Trong tỉnh

Nghệ An: ''Lùm xùm'' vụ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Long Vũ

Vụ chuyển nhượng cổ phần không thành giữa Công ty Long Vũ cho Công ty Trung Hải đã phát sinh hàng loạt vấn đề tranh chấp, khiếu kiện...

''Vỡ kèo'' thoả thuận vì chưa thông qua hội đồng thành viên

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, ngày 12/3/2020, GĐ Công ty Long Vũ và Công ty Trung Hải (cùng ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn cổ phần và 100% tài sản thuộc sở hữu của Công ty Long Vũ với giá trị chuyển nhượng là 6,37 tỷ đồng. Mức tiền cọc là 370 triệu đồng.

3 ngày sau, ngày 15/3/2020, Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty Long Vũ tổ chức cuộc họp với 8/8 thành viên. Các thành viên (nắm giữ 96% cổ phần) không đồng ý việc chuyển nhượng, yêu cầu Giám đốc Công ty là ông Vy Trung Vượng hủy bỏ biên bản ký kết, thông báo lại với bên mua.

Ngày 14/4/2020, Công ty Long Vũ có văn bản gửi Công ty Trung Hải giải trình về việc xin hoàn trả lại số tiền đã nhận cọc (370 triệu đồng). Hai bên đã gặp gỡ nhiều lần để trao đổi, đàm phán nhưng không đi đến được ý kiến chung.

Theo ông Vy Trung Vượng – GĐ Công ty Long Vũ, ngày 05/5/2020, Công ty Long Vũ đã làm việc và đi đến thống nhất hoàn trả số tiền cọc 370 triệu đồng cho Công ty Trung Hải, đồng thời vô hiệu hóa văn bản thỏa thuận ký ngày 12/3. Tuy nhiên, sau đó Công ty Trung Hải không thực hiện và từ chối nhận lại tiền cọc, cũng không có ý kiến phản hồi.

Ở diễn biến khác, ngày 20/03/2020, HĐTV Công ty Long Vũ tiếp tục họp bàn và đi đến thống nhất bán phần vốn góp của các thành viên cho ông Vy Văn Xuyên là thành viên sáng lập công ty với giá trị 8,5 tỷ đồng; giao nhiệm vụ cho ban giám đốc Công ty Long Vũ có trách nhiệm xin lỗi và hoàn trả lại số tiền đặt cọc 370 triệu đồng cho Công ty Trung Hải.

Sau khi được HĐTV Công ty Long Vũ đồng ý bán toàn bộ phần vốn, ông Vy Văn Xuyên đã hợp tác với 2 ông Hoàng Triệu Tấn và Hoàng Ngọc Kiệm (cùng ở huyện Quỳ Hợp) để có đủ tiền mua lại phần vốn góp Công ty Long Vũ.

Trụ sở Công ty Long Vũ


Tiếp đó, Công ty Long Vũ làm hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ số vốn và toàn bộ số tài sản cho 2 cá nhân là ông Hoàng Ngọc Kiệm và ông Hoàng Triệu Tấn, nhận đủ số tiền là 8,5 tỷ đồng (bằng tiền mặt) dù chưa xử lý dứt điểm việc hủy thỏa thuận chuyển nhượng với Công ty Trung Hải.

Sự việc khiến Công ty Trung Hải bức xúc và có đơn khởi kiện Công ty Long Vũ ra tòa; yêu cầu TAND huyện Quỳ Hợp buộc Công ty Long Vũ tiếp tục thực hiện biên bản thỏa thuận; ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật và việc cho chuyển nhượng vốn và tài sản với bên thứ ba.

Cần xem xét lại việc tạm dừng đăng ký kinh doanh

Về phần ông Kiệm và ông Tấn sau khi được HĐTV Công ty Long Vũ làm hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp và công chứng theo đúng quy định pháp luật, hai ông đã nộp hồ sơ xin thay đổi nội dung giấy phép đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Nghệ An đã tiếp nhận, hẹn ngày trả kết quả. Nhưng sau đó, Sở này bất ngờ có công văn tạm ngừng với lý do có văn bản đề nghị của tòa án huyện Quỳ Hợp.

Cụ thể, ngày 08/06/2021 Phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT Nghệ An nhận được văn bản số 61/CV – TA của TAND Quỳ Hợp có nội dung. TAND huyện Quỳ Hợp đề nghị phòng đăng ký kinh doanh “xem xét việc xử lý hồ sơ chuyển nhượng vốn, tài sản thay đổi người đại diện” Công ty Long Vũ với bên thứ 3 khi có kết quả giải quyết của tòa án.

Nhưng sau đó, ngày 10/06/2021 Phòng đăng ký kinh doanh lại tiếp tục nhận được công văn số 61/CV – TA có nội dung khác: TAND huyện Quỳ Hợp đề nghị Phòng đăng ký kinh doanh “tạm dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật và tạm dừng đăng ký chuyển nhượng vốn” của Công ty Long Vũ.

Cho rằng việc không thay đổi được giấy phép kinh doanh vì những lý do tranh chấp của hai Công ty Long Vũ - Trung Hải gây tổn thất kinh tế của mình, hai ông Hoàng Triệu Tấn, Hoàng Ngọc Kiệm đã có Đơn yêu cầu độc lập khởi kiện Công ty Long Vũ,

Công ty Trung Hải ra TAND huyện Quỳ Hợp; đề nghị Tòa tuyên hủy Biên bản thỏa thuận của hai đơn vụ Long Vũ – Trung Hải đã ký kết. Liên quan đến sự việc, báo Nhà báo và Công luận đã liên hệ với Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp. Tuy nhiên, ông Đào Văn Đạt cáo bận và chưa thể trả lời.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Trâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: Biên bản thỏa thuận giữa Công ty Long Vũ và Công ty Trung Hải có nội dung thể hiện sẽ mua bán và sẽ ký hợp đồng mua bán nhưng không phải là hợp đồng mua bán. Đây chỉ là thỏa thuận cá nhân của 2 giám đốc, không phải thỏa thuận của HĐTV Công ty Long Vũ.

Giám đốc Công ty Long Vũ ký thỏa thuận với Công ty Trung Hải, sau đó HĐTV mới tổ chức họp và quyết định không bán nghĩa là không thực hiện thỏa thuận. Như vậy, bên Long Vũ sẽ phải chịu phạt cọc.

Về hai văn bản cùng số 61 của TAND huyện Quỳ Hợp nhưng lại có nội dung khác nhau gửi Sở KH-ĐT tỉnh Nghệ An (một văn bản ghi Sở KH-ĐT “xem xét”; một văn bản ghi “đề nghị” tạm dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật và tạm dừng đăng ký chuyển nhượng vốn của Công ty Long Vũ), đây chỉ là văn bản trao đổi, đề nghị giữa các cơ quan nhà nước với nhau, vụ việc
không ở mức nghiêm trọng phải áp dụng tình huống khẩn cấp. Bởi vậy, Phòng đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT tỉnh Nghệ An) cần xem lại việc tạm dừng thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh mới của doanh nghiệp - Luật sư Trâm phân tích.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP