Trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều giáo viên bị "đẩy ra đường" vì bị chính quyền huyện Yên Thành "bỏ rơi"?

Dành cả tuổi thanh xuân để công hiến cho sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng, những giáo viên ở huyện Yên Thành có nguy cơ bị "đẩy ra đường"?.

Sau khi Pháp luật Việt Nam phản ánh, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Giáo dục - đào tạo và UBND huyện Yên Thành xem lại vụ việc.

Tại buổi họp Ban Thường vụ huyện ủy Yên Thành sáng ngày 13/7/2020, nội dung xét tuyển đặc cách giáo viên theo công văn 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ đã được đưa ra.

Thường trực huyện ủy Yên Thành đã dành thời gian để nghe Trưởng phòng Nội vụ và Trưởng phòng Giáo dục huyện này báo cáo giải trình.

Nhiều giáo viên ở huyện Yên Thành có nguy cơ ra đường vì bị chính quyền huyện "bỏ quên".

Dành cả tuổi xuân cống hiến cho giáo dục đổi lại là con số "0"?

Theo thông tin phóng viên nhận được, do báo chí đã phản ánh kịp thời những bất thường trong việc xét tuyển đặc cách ở huyện Yên Thành như: thời gian cho giáo viên chuẩn bị hồ sơ quá gấp (chỉ 1 ngày làm việc), điều kiện để được nhận hồ sơ xét tuyển quá hẹp, đối tượng được xét tuyển có dấu hiệu “chệch hướng” theo nội dung công văn 5378/BNV-CCVC ngày 05/11/2019 của Bộ Nội vụ.

Mặc dù hơn 61 trường hợp được phòng Nội vụ nhận hồ sơ và phòng Giáo dục “phỏng vấn”, nhưng đứng trước phản ứng của dư luận, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã phải “cân nhắc lại”.

Đơn gửi bí thư Tỉnh uỷ của các giáo viên.

Nhiều giáo viên cho biết, ngay sau khi Bộ Nội vụ ban hành công văn 5378/BNV-CCVC, họ rất vui mừng vì Đảng và Chính phủ đã thấu hiểu được những vất vả, thiệt thòi của họ nhiều năm qua.

Họ mong chờ từng ngày chủ trương, chính sách trên về với ngành giáo dục huyện Yên Thành. Khi nghe thông tin sẽ có những tiêu cực xảy ra trong xét tuyển đặc cách, họ đã viết đơn gửi lãnh đạo tỉnh Nghệ An với mong muốn được quan tâm, xem xét.

Tuy nhiên, đơn của họ gửi đi, sau đó được chuyển về UBND huyện Yên Thành và nhận được những “nhắc nhở” từ lãnh đạo phòng Giáo dục.

Đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đề ngày 04/3/2020 của cô giáo: Đào Thị Ánh Tuyết, Phạm Thị Thái, Nguyễn Thị Thảo, Lê Thị Hà, Phan Ngọc Hương, Dương Thị Thanh Tâm, nêu: “Chúng tôi thuộc đối tượng là giáo viên có quyết định (thông báo) hợp đồng huyện, có đóng bảo hiểm bắt buộc trước ngày 31/12/2015, trong đó có người đóng bảo hiểm trong ngành sang năm thứ 20, 22… đa số đều trên 35 đến 46 tuổi.

Đơn khiếu nại của các giáo viên.

Từ khi có công văn 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ, chúng tôi rất mừng và có thêm động lực vì nghĩ những công hiến của mình sẽ được đền đáp”.

Tuy nhiên, khi UBND huyện Yên Thành công bố các văn bản quy định điều kiện được nhận hồ sơ xét tuyển, họ đã thất vọng.

Trong số 6 người ký tên vào lá đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nêu trên, cô Đào Thị Anh Tuyết có bố là bệnh binh nặng 1/3 (mất sức 81%).

Cô Tuyết tốt nghiệp khoa Địa lý - Trường ĐHSP Huế loại Khá, hiện đang dạy Địa lý tại Trường THCS xã Phúc Thành.

Từ khi được Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ký hơp đồng (tháng 10/2010), cô Tuyết liên tục lên lớp 16 tiết mỗi tuần, chưa tính thời gian bồi dưỡng học sinh giỏi, nhưng mỗi tháng, chỉ được UBND huyện Yên Thành trả 980 ngàn đồng tiền lương, gần đây được nâng lên 2,2 triệu đồng/tháng.

Cô Tuyết là giáo viên giỏi cấp huyện liên tục nhiều năm. Trong khi đó, tại trường này, có cô giáo tên là Ch, giáo viên biên chế, nhưng không lên lớp cả năm nay vì theo chồng vào Nha Trang làm kin tế mà vẫn nhận lương (!?).

Cô giáo Hà Minh Tâm (SN 1979, tốt nghiệp Anh ngữ tại ĐH Vinh), được tiếp nhận vào dạy Anh văn tại trường Tiểu học xã Bắc Thành năm 2004.

Năm 2008, cô Tâm được Chủ tịch UBND huyện Yên Thành giúp đưa vào biên chế với điều kiện cô không được dạy Anh văn mà làm… cán bộ phụ trách thiết bị-thư viện và hưởng lương trung cấp.

Cô Tâm nói trong nước mắt: “Ước mơ làm cô giáo của em coi như bị lụi tắt khi không còn được đứng trên bục giảng nữa.

Nhiều lần, em xin được tham gia dạy miễn phí môn Anh văn cho các em học sinh tiểu học nơi em làm để khỏi mai một kiến thức, nhưng không được chấp nhận”. Cô Tâm là cựu học sinh giỏi Văn của Trường Năng khiếu Bạch Liêu huyện Yên Thành.

Trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Phúc và cô giáo Hồ Thị Hương Giang là 2 cử nhân sư phạm tốt nghiệp ĐH loại giỏi, được Chủ tịch UBND huyện Yên Thành tuyển dụng theo diện thu hút, đang dạy rất tốt môn Hóa Sinh và môn Lịch sử tại Trường THCS Lê Doãn Nhã (xã Sơn Thành).

Thế nhưng, theo quy định và tiêu chuẩn mà UBND huyện Yên Thành đặt ra trong thông báo số 104/TB-UBND ngày 15/6/2020, cô Phúc và cô Giang đều không được nhận hồ sơ xét tuyển.

Cô Nguyễn Thị Oanh (SN 1982, quê ở huyện Nam Đàn), là con thương binh. Năm 2011, cô Oanh tốt nghiệp khoa Toán - Lý của Trường CĐSP Nghệ An.

Cô lấy chồng về huyện Yên Thành và năm 2007 được Chủ tịch UBND huyện tuyển vào dạy hơp đồng đúng chuyên môn đào tạo tại Trường THCS Tây Thành. Trong thời gian cô Oanh nghỉ sinh, UBND huyện Yên Thành có đợt xét vào biên chế, cô không nhận được thông báo nên bị bỏ lại từ đó cho đến hôm nay.

Cô Oanh nói: “Cha em rất nhiều lần lên huyện để hỏi, đều gặp những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại về nội dung: bác cứ về di, khi mô có chỉ tiêu, bầy tui báo; biên chế cấp 2 đang thừa bác ạ, phải chờ thôi; hoặc, chúng tôi biết bác là thương binh rồi, nhưng chưa có đợt”…

UBND huyện Yên Thành có đang làm trái, đẩy những giáo viên "ra đường"?

Trả lời với phóng viên về việc tại sao UBND huyện Yên Thành không xét tuyển giáo viên THCS?

Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành trả lời: “Do giáo viên THCS của huyện đang dư thừa”. Phóng viên hỏi: “Căn cứ vào đâu để ông cho rằng: Giáo viên THCS của huyện đang thừa, trong khi thực tế, họ vẫn dạy liên tục 16 tiết/tuần/người?”. Ông Tuyên trả lời: “Căn cứ vào báo cáo của phòng Giáo dục”.

Công văn của Sở Nội vụ gửi UBND huyện Yên Thành.

Mặc dù ông Tuyên khẳng định là: “Khối THCS của huyện Yên Thành đang thừa giáo viên, phải điều chỉnh xuống dạy Tiều học”, nhưng năm 2019, huyện này đã xin Sở Nội vụ tuyển dụng 3 giáo viên vào biên chế là cô Đinh Thị Thành, cô Phan Thị Dung và cô Nguyễn Thị Hiền.

Cô Thành dạy môn Địa lý, cô Dung dạy môn Anh Văn tại Trường Năng khiếu Bạch Liêu, còn cô Hiền được tuyển vào biên chế để dạy môn Hóa học Trường THCS xã Mã Thành.

Những giáo viên được xét tuyển “đặc cách” khi Bộ Nội vụ chưa ra đời công văn 5378 này là vợ, con, cháu của ai, phóng viên sẽ xác minh và làm rõ ở bài viết sau.

Xin được nhắc lại rằng, ngay sau khi Bộ Nội vụ có công văn 5378/BNV-CCVC nêu trên, ngày 15/11/2019 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn số 8162/UBND về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An ra soát, tổng hợp và chỉ đạo triển khai thực hiện.

Tiếp đó, ngày 12/12/2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn số 8842/UBND-TH yêu cầu các huyện dừng việc tuyển dụng mới để xét tuyển đặc cách cho số giáo viên có các điều kiện nêu trong công văn 5378.

Tại huyện Nam Đàn và huyện Thanh Chương, qua tìm hiểu của phóng viên, không còn giáo viên nào làm việc theo hợp đồng lao động do Chủ tịch UBND huyện ký mà đã được xét tuyển vào biên chế.

Trước đây, các trường hợp giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động, được các Chủ tịch UBND huyện chi trả lương và các chế độ như đối tượng biên chế, được nâng lương theo định kỳ và được tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi huyện và giỏi tỉnh.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An cho rằng: “Huyện Yên Thành cần phải xem lại cách làm của mình.

Nếu biên chế lần này chưa đáp ứng được thì ưu tiên những giáo viên có thời gian công tác từ cao xuống thấp, ưu tiên giáo viên có thành tích trong công tác, đặc biệt chú ý đến con thương binh, gia đình chính sách.

Số còn lại, vẫn duy trì công việc bình thường cho họ và có cam kết về thời gian xét tuyển đợt sau”.

Được biết, Bộ Giáo dục và đào tạo đã đồng ý bổ sung cho ngành giáo dục tỉnh Nghệ An 7.800 biên chế.

Để triển khai được số biên chế này, theo ông Thái Văn Thành, Sở Nội vụ cần chủ động làm việc với Bộ Nội vụ để có kế hoạch, lộ trình tuyển dụng cụ thể.

Luật sư Nguyễn Cao Trí- Trưởng Văn phòng Luật sư Cao Trí (địa chỉ Văn phòng tại số 2, đường Phạm Đình Toái, TP Vinh, Nghệ An) cho rằng: “Theo quy định của Luật Lao động, số giáo viên đang dạy ở các trường Mầm non, Tiểu học, THCS ở Yên Thành đã được Chủ tịch UBND huyện Yên Thành ký hợp đồng, đã làm việc từ năm 2015 trở về trước, phải được coi là hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là hợp đồng dài hạn. Họ có quyền khởi kiện ra tòa án nếu bị Chủ tịch UBND huyện Yên Thành sa thải trái pháp luật”.

Luật sư Nguyễn Cao Trí cho biết, sẽ sẵn sàng bảo vệ quyền lợi hợp pháp miễn phí cho các giáo viên ở huyện Yên Thành khi họ cần sự giúp đỡ trong vụ việc này.

Tác giả:Trần Cường

Nguồn tin: Pháp luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP