Trong tỉnh

Nghệ An: Hai năm, bảo vệ rừng “không được một đồng ngân sách”

Ông Nguyễn Tiến Lâm, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An, đưa ra thông tin này tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý III, năm 2017 tỉnh Nghệ An vào chiều 4-10.

Ông Nguyễn Tiến Lâm, phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, nói "Hai năm qua, bảo vệ rừng không được một đồng ngân sách" - Ảnh: DOÃN HÒA

Tại cuộc họp, nhiều câu hỏi "nóng" được báo chí đặt ra với ngành nông nghiệp, lực lượng biên phòng về công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các vụ phá rừng và vận chuyển gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian vừa qua.

Các phóng viên cũng cho rằng để xảy ra tình trạng phá rừng vùng biên thời gian qua có liên quan đến lực lượng biên phòng nhưng trong xử lý chưa đề cập đến trách nhiệm của lực lượng này.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lâm, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, cho hay thời gian qua Nghệ An đã xử lý 5 vụ phá rừng nghiêm trọng dưới hai hình thức khai thác trái phép lâm sản và chuyển đổi đất rừng sai mục đích, trong đó đã khởi tố 4 vụ án và 1 vụ được đưa ra xét xử.

Theo ông Lâm, do tuyến biên giới dài, giao thông thuận lợi nên việc bảo vệ rừng cực kỳ khó khăn.

"Từ năm 2016 đến năm 2017, lực lượng bảo vệ rừng ở Nghệ An không được một đồng ngân sách nào để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Vừa rồi, chúng tôi xin tỉnh tạm ứng hơn 2,3 tỉ đồng để trả lương cho cán bộ bảo vệ rừng nhưng số tiền này cũng chỉ đủ tiền ăn", ông Lâm thông tin.

"Với trách nhiệm được giao, ngành sẽ tiếp tục điều ra, làm rõ, thực hiện các quy định của pháp luật, xử lý cán bộ sai phạm liên quan đến việc quản lý và bảo vệ rừng", ông Lâm khẳng định.

Trả lời Tuổi Trẻ Online sau buổi họp báo, ông Lâm cho biết ngoài cán bộ kiểm lâm được hưởng lương từ ngân sách thì Nghệ An còn có gần 300 người lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng và người dân trực tiếp nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả tiền hỗ trợ bảo vệ rừng với số tiền gần 60 tỉ đồng/năm.

Vậy lực lượng bảo vệ rừng sống bằng gì gần 2 năm qua? Ông Lâm nói: "Đây là vấn đề gay go và khó khăn. Một số người bảo vệ rừng đã bỏ việc, số còn lại sống rất chật vật bằng dịch vụ môi trường rừng nhưng số này không nhiều. Lực lượng kiểm lâm quá mỏng thì làm sao làm xuể được, ví dụ như 3 xã miền núi có rừng ở huyện Tương Dương chỉ có một kiểm lâm viên quản lý".

Công an, kiểm lâm lấy mẫu kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong, Nghệ An vào tháng 8-2016 - Ảnh: DOÃN HÒA



Tác giả: DOÃN HÒA

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP