Trong tỉnh

Nghệ An: Người dân "chết lặng" trước mức giá đền bù dự án Trạm dừng nghỉ dọc đường mòn Hồ Chí Minh

51 nghìn/1m2 đất là giá mà người dân được nhận trong quá trình thu hồi đất thực hiện dự án Trạm dừng nghỉ dọc đường mòn Hồ Chí Minh tại thị xã Thái Hòa, Nghệ An

Thu hồi đất nhưng áp giá đền bù không sát thực tế?

Phản ánh tới PL&DS ông Võ Văn Hồng (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) cho rằng trong quá trình thu hồi đất thực hiện dự án Trạm dừng nghỉ dọc đường mòn Hồ Chí Minh, UBND thị xã Thái Hòa đã làm chưa đúng.

Dự án Trạm dừng nghỉ dọc đường mòn Hồ Chí Minh đoạn chạy qua xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đền bủ giải phóng mặt bằng. Tới thời điểm này gia đình ông Võ Văn Hồng vẫn chưa ký nhận tiền đền bù, hỗ trợ và giao đất.

Tiếp xúc với PV PL&DS, ông Hồng cho rằng gia đình ông hoàn toàn ủng hộ việc Nhà nước, chủ đầu tư thu hồi đất để làm dự án. Tuy nhiên việc thu hồi với giá bồi thường quá rẻ khiến gia đình ông gặp thiệt hại quá lớn.

Hơn nữa việc Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất những không phân định rõ đất giao khoán từ nông trường và đất khai hoang phục hóa nên áp giá hỗ trợ chung 40% giá trị đất là không đúng.

Dự án Trạm dừng nghỉ dọc đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đông Hiếu, TX Thái Hòa Nghệ An thu hồi diện tích đất lớn cùng với nhiều tài sản trên đất giá trị nhưng ngay từ đầu Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã làm chưa đúng khiến người dân bất bình.

Bởi vậy, thời gian qua gia đình ông chưa ký nhận tiền hỗ trợ, đền bù mà tiếp tục kiến nghị phía thị xã xem xét lại và có hướng đền bù phù hợp, đúng thực tế nguồn gốc đất. Và gia đình ông cũng yêu cầu thị xã có sự hỗ trợ để ổn định sản xuất sau khi đất sản xuất bị thu hồi nhiều như vậy.

“Năm 2012 gia đình tôi nhận chuyển nhượng lại từ một số hộ dân nhận giao khoán đất của nông trường Đông Hiếu nhưng không đủ lao động để canh tác, sản xuất. Ngoài ra tôi còn mua thêm một số diện tích của các hộ có đất khai hoang phục hóa canh tác ổn định hàng chục năm qua. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã phải bỏ ra gần 2,5 tỷ đồng để mua gần 3 héc ta. Tới nay hạn mức giao khoán vần còn gần 40 năm.

Từ khi nhận chuyển nhượng tới nay mới được gần 6 năm, thời gian đó những sản phẩm từ cao su, và cây ăn quả mang lại chưa được bao nhiêu. Giờ bỗng nhiên thị xã thu hồi gần 1,8 héc ta vậy mà chỉ áp giá đền bù, hỗ trợ cho gia đình được chưa đầy 1 tỷ đồng (51 nghìn/1m2) thì hỏi sao chúng tôi chấp nhận nổi đây. Không xác minh nguồn gốc đất rõ ràng, để rồi khi đền bù lại cào bằng áp giá 40% giá trị đất là bởi toàn bộ đất giao khoán, sai vậy ai chấp nhận được.” – ông Hồng lý giải.

Ngoài ra, ông Hồng còn cho biết thêm, việc thu hồi đất làm dự án đã ảnh hưởng phần diện tích đất còn lại. Theo sơ đồ mà Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đưa ra thì sau khi dự án mọc lên, gia đình ông chẳng có đường mà đi vào sản xuất, canh tác. Dù đã kiến nghị lên ủy ban thị xã nhưng vẫn chưa được trả lời dứt khoát hướng xử lý, mở đường mới. Mà chỉ nghe cán bộ Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng dự án này nói là sẽ chỉ đạo doanh nghiệp đầu tư xem xét, mở đường.

Cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại nhưng vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Ông Hồng cho biết, nếu không được giải quyết thỏa đáng thì sắp tới sẽ làm đơn "kêu" lên Chủ tịch UBND tỉnh.

Có hay không chuyện "lấy đất" ngoài diện tích được phê duyệt?

Với dự án này, thị xã Thái Hòa đã ra thông báo, quyết định thu hồi tổng diện tích gần 3 héc ta chủ yếu là đất sản xuất lâm nghiệp gồm của Nông trường Đông Hiếu quản lý nhưng đã giao khoán cho người dân thực hiện canh tác, sản xuất với thời hạn giao khoán 50 năm, mới thực hiện được hơn 10 năm.

Với diện tích thu hồi trên thì có 7 đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó có 6 hộ gia đình và một tổ chức là Nông trường Đông Hiếu. Ngay từ đầu khi đi vào thực hiện việc thu hồi đất, nhiều hộ dân đã phản ứng hết sức gay gắt, và không chịu ký nhận tiền hỗ trợ, đền bù và bàn giao đất. Lý do mà người dân đưa ra là việc áp giá đền bù của thị xã Thái Hòa sai thực tế rất lớn.

Chỉ sau khi Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An có văn bản số 2901/ SXD-KTKH ngày 8/12/2017 chỉ ra những lỗi sai trong áp giá đền bù vật, kiến trúc trên đất của UBND thị xã Thái Hòa khiến người dân bị thiệt rất nhiều, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng thị xã mới chỉnh sửa lại.

Dự án Trạm dừng nghỉ dọc đường mòn Hồ Chí Minh qua xã Đông Hiếu được xem là tọa lạc trên khu "đất vàng" do Cty CP Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu tổng hợp đầu tư thông qua hình thức không phải đấu giá khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, liệu Nhà nước có bị thiệt hại?

Cụ thể, theo Quyết định số 86/2016/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An quy định chi tiết đơn giá bể chứa nước đổ bê tông dạng ống tròn mức đền bù 690 nghìn/ mét khối nhưng Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng thị xã Thái Hòa lại áp giá 309 nghìn đồng. Còn hạng mục, ống nước mạ kẽm D20, giá đền bù theo công bố giá quý III/2017 của Liên sở Xây dựng là 33.600 đồng/m, nhưng thị xã lại áp giá 28 nghìn đồng/m…

Thực tế, toàn bộ diện tích mà thị xã Thái Hòa lên kế hoạch thu hồi để làm dự án Trạm dừng nghỉ dọc đường mòn Hồ Chí Minh là đất lâm nghiệp, đất trồng cây cao su. Nhiều gia đình đã canh tác trồng cao su trên cả chục năm qua, vẫn luôn dựa vào nguồn thu nhập từ đó.

Ngoài ra,một số hộ đã canh tác trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ lâu năm vẫn thường cho hiệu quả kinh tế ổn định. Việc không riêng gì gia đình ông Võ Văn Hồng mà các hộ dân khác phản ứng gay gắt cũng là điều dễ hiểu. Cũng vì thế mà UBND thị xã Thái Hòa cần phải thận trọng, cũng như xem xét đúng các quy định của pháp luật hiện hành để đền bù, hỗ trợ phù hợp tránh việc người dân phải gánh chịu thiệt thòi.

Trao đổi với PV xoay quanh vụ việc này, ông Phạm Văn Thạch – Phó chủ tịch thị xã Thái Hòa kiêm giám đốc Ban đền bù GPMB dự án này cho rằng: “Trong diện tích thu hồi, có một phần diện tích nằm ngoài diện tích mà Nhà nước thu hồi cho dự án, công ty muốn thu hồi thêm thì phải thỏa thuận với dân. Diện tích mà Nhà nước thu hồi cho dự án cơ bản nằm trong hành lang an toàn giao thông đường mòn Hồ Chí Minh, với diện tích này nếu người dân không chịu bàn giao bắt buộc sẽ phải thực hiện theo quy định để thu hồi đất phục vụ dự án. ”.

Dự án trạm dừng nghỉ đường mòn Hồ Chí Minh qua xã Đông Hiếu được thực hiện từ năm 2016 với Quyết định số 4899/QĐ-UBND, ngày 10/10/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trạm dừng nghỉ. Đến thời điểm này dự án dường như vẫn đang phải dậm chân tại chỗ. Tất nhiên ngoài việc người dân chưa chịu bàn giao đất thì còn nhiều yếu tố khác mới dẫn tới sự trì trệ đó.

UBND tỉnh Nghệ An cũng như UBND thị xã Thái Hòa sẽ tiếp tục có những động thái nào trước kiến nghị của người dân bị thiệt hại.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Pháp luật & Dân sinh

  Từ khóa: đền bù ,người dân ,dự án

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP