Trong tỉnh

Nghệ An: Nhiều cán bộ, giáo viên bị "khủng bố" đòi nợ

Đến nay, qua báo cáo của các đơn vị gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, có 95 người bị "khủng bố" đòi nợ từ các tổ chức tín dụng.

Giáo viên, cán bộ bị "khủng bố" vì tổ chức tín dụng

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nghệ An có văn bản yêu cầu các Phòng GD-ĐT tại 21 huyện, thị, thành phố, các đơn vị trường học báo cáo chi tiết về việc giáo viên, nhà trường bị "khủng bố" đòi nợ.

Hình ảnh bà Ng.Th.H., ở huyện Anh Sơn bị cắt ghép, đăng tải thông tin vu khống...

Qua báo cáo của các đơn vị, có 95 giáo viên bị "khủng bố" đòi nợ. Trong đó, có 25 người xác nhận có vay tiền của các tổ chức tín dụng. Còn lại hơn 70 người không vay nhưng vẫn bị đòi nợ. Trong các địa phương báo cáo, ngành giáo dục thành phố Vinh có 32 cán bộ, giáo viên bị đòi nợ.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trọng Bé - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT Nghệ An - cho biết: "Vừa qua, Sở có nhận được một số email của các tổ chức tín dụng gửi về có nói đến nhiều trường, giáo viên đang nợ họ. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu các giáo viên, các trường được cho là đang nợ các tổ chức tín dụng báo không có chuyện đó. Bên cạnh đó, với các tổ chức tín dụng, chúng tôi yêu cầu báo và mời lên Sở làm việc thì không thấy họ đến", ông Bé cho biết.

Công an huyện Diễn Châu, Nghệ An lấy lời khai các đối tượng trong đường dây "tín dụng đen" (Ảnh: CANA).

Được biết, trong số 25 giáo viên xác nhận có vay tiền của các tổ chức tín dụng, có trường hợp một nữ giáo viên tại thành phố Vinh có vay của các tổ chức tín dụng tổng số tiền 40 triệu đồng từ khoảng tháng 5/2021. Đến nay, cô giáo này đã phải trả số tiền 120 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, cô giáo này vẫn bị các tổ chức tín dụng quấy rối đòi nợ và cho rằng đang nợ 100 triệu đồng.

Hay như trường hợp bà Ng.Th.H., Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Anh Sơn (Nghệ An) liên tục bị "khủng bố" bằng tin nhắn, đe dọa và vu khống, dù bà cũng như người thân không vay tiền bất kỳ một tổ chức tín dụng nào.

"Vừa qua tôi bị họ (các tổ chức tín dụng) dùng khoảng 9-10 số điện thoại khác nhau liên tục gọi quấy rầy, "khủng bố"… Chúng còn cắt ghép hình ảnh, mạo danh Cổng thông tin điện tử huyện Anh Sơn đăng tải thông tin vu khống tôi bao che cho 2 cán bộ xã vay tiền. Trong khi trên thực tế, người này không vay tiền bất kỳ của ai cả", bà H. nói.

Cũng theo bà H., ngoài ra các đối tượng còn lấy danh bạ điện thoại của mình nhắn tin cho khoảng 70 người, vu khống bà nhận tiền hối lộ, ăn chặn tiền của người dân xã Cẩm Sơn (huyện Anh Sơn).

"Một số cán bộ xóm, thôn (xã Cẩm Sơn) chúng tôi cũng bị "khủng bố" tương tự, bị vu khống ăn chặn tiền từ thiện của người dân...", ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn cho biết.

Cảnh báo phòng tránh

Trước tình hình nói trên, Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Công an 21 huyện, thành phố, thị xã thông báo đến công an các phường, xã, thị trấn tuyên truyền cho nhân dân biết về thủ đoạn cho vay lãi nặng như trên để phòng tránh.

Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ trong thời gian qua (Ảnh: CANA).

Đồng thời, khi có các thông tin liên quan, kịp thời báo cho công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết và phục vụ công tác đấu tranh, xử lý. Đặc biệt, người dân nên tìm tới các ngân hàng có uy tín để được vay tiền với lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định, tránh vướng vào hoạt động "tín dụng đen" để rồi "tiền mất tật mang".

Theo Công an Nghệ An, thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động theo hình thức "tín dụng đen" với phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến qua ứng dụng trên điện thoại di động.

Mặc dù số tiền cho vay không lớn nhưng mức lãi suất cho vay rất cao, chỉ thực hiện qua ứng dụng điện thoại di động, giao dịch vay trả đều không có giấy tờ và địa chỉ công ty cho vay không có thật. Hoạt động cho vay và đòi nợ luôn có sự câu kết, chỉ đạo của các đối tượng trong nước và người nước ngoài nên đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

Tang vật thu giữ trong các chuyên án "tín dụng đen" được Công an Nghệ An thu giữ (Ảnh: CANA).

Sau khi lôi kéo, dụ dỗ được người có nhu cầu vay tiền, các đối tượng chủ động liên hệ qua ứng dụng zalo, telegram, messenger…, tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng để hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Để tạo sự tin tưởng, chúng còn cung cấp hình ảnh bản thân, căn cước công dân, địa chỉ cơ quan, nơi làm việc, số điện thoại liên hệ…

Tuy nhiên, trên thực tế, những hình ảnh, thông tin này đều là mạo danh người khác hoặc giả mạo thông qua các thủ đoạn cắt ghép, chỉnh sửa. Khi đã tạo được lòng tin đối với người vay, các đối tượng cung cấp đường link tải ứng dụng vay tiền trên điện thoại di động.

Những ứng dụng này thường sẽ không có trên ứng dụng CH Play (hệ điều hành Android) và ứng dụng App Store (hệ điều hành IOS). Sau khi cài đặt ứng dụng, các đối tượng hướng dẫn người dùng điền các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu được phép truy cập vào danh bạ điện thoại để thu thập các thông tin liên quan, phục vụ mục đích đòi nợ.

Các đối tượng sau khi hoàn thành xong thủ tục sẽ cho vay khoản tiền theo yêu cầu với lãi suất 10-15%/năm. Tuy nhiên, nếu đến hạn người vay trả chậm thì sẽ bị phạt tiền vi phạm hợp đồng từ 3-8% tiền vay, một ngày trả chậm sẽ bị phạt thêm từ 2-5% tiền vay. Như vậy, khoản tiền phải trả có thể gấp 5-10 lần khoản tiền vay ban đầu trong thời gian ngắn.

Ngày 24/5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua ứng dụng và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia ở 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, bắt giữ gần 300 đối tượng, trong đó có các đối tượng là người nước ngoài.

Đây là một trong số các vụ án điển hình mà lực lượng công an đấu tranh, xử lý thời gian qua.

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP