Xã hội

Nghệ An: Phát hiện hang động có dấu tích của người Việt cổ

Chiều 27/4/ 2017, Bảo tàng Nghệ An và Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thông qua báo cáo sơ bộ kết quả điều tra khảo sát một số hang động. Sau thời gian 7 ngày tiến hành khảo sát 11 hang động trên địa bàn 2 huyện Quế Phong và Tân Kỳ (Nghệ An) - đoàn đã phát hiện 3 hang động có dấu tích của người Việt cổ sinh sống.

Toàn cảnh hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả kiểm tra các hang động.

Đoàn đã tiến hành khảo sát hang Mẹ Mòn, hang Bản Đan, xã Tiền Phong (huyện Quế Phong) và hang Hợ Trung (hang Mó), xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Theo đó, đoàn đã đào thám sát một số địa điểm trong hang và bước đầu đã thu thập được nhiều hiện vật liên quan đến người Việt cổ như: mộ táng, công cụ ghè đẽo, đồ gốm, vỏ ốc, tro, xương, dọi xe chỉ, mảnh vòng đeo tay bằng đồng... Tất cả các hiện vật này có niên đại cách ngày nay khoảng 8.000 đến 3.000 năm.

Đánh giá ban đầu của PGS.TS Lại Văn Tới - Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành, một người có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về các di chỉ khảo thời tiền sử cho biết: “Qua một số hiện vật còn sót lại trong hang, đặc biệt là các hiện vật gốm có hoa văn với nhiều đồ án hoa văn trang trí như văn thừng, hoa văn hình chữ S; dãy lỗ hình tam giác rỗng trên đồ gốm, vòng đồng đeo tay… Tất cả đều cho thấy đây là những di khảo cổ học khá độc đáo chứng minh vùng đất miền núi phía Tây Nghệ An là nơi cư trú của người cổ xưa. Và đã có sự giao thoa văn hóa với một số vùng như văn hóa Mai Pha ở Lạng Sơn thời đại sơ kỳ thời đại kim khí.

Các di chỉ khảo cổ học đã phát hiện ở huyện Quế Phong và Tân kỳ là một kho tư liệu lịch sử quý giá cần có các nhà khoa học tiến hành khai quật và nghiên cứu lâu dài. Hơn nữa đây là một di chỉ khá đặc biệt, bởi các hiện vật hiện vật quý mới được phát hiện. Cùng các giá trị khoa học nổi bật về quy mô, diện tích, giá trị địa chất, địa mạo, sử học, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học,...

Đoàn công tác đã lập biên bản, thống nhất quan điểm đề nghị các cơ quan liên quan, trước mắt là địa phương nơi có di tích, tiến hành phân công người bảo vệ kịp thời các di chỉ khảo cổ học đã phát hiện. Đồng thời xây dựng phương án tiến tới khai quật quy mô tại các di tích này để tiếp tục nghiên cứu trong thời gian sớm nhất.
PGS.TS Lại Văn Tới- Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành báo cáo tại hội nghị.
Một số hiện vật khai quật được tại các địa điểm khảo sát.
Dọi xe chỉ.
Mảnh gốm có hoa văn.

Tác giả bài viết: Mạnh Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP