Trong tỉnh

Nghệ An: Huyện ven biển “loay hoay” tìm cách tiêu... 7 tỷ đồng

Không có tàu đóng mới được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Diễn Châu hiện đang “loay hoay” đề nghị được giải quyết nguồn kinh phí được cấp 7 tỷ đồng trong năm 2018 để chi trả cho bà con ngư dân.

UBND huyện Diễn Châu được cấp 7 tỷ đồng để chi trả kinh phí hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất 400CV trở lên trong năm 2018.

Được cấp tiền nhưng không chi trả được

Ngày 26/12/2017, Sở Tài chính tỉnh Nghệ An có thông báo số 1558/TB.STC-TCDN về dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 gửi UBND huyện Diễn Châu.

Theo đó, giao dự toán chi NSNN năm 2018 – kinh phí hỗ trợ đóng mới tàu cá có công suất từ 400CV trở lên theo Quyết định 87/2014/QĐ-UBND cho UBND huyện Diễn Châu số tiền 7,0 tỷ đồng.

Đây là việc thực hiện Quyết định (QĐ) số 87/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn và QĐ số 15/2018 về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 của HĐND tỉnh Nghệ An.

Đến tháng 9/2018, huyện Diễn Châu có 93 tàu đóng mới trên 400CV.

UBND huyện Diễn Châu đã chỉ đạo các xã triển khai theo quy định. Tính đến tháng 9/2018, tổng số tàu đóng mới đủ điều kiện hưởng chính sách theo theo QĐ số 87/2014/QĐ-UBND là 93 tàu (tàu trên 400CV được hỗ trợ 150 triệu đồng/tàu; trên 700CV được hỗ trợ 300 triệu đồng/tàu - PV). Còn theo QĐ số 15/2018 thì không có chiếc nào đủ điều kiện được hỗ trợ.

Theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh Nghệ An (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) có sự thay đổi khi chỉ hỗ trợ đối với tàu có công suất từ 700CV trở lên và phải lắp máy mới, không hỗ trợ đối với tàu có công suất từ 400CV đến 700CV như Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND.

Do vậy, số tiền 7,0 tỷ đồng được UBND tỉnh Nghệ An cấp cho huyện Diễn Châu năm 2018 vẫn “án binh, bất động” tại kho bạc.

Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Hiện tại, UBND huyện đã làm các tờ trình, văn bản liên quan gửi UBND và HĐND tỉnh để tìm cách giải quyết vấn đề này.

Năm 2018, huyện Diễn Châu không có tàu nào được đóng mới trên 700CV.

“Loay hoay” tìm cách giải quyết

Theo tìm hiểu của PV Infonet, trong năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An cấp về 2,4 tỷ đồng cho huyện Diễn Châu để hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu mới từ 400CV trở lên, trong khi đó nhu cầu được hỗ trợ của địa phương là 6,45 tỷ đồng (còn thiếu 4,05 tỷ). Năm 2017, nhu cầu kinh phí hỗ trợ là 7,5 tỷ đồng, nhưng chỉ được tỉnh cấp về 1 tỷ đồng (còn thiếu 6,5 tỷ).

Theo ông Nguyễn Chí Lương – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Nghệ An): “Nguồn vốn này được tỉnh giao cho huyện để chi trả trực tiếp cho người dân. Năm 2018, một số huyện được tỉnh cấp tiền về nhưng trong năm lại không có ai đóng tàu mới theo quy định được hỗ trợ nên dư tiền ra. Do đó, các huyện đã đề xuất tỉnh xin số tiền đó để chi trả cho các năm trước”.

Trước tình trạng này, UBND huyện Diễn Châu đã có các văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho phép sử dụng nguồn kinh phí tỉnh cấp năm 2018 (là 7 tỷ đồng) để trả nợ nguồn kinh phí hỗ trợ đóng tàu mới còn thiếu trong năm 2016 và 2017.

Văn bản của UBND huyện Diễn Châu về việc đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho phép chi trả kinh phí hỗ trợ đóng mới tàu khai thác xa bờ.

Theo UBND huyện Diễn Châu, căn cứ vào thông báo số 1558/TB.STC-UBND ngày 26/12/2017 của Sở Tài chính Nghệ An thì đây là nguồn kinh phí sử dụng để hỗ trợ cho các tàu có đủ hồ sơ theo Nghị quyết 14/NQ-HĐND và các các tàu có đủ hồ sơ theo Quyết định 87/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An từ 2017 trở về trước.

Bên cạnh đó, để đóng mới một con tàu, các hộ dân ngoài nguồn lực hiện có, còn phải vay từ các tổ chức tín dụng, các cá nhân, nên nếu nguồn hỗ trợ của tỉnh không kịp thời, kéo dài thêm sẽ khó khăn cho các hộ ngư dân.

UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Ngày 4/10/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản 7634/UBND-NN truyền đạt ý kiến của ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp&PTNT tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét và quyết định.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, tỉnh Nghệ An vẫn chưa đưa ra phương án cuối cùng để giải quyết.

Khoản 14, Điều 2, Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 của HĐND tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Điều 2. Một số chính sách hỗ trợ phát triển

14. Hỗ trợ khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản .

a) Hỗ trợ 01 máy thông tin tầm xa có tích hợp vệ tinh cho mỗi tổ hợp tác (từ 5 - 7 tàu/tổ) gồm các loại tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Máy thông tin phải thực hiện theo quy định về quản lý thông tin trên biển của tỉnh.

b) Hỗ trợ 01 lần 300.000.000 đồng/tàu cá (tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá) đóng mới (phải lắp máy mới) cho các hộ ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá khai thác xa bờ có công suất từ 700CV trở lên.

c) Hỗ trợ mua máy dò ngang khai thác thủy sản khơi xa, trên tàu có công suất từ 700 CV trở lên, với mức hỗ trợ 50% giá máy, nhưng không quá 200.000.000 đồng/máy.

d) Chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề khác thân thiện với môi trường:
- Hỗ trợ chuyển đổi nghề lưới bát quái hoạt động tại vùng biển ven bờ sang các nghề khác (lưới vây, lưới rê, lưới chụp), với mức hỗ trợ 15.000.000 đồng/tàu, mỗi năm chuyển đổi nghề 50 tàu/năm.
- Hỗ trợ mô hình chuyển đổi nghề khai thác hải sản bằng nghề lưới kéo sang các nghề khác (lưới vây, lưới rê, lưới chụp), với mức hỗ trợ 100.000.000 đồng/mô hình, mỗi năm không quá 10 mô hình.

Tác giả: Việt Hòa - Đặng Sơn

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP