi nhà hạnh phúc" ở xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Ảnh: OPNĐ



Tác giả: Đức Dương

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP