Trong tỉnh

Nghệ An: Sau phán quyết của Tòa, một gia đình có nguy cơ phải "màn trời chiếu đất"?

Cho bạn là giám đốc doanh nghiệp mượn sổ đỏ không ngờ bạn đem thế chấp ngân hàng, ông Thuyết đang đứng trước việc mất đất mất nhà.

Pv nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Phạm Quang Thuyết sinh năm 1958 trú tại số nhà 15, đường Kim Đồng, phường Hưng Phúc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Trong đơn, ông Thuyết mong muốn báo vào cuộc tìm hiểu đưa sự việc ra ánh sáng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông trong bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 12/2015/KDTM-PT ngày 15/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An về vụ án:“Tranh chấp hợp đồng tín dụng, thế chấp”.

Đơn kêu cứu của ông Phạm Quang Thuyết gửi Báo Pháp luật Việt Nam.

Nguyên đơn là Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbanks), bị đơn là Công ty TNHH Thương Thắng do ông Nguyễn Ngọc Trung làm giám đốc.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc cùng vợ ông Trung là bà Trần Thị Anh và vợ chồng ông Thuyết và bà Nguyễn Thị Hòa vợ ông Thuyết.

Theo nội dung đơn kêu cứu và hồ sơ vụ án mà ông Thuyết cung cấp cho biết: Ngày 3/11/2011 do có quen biết từ trước, ông Nguyễn Ngọc Trung, giám đốc Công ty TNHH Thương Thắng có trụ sở tại số 21 Lý Thường Kiệt, TP Vinh cùng vợ là bà Trần Thị Anh có đến nhà ông bà mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 167,18m2 thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Quang Thuyết và vợ là bà Phạm Thị Hòa.

Giấy thỏa thuận mượn sổ đỏ (GCNQSDĐ) mà vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Trung mượn của ông Phạm Quang Thuyết.

Trong thời gian mượn GCNSQSDĐ, ông Trung đã nhiều lần đến gia đình nhờ vợ chồng ông Thuyết, bà Hòa ký vào 3 tờ giấy, do tin tưởng người bạn của mình nên hai vợ chồng ông ký tên mà không xem nội dung của 3 tờ giấy này vì ông Trung đến vào lúc buổi tối, có lần đến vào lúc trời mưa nhờ vợ chồng ông ký trực tiếp chỗ nhà máy gạch mà bà Hòa vợ ông Thuyết đang làm việc.

Sau khi cho mượn giấy CNQSDĐ, ông Thuyết đã nhiều lần đòi ông Trung trả lại sổ đỏ cho gia đình nhưng ông Trung đều khất lần và hứa hẹn sẽ trả lại trong thời gian sớm nhất.

Đến ngày 8/9/2011, gia đình ông Thuyết mới tá hỏa khi cán bộ tín dụng Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbanks) chi nhánh Nghệ An đến nhà đưa thông báo dư nợ quá hạn.

Lúc này ông bà mới ngã ngửa khi biết GCNQSDĐ của gia đình đã bị ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty Thương Thắng thế chấp sổ đỏ và tài sản gắn liền trên đất của gia đình tại ngân hàng, cùng với hai tài sản đảm bảo khác của công ty để vay số tiền 9,5 tỷ đồng.

Sau đó, gia đình ông Thuyết đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng và cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An.

Ông Thuyết đã nhiều lần liên hệ với vợ chồng ông Trung bà Anh yêu cầu trả lại giấy CNQSDĐ nhưng vợ chồng ông Trung đã bỏ trốn khỏi địa phương cũng như thay đổi địa điểm hoạt động của Công ty Thương Thắng về xóm 10, xã Nghi Kim, TP Vinh do người khác làm đại diện theo pháp luật.

Căn nhà của gia đình ông Phạm Quang Thuyết đứng trước nguy cơ bị thi hành án.

Do không đòi được khoản nợ tín dụng đã cho vợ chồng ông Trung thế chấp, Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbanks) chi nhánh Nghệ An đã phát đơn khởi kiện ra tòa buộc Công ty Thương Thắng phải trả nợ số tiền hơn 15,2 tỷ đồng cho ngân hàng bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi quá hạn.

Trong trường hợp Công ty TNHH Thương Thắng không trả nợ hoặc trả không đủ thì Ngân hàng Eximbanks chi nhánh Nghệ An có quyền yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp để đảm bảo thu hồi số nợ đã cho vay.

Tiếp đến ngày 17/10/2014 và ngày 15/9/2015 qua hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP Vinh và TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên Công ty Thương Thắng phải trả nợ số tiền 15,2 tỷ đồng cho ngân hàng Eximbanks Chi nhánh Nghệ An.

Bản án Phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An vô tình đẩy gia đình ông Phạm Quang Thuyết đứng trước nguy cơ mất đất, mất nhà.

Trong tài sản mà Công ty TNHH Thương Thắng thế chấp có GCNQSDĐ với diện tích 167,18m2 do ông Thuyết, bà Hòa là chủ sở hữu theo hợp đồng công chứng số 00217 ngày 23/10/2009 và phụ lục hợp đồng số 01 ngày 12/1/2011 để đảm bảo khoản vay cả gốc và lãi tương ứng với số tiền 1,8 tỷ đồng mà ông Trung, giám đốc Công ty Thương Thắng đã thế chấp.

Trao đổi với PV, ông Thuyết lo lắng cho biết: “Hiện nay gai đình tôi vô cùng lo lắng vì không biết lúc nào nhà cửa và sổ đỏ của gia đình tôi sẽ bị thi hành án. Nếu như thi hành án gia đình tôi biết ở đâu trong khi gia đình tôi không hề thế chấp, hay bảo lãnh cho ông Trung vay tiền.

Tôi đã làm đơn kiến nghị tái thẩm gửi ra TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án để trả lại công bằng cho người dân thấp cổ bé họng như chúng tôi.

Nhưng ngày 14/9/2018 TAND cấp cao tại Hà Nội đã có thông báo số 110/TB-TANDCC thông báo về việc giải quyết đơn đề nghị tái thẩm của vợ chông tôi đã bác đơn đề nghị tái thẩm của vợ chồng tôi. Vô hình dung đã đẩy gia đình tôi vào cảnh đường cùng khi không có chỗ ở cho tôi và các con...

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ra thông báo về việc giải quyết đơn đề nghị tái thẩm đã bác đơn đề nghị tái thẩm của ông Phạm Quang Thuyết.

Kể từ khi biết sự việc gần 8 năm nay gia đình tôi vô cùng hoang mang lo lắng, tôi đã làm đơn gõ cửa các cơ quan chức năng chỉ mong công lý luôn đứng về lẽ phải. Nếu tôi hay gia đình tôi có thế chấp tài sản thì ngân hàng có lấy tôi sẽ chấp hành ngay nhưng đây là do gia đình tôi bị lừa mới đến nông nỗi này...”.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trọng Đại, Trưởng văn phòng luật sự Thành Điệp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông Thuyết, bà Hòa phân tích.

Việc TAND cấp cao tại Hà Nội bác đơn đề nghị tái thẩm của gia đình ông Thuyết, bà Hòa là không đúng pháp luật khi giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An.

Bởi luật sư Nguyễn Trọng Đại cho rằng:

1, Về thủ tục kháng cáo, vợ chồng ông Thuyết kháng cáo đúng thời gian theo quy định của pháp luật nên đề nghị HĐXX chấp nhận xem xét giải quyết theo quy định của luật tố tụng.

2, Việc cấp sơ thẩm TAND TP Vinh và tòa án nhân dân cấp phúc thẩm TAND tỉnh Nghệ An chỉ dựa vào chữ ký của ông Thuyết, bà Hòa ở các trang hợp đồng, phụ lục hợp đồng và công chứng để tuyên án, cũng như phía ngân hàng Eximbanks chi nhánh Nghệ An dựa vào đây để tiến hành giao dịch với Công ty Thương Thắng là không có cơ sở vì hợp đồng thế chấp ngày 23/10/2009 và phụ lục hợp đồng ngày 12/1/2012 đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng về luật công chứng.

Điều này được thể hiện tại hợp đồng thế chấp có 5 trang nhưng vợ chồng ông Thuyết, bà Hòa không ký từng trang mà chỉ có chữ ký ở trang cuối do bị ông Trung lừa nhưng không hiểu vì lý do gì nhân viên phòng công chứng vẫn thực hiện thủ tục công chứng theo quy định.

3, Do ông Nguyễn Ngọc Trung và vợ là bà Trần Thị Anh đang bỏ trốn, chưa lấy được lời khai của ông Trung và bà Anh nên việc HĐXX TAND hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm lại bác bỏ lời khai của ông Phạm Quang Thuyết là không có cơ sở và không thuyết phục cần phải được điều tra lại.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Đình Quyết

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP