Xã hội

Nghệ An: Sâu róm phát sinh gây hại rừng thông

Nghệ An hiện có trên 30 nghìn ha thông trong thời kỳ khai thác nhưng lứa sâu róm thế hệ II có nguy cơ phát sinh gây hại nặng trên diện rộng và gây trụi lá.

Sâu róm non thế hệ I/2017 đã phát sinh gây hại trên hầu hết các lâm phần rừng thông tại địa bàn các huyện TX Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương...

Theo số liệu tổng hợp, hiện có 75 ha nhiễm, trong đó tập trung chủ yếu ở Diễn Châu và vùng giáp ranh Diễn Châu - Nghi Lộc.

Ông Trịnh Thạch Lam, trưởng phòng BVTV, Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh cho hay: Cơ bản những ổ dịch và diện tích có mật độ sâu cao đã được các địa phương, đơn vị chủ rừng tổ chức phòng trừ đạt kết quả khá tốt.

Tuy nhiên hiện tại mật độ sâu róm thông thế hệ I/2017 trên một số diện tích vẫn còn khá cao (phổ biến từ 10 - 20 con cây, nơi cao 30 - 80con/cây), cá biệt một số ổ dịch cây tại các xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc (huyện Quỳnh Lưu); Diễn Phú, Diễn Lợi, Diễn Thắng (huyện Diễn Châu); Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) có mật độ sâu lên đến 150 - 200con/cây.

Công tác phun phòng, trừ diệt sâu róm hại thông được triển khai tại Tiểu khu 889, xã Xuân Thành, Yên Thành. Ảnh tư liệu

Theo đúng quy luật phát triển, cộng thêm thời gian tới điều kiện thời tiết thích hợp, dự báo sâu róm trưởng thành thế hệ I sẽ vũ hóa tập trung từ ngày 27/5 đến 6/6/2017; sâu non thế hệ II sẽ nở tập trung từ ngày 05 – 20/6/2017 và gây hại nặng từ giữa tháng 6 trở đi. Rất đáng lo ngại là lứa sâu này có nguy cơ phát sinh gây hại nặng trên diện rộng và gây trụi lá nếu không được tổ chức phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, để phòng trừ kịp thời và hiệu quả, các huyện cần tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp tốt với các đơn vị, chủ rừng, trạm Trồng trọt và BVTV, Hạt Kiểm lâm nắm bắt diễn biến của sâu róm thông trên địa bàn.

Các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp, Doanh nghiệp trồng rừng có rừng thông tăng cường điều tra phát hiện, khoanh vùng diện tích rừng bị nhiễm sâu thế hệ I/2017, theo dõi, dự báo những diện tích rừng có nguy cơ bị sâu thế hệ II/2017 gây hại trung bình đến nặng để chủ động lập kế hoạch phòng trừ.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến vũ hóa của sâu róm trưởng thành thế hệ I để tiến hành bẫy đèn diệt nhằm làm giảm mật độ khi chuyển sang thế hệ II/2017. Các Trạm Trồng trọt và BVTV tập trung phân công cán bộ bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm, UBND huyện, xã để đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, ban nông nghiệp, cán bộ lâm nghiệp các xã thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, khoanh vùng diễn tích nhiễm sâu thế hệ I/2017, dự báo diện tích rừng bị nhiễm sâu thế hệ II/2017 nhất là vùng có nguy cơ phát dịch cao (lân cận các ổ dịch) nhằm hỗ trợ các xã lập kế hoạch và chỉ đạo và thực hiện phòng trừ có hiệu quả...

Tác giả: Phú Hương
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP