Trong tỉnh

Nghệ An: Người dân mất 6 triệu để nhập hộ khẩu?

Cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục gây phiền hà cho người dân là một trong những mục tiêu mà Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân hiện nay, họ vẫn chưa thực sự hài lòng khi đến các cơ quan công quyền để làm thủ tục hành chính.

Khó như đi xin nhập hộ khẩu

Theo phản ánh, nhập hộ khẩu là một trong những thủ tục khiến nhiều người “e ngại” nhất khi bất đắc dĩ phải thực hiện, bởi một loạt những rắc rối kèm theo. Có địa phương ra quy định nếu chuyển từ nơi khác về, muốn nhập hộ khẩu phải đóng mỗi người 2 triệu đồng. Trong khi đó, có trường hợp người dân phải “chạy ngược, chạy xuôi” hàng chục lần vì chính quyền không chịu xác nhận để tiến hành nhập khẩu.

Tháng 4/2018, hơn 4 tháng sau khi phải bỏ ra 6 triệu đồng chắt góp mới nhập được tên của vợ và các con vào hộ khẩu gia đình, anh T. (xã Nam Nghĩa, Nam Đàn) vẫn chưa hết bức xúc.

Anh T. kể, hơn 10 năm trước, anh lấy vợ trú ở một xã cũng thuộc huyện Nam Đàn. Kết hôn xong, để tiện làm ăn, anh chuyển đến sinh sống ở quê vợ, hai đứa con lần lượt ra đời được nhập vào hộ khẩu bên ngoại. Do là con trai một trong gia đình nên gần đây anh quyết định chuyển về quê nội ở xã Nam Nghĩa để dựng nhà. Tuy nhiên, khi đến UBND xã để làm thủ tục nhập khẩu về địa phương thì anh nhận được yêu cầu phải đóng phí mới cho xác nhận giấy tờ.

“Tôi đưa đầy đủ hồ sơ thủ tục lên nhưng vị cán bộ xã sau khi xem xét đã không ký và đóng dấu mà lại mang qua phòng Chủ tịch UBND xã xin ý kiến”, anh T. nói và cho hay, vị Chủ tịch UBND xã sau đó đề nghị anh T. phải đóng 2 triệu đồng cho mỗi nhân khẩu", anh T. kể.

“Ông ấy nói vì là chỗ quen biết nên 4 nhân khẩu thì bớt cho một, chỉ thu tiền của 3 người, vị chi là 6 triệu đồng”. Mặc dù rất thắc mắc về khoản phí này, nhưng vợ chồng anh T. sau đó cũng đành phải “bấm bụng” nộp cho xã đủ 6 triệu đồng".

Trong phiếu thu có con dấu và chữ ký của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Dũng, lý do nộp tiền được nêu là “tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương”. “Gọi là tự nguyện nhưng lại hoàn toàn bắt buộc, bởi nếu không nộp thì không làm được thủ tục”, anh T. bức xúc.

Ông Trần Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa thừa nhận xã có thu khoản tiền này từ năm 2011 đến nay. Lý do được đưa ra ở đây là để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

“Xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân ở đây ai cũng đóng góp cả. Bây giờ người ở địa phương khác muốn chuyển đến sinh sống, hưởng cơ sở hạ tầng này thì phải đóng góp. Nếu không thì người dân ở lâu năm cũng dị nghị”, ông Sơn nói, đồng thời thừa nhận việc thu tiền này là sai so với quy định.

Đùn đẩy trách nhiệm

Không phải đóng góp tiền như anh T., nhưng chị M. (25 tuổi, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành) cũng gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con gái.

“Trong vòng nửa tháng, cả tôi và mẹ ruột đã phải chạy ngược, chạy xuôi hàng chục lần chỉ vì muốn nhập hộ khẩu cho cháu. Quá mệt mỏi”, chị M. chưa hết bức xúc. Chị M. lấy chồng người Đài Loan. Cách đây vài tháng, chị về quê ngoại sinh con. Con gái chị sau đó được làm giấy khai sinh, mang quốc tịch Việt Nam. Gần đây, chị muốn đưa con gái sang Đài Loan để nhà nội gặp cháu nên đi làm thủ tục xuất nhập cảnh cho con.

“Khi đi làm họ yêu cầu bé phải có tên trong hộ khẩu nên tôi quyết định làm thủ tục nhập hộ khẩu cháu vào gia đình ông bà ngoại. Vì tôi vừa sinh sức khỏe đang yếu nên nhờ mẹ ruột đi làm”, chị M. kể.

Sau khi lên mạng tìm hiểu quy trình và các giấy tờ thủ tục liên quan, bà H. (mẹ chị M.) lên huyện thì huyện lại trả lời, vấn đề này thuộc thẩm quyền của xã. Tuy nhiên, khi về gặp Trưởng Công an xã Nhân Thành, vị này lại bảo trường hợp này xã không làm được, phải lên huyện.

“Sau đó chính tôi xuống xã hỏi, thì mới đưa ra yêu cầu cả bố, mẹ của bé cùng về xã và có bản cam kết là cho bé nhập khẩu ở Nhân Thành thì mới làm được”, chị M. nói và cho rằng, xã đưa ra yêu cầu như vậy là cố tình gây khó khăn bởi họ biết rõ, chồng chị đang ở nước ngoài, chưa thể đến Việt Nam ngay được, trong khi gia đình cần phải làm thủ tục nhập khẩu sớm.

“Khi khai sinh cho bé, chồng tôi đã ký cam kết sẽ nhập hộ khẩu cho cháu vào gia đình nhà ngoại, trong giấy khai sinh cũng đã có quốc tịch Việt Nam và địa chỉ thường trú là xã Nhân Thành. Vậy tại sao xã lại yêu cầu chồng tôi phải có mặt nữa”, chị M. nói và tỏ ra bức xúc về thái độ làm việc của cán bộ xã.

Người phụ nữ này cũng nói rằng, sau hơn nửa tháng “gõ cửa” cơ quan chức năng, gia đình chị đành phải “nhờ” người quen “tác động” thì xã Nhân Thành mới chịu làm thủ tục nhập khẩu cho bé vào gia đình ông bà ngoại.

Phải vì quyền lợi của người dân

Những phản ánh trên cho thấy một thực tế về câu chuyện người dân bị gây khó dễ khi đến trụ sở công quyền để làm thủ tục hành chính. Trên thực tế, có không ít địa phương chỉ đưa ra quy định mà không giải thích khiến người dân cho rằng họ bị sách nhiễu. Trường hợp anh L. (25 tuổi, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) là một ví dụ.

Phiếu thu tiền rác thải đám cưới của anh L. (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn). Ảnh: Tiến Hùng

Đầu tháng 4, anh L. đến UBND xã Kim Liên xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, đến UBND xã thì anh được thông tin phải đóng 200.000 đồng tiền rác thải đám cưới mới chịu xác nhận.

Anh L. gửi ý kiến của mình đến Báo Nghệ An, cho rằng mỗi tháng gia đình anh đều đã đóng đầy đủ tiền rác thải. Song khi được hỏi, anh đã trực tiếp gửi thắc mắc của mình đến chính quyền cấp xã chưa thì anh L. trả lời rằng sợ bị gây phiền hà và nghĩ đó là “luật” nên không hỏi.

Phóng viên Báo Nghệ An trao đổi vấn đề này đối với ông Trần Lê Chương – Chủ tịch UBND xã Kim Liên, ông Chương cho biết khoản tiền phí này xã thu từ năm 2017 đến nay và đã được đưa ra HĐND xã, lấy ý kiến cử tri.

“Chúng tôi nhận thấy, mỗi lần tổ chức đám cưới xong, rác thải của hộ đó quá nhiều nên phải thu thêm, việc này được người dân nhất trí cao thì mới tiến hành thu”, ông Chương nói và cho hay, đối với nhà gái sẽ thu 150.000 đồng, còn nhà trai phải đóng 200.000 đồng.

Như vậy, trong trường hợp này việc thu tiền của xã Kim Liên, chính quyền cấp xã đã thiếu sót trong việc chưa giải thích cặn kẽ cho người dân, dẫn đến những bất bình không đáng có.

Tại Nghệ An, hằng năm, UBND tỉnh đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, thông qua kiểm tra trực tiếp hoặc báo cáo bằng văn bản. Theo kế hoạch năm 2018, UBND tỉnh sẽ phát phiếu thăm dò, đánh giá mức độ hài lòng đối với việc giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị; từ đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế gây phiền hà cho người dân.

Do đó, các cấp, các ngành cần phải thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử tại cơ quan, duy trì nếp văn hóa ở công sở nói chung và đáp ứng được sự mong mỏi của người dân khi đến các cơ quan công quyền nói riêng. Về phía người dân, trước khi thực hiện một yêu cầu hành chính, cần trang bị các kiến thức pháp luật liên quan để nắm rõ cách thức thực hiện, nhằm tự đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, tránh bị cán bộ, công chức gây khó dễ hoặc sách nhiễu.

Tác giả: Phương Thảo - Tiến Hùng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP