Trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều hồ đập 'kêu cứu' trước mùa mưa lũ

Nghệ An hiện có 625 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ. Trong đó có nhiều hồ đập được xây dựng cách đây hàng chục năm nay đã xuống cấp khiến việc điều tiết tưới tiêu, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu gặp nhiều khó khăn.

Cống hồ Vực Mấu xuống cấp đe dọa vùng hạ lưu

Vực Mấu (phường Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai) là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh với dung tích chứa gần 75 triệu m3 nước, diện tích lưu vực 215km2, tưới cho gần 1,3 nghìn ha cây trồng. Đập được xây dựng từ năm 1978, đến năm 2008 thân đập được gia cố, nâng cấp. Khi mùa mưa lũ tràn về, đạt mực nước dâng bình thường, nếu xả cùng lúc 5 cửa sẽ đạt lưu lượng 1.200 m3/s. Tuy nhiên, cống được xây dựng bằng bê tông, cốt thép đã trên 40 năm, nay đã xuống cấp, rò rỉ, uy hiếp thân đập và vùng hạ lưu.

Năm 2013, trước nguy cơ vỡ thân đập, khi cả năm cửa xả của hồ mở, mưa to cộng với thủy triều dâng đã khiến cả thị xã Hoàng Mai ngập trong biển nước, gây thiệt hại gần 1.300 tỷ đồng, 1 người chết.

Dẫn chúng tôi đi xem cống hồ Vực Mấu, ông Ngô Quốc Thăng, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai thuộc Cty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An cho biết, bê tông cống đã bị xâm thực, rò qua thành cống gây mất an toàn khi mùa mưa bão sắp đến.

“Hồ Vực Mấu như một quả bom nước treo lơ lửng trên đầu hơn 100 nghìn dân. Bê tông cống có hiện tượng xâm thực và rò rỉ qua thành cống từ nhiều năm nay. Mùa hạn, nước bị thất thoát trong khi mùa mưa đến, lượng nước nhiều, rò rỉ tiềm ẩn nguy cơ vỡ thân đập. Tuy nhiên, đây là cống rất lớn, gồm 2 khoang, để sửa chữa cần phải khảo sát kỹ và cần một nguồn kinh phí rất lớn”, ông Thăng cho biết.

Đó chỉ là 1 trong số gần 60 hồ đập thủy lợi tại Nghệ An “kêu cứu”. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 57 hồ chứa nước cần được xử lý cấp bách. Trong đó có 7 hồ nằm trong nhóm ưu tiên số 1. Tính chất xung yếu cấp bách cần phải xử lý ngoài rò rỉ cống, thân đập còn có sạt lở mái thượng lưu, bong tróc bê tông cống… Các sự cố nêu trên vừa gây thất thoát nguồn nước và đặt người dân vùng hạ lưu trong tình cảnh luôn thấp thỏm, lo âu.

Cống bị rò rỉ, xâm thực

Tại buổi làm việc với Tổng cục Thủy lợi mới đây, ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: “Để khắc phục những sự cố trên cần nguồn kinh phí gần 537 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ưu tiên 1 gồm 7 công trình với kinh phí 107 tỷ đồng, nhóm ưu tiên 2 cần gần 430 tỷ đồng. Hiện các khoản chi phí trong sản xuất, quản lý, khai thác công trình thủy lợi tăng lên theo cơ chế thị trường. Nguồn cấp thủy lợi phí hàng năm chỉ đủ để vận hành tưới tiêu, không đủ để khắc phục sự cố, nạo vét lòng hồ, kênh mương lớn.

Bên cạnh đó, ở Nghệ An vẫn tồn tại tình trạng vi phạm hành lang các công trình thủy lợi, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Vì vậy, tỉnh đề nghị Tổng cục Thủy lợi xem xét trình các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu điều chỉnh giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi tăng lên để đáp ứng tốt hơn việc vận hành và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi”.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, đây là khó khăn chung của ngành thủy lợi nước ta. Hiện nay có rất nhiều công trình hồ đập ách yếu cần được nâng cấp sửa chữa nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa thể triển khai. Bình quân mỗi năm Nhà nước đang cấp bù 6.300 tỷ đồng thủy lợi phí nhưng cũng chỉ đủ để vận hành điều tiết nước.

“Trong thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm đến việc cấp nguồn ngân sách duy tu, bảo dưỡng các công trình nhằm đảm bảo an toàn hồ đập. Tuy nhiên, số lượng hồ đập xuống cấp hiện nay nhiều, cần một nguồn ngân sách rất lớn, ngay một lúc chưa thể đáp ứng hết được. Khi Luật Thủy lợi đi vào cuộc sống, giá dịch vụ thủy lợi tăng hi vọng nguồn vốn đầu tư vào việc nâng cấp các công trình thủy lợi sẽ tăng lên. Trước mắt, ngành thủy lợi phải khắc phục những khó khăn để phục vụ tốt hơn, nâng cao chất lượng nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân”, ông Tỉnh cho biết.

Tác giả: VĂN DŨNG - THANH NGA

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

  Từ khóa: hồ đập ,Hồ Vực Mấu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP