Giáo dục

Thầy trò băng rừng, vượt núi tìm nguồn nước

Hàng trăm học sinh và giáo viên từ năm này qua năm khác phải chịu cảnh không có nước sinh hoạt, họ buộc phải băng rừng đi tìm và cuối cùng niềm vui cũng về trên vùng đất khát.

Xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) là khu vực vùng cao có khí hậu lạnh. Tuy nhiên cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhất là quanh năm thiếu nước sinh hoạt. Có thể nói rằng, đây là vùng đất "khát" nhất trên địa bàn miền Tây Nghệ An. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn ở của hàng trăm học sinh bán trú trên địa bàn xã.

Thầy trò vùng khát đi tìm nguồn nước. Ảnh: Đào Thọ

Thầy Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Huồi Tụ cho hay, những năm qua, hàng ngày thầy và trò trường PTDTBT THCS Huồi Tụ (Kỳ Sơn) đều phải chịu cuộc sống kham khổ do thiếu nước. 4 giờ sáng, mùa đông cũng như mùa hè hơn 200 học sinh bán trú phải thức nhau dậy sớm để lấy nước. Mỗi em 10 lít, vượt đường xa gần 1 km trong đêm để mang về nấu ăn và sinh hoạt.

Nơi họ đến là khu vực sâu dưới vách núi. Ảnh: Đào Thọ

Thầy giáo Nguyễn Đức Phương kể rằng, những hôm nào công việc bận quá thì đành phải mua nước từ xe thùng với 100.000 đồng/m3. Vất vả và tốn kém nhưng không làm thế thì không có nước để dùng.

Chính vì vậy, gần cả tuần nay, nhà trường huy động các thầy giáo và học sinh đi tìm những nơi có nước để dùng máy bơm và vòi dẫn nước về. Theo chân đoàn người một buổi chiều, chúng tôi vượt qua con dốc ở bản Trung tâm xuống phía dưới bờ vực sát bản Huồi Lê. Quãng đường vòng vèo gần 2 km chúng tôi mới đến được một con khe nhỏ.

Những đường ống dẫn nước về bằng tre nứa của dân bản. Ảnh: Đào Thọ

Qua quan sát của chúng tôi cũng như những người dân bản địa kể lại thì nơi đây đã từng tồn tại một bể nước nhỏ nhưng nước chảy rất yếu ớt. Muốn lấy được nước ở đây chỉ còn cách dùng can nhựa mang về.

Trước tình thế này, thầy và trò phải xắn quần hì hục đào đất đá, nạo vét nhằm khơi dòng. Mãi tới xẩm tối, những tấm áo thấm ướt mồ hôi nhưng công việc vẫn chưa có kết quả.

Máy bơm nước được huy động đến tận nguồn để hút nước. Ảnh: Đào Thọ

Trên mảnh đất quanh năm thiếu nước này, để có nước phục vụ sinh hoạt không hề đơn giản. Theo thầy Nguyễn Đức Phương: “Hành trình tìm nguồn nước còn dài dài, bởi thực tế không thể bê xách được mãi, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục khơi thông, nếu khả quan sẽ mang máy hút, lắp đường ống để dẫn nước về”.

Qua gần một tuần liên tục đào bới, lắp vòi cuối cùng niềm vui cũng đã đến. Những dòng nước chảy về bể của học sinh như xoa dịu cơn khát cháy bỏng bấy lâu nay. Hơn 200 học sinh bán trú đứng quanh bể nước reo hò phấn khởi như ngày hội.

Sau gần một tuần lao động, hơn 200 học sinh và giáo viên vùng khát đã có nước về tận trường. Ảnh: Đào Thọ

“Vậy là từ nay các em và thầy cô không phải quá lo lắng nữa. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ quán triệt và tuyên truyền để các em và thầy cô hiểu được rằng, nước là nguồn tài nguyên quý hiếm trên mảnh đất này, cần phải quý trọng và bảo vệ” - Thầy Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Huồi Tụ chia sẻ.

Tác giả: Đào Thọ

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: thầy giáo ,học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP