Trong tỉnh

Nghệ An, Hà Tĩnh đón công dân từ vùng dịch về quê thế nào?

Tỉnh Nghệ An mở trang đăng ký cho người dân ảnh hưởng do Covid-19 ở các tỉnh phía Nam có nhu cầu về quê. Trong khi đó, Hà Tĩnh thuê tàu hỏa để đưa công dân về địa phương.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã lên phương án đưa người dân có nhu cầu về quê.

Hà Tĩnh thuê tàu cho 3.000 người dân về quê

Tổ công tác của tỉnh Hà Tĩnh vừa vào TP.HCM làm việc với Ban quản lý Ga Sài Gòn để thống nhất việc đưa hơn 700 người dân Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 có nhu cầu về quê.

Theo đó, trong đợt 1, hơn 700 người dân sẽ xếp thành 13 hàng tương ứng 13 huyện, thị xã, thành phố trước cửa ga Sài Gòn để làm thủ tục, phát vé theo danh sách.

Người dân trước khi lên tàu sẽ chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ: chứng nhận kết quả test nhanh Covid-19, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước, vé lên tàu. Cán bộ nhà ga sẽ soát vé và các giấy tờ cần thiết. HCDC sẽ đo thân nhiệt cho người dân trước khi lên tàu.

Người dân Đà Nẵng ở TP.HCM và các tỉnh phía nam được test nhanh trong đợt về quê hôm 21/7. Ảnh: Chí Hùng.

18h30 ngày 24/7, người dân lên đoàn tàu SE14 để về Hà Tĩnh. Những người về đợt này sẽ xuống ga Hương Phố (huyện Hương Khê), ga Yên Trung (huyện Đức Thọ) vào sáng 26/7 và được cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.

Riêng tổ công tác thực hiện nhiệm vụ sẽ được bố trí toa riêng để đảm bảo phòng dịch trên tàu, chăm sóc sức khỏe người dân về quê. Một khu vực đêm tại ga được thành lập để cách ly người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở và test nhanh Covid-19.

Sau chuyến này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và TP.HCM tiếp tục tổ chức các tuyến tàu khác đưa hơn 2.300 người còn lại về quê. Tiền vé và kinh phí test nhanh Covid-19 hai lần tại khu cách ly cho người trở về được miễn phí. Người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được xem xét hỗ trợ chi phí cách ly.

Trước đó, tối 18/7, Hà Tĩnh có thư ngỏ với Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cùng đơn vị liên quan để lên phương án đón công dân tại TP.HCM cùng các tỉnh vùng dịch về quê. Những trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nghề nghiệp sẽ được ưu tiên về trước.

Người dân muốn về quê sẽ đăng ký với Sở Lao động, Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Hà Tĩnh hoặc qua Hội đồng hương Hà Tĩnh tại các tỉnh phía Nam.

Để chuẩn bị cho việc đón công dân về quê, 13 huyện, thị, thành phố của Hà Tĩnh đã kích hoạt các khu cách ly tập trung và điều kiện cần thiết để đưa người có nhu cầu trở về, đảm bảo quy định phòng dịch.

Ưu tiên, hỗ trợ người khó khăn

Tại tỉnh Nghệ An, bắt đầu từ 9h ngày 23/7, website: http://www.dangkyveque.nghean.gov.vn do Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An chủ trì đã chính thức được vận hành để người dân quê Nghệ An sinh sống, làm việc ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía nam bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đăng ký về quê.

Trang đăng ký đón công dân quê Nghệ An ở TP.HCM và các tỉnh phía nam. Ảnh chụp màn hình.

Người dân có nhu cầu về quê có thể đăng nhập và cung cấp các thông tin theo hướng dẫn về cá nhân (tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp…) và đăng ký điểm đón, phương tiện, địa điểm cách ly, địa điểm về sau cách ly để các cơ quan chức năng tổng hợp.

Sau khi công dân đăng ký, đơn vị chủ trì sẽ tổng hợp phân nhóm và gửi về Sở LĐTB&XH để có phương án chi tiết đón, nhận công dân.

Những người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, lao động tự do, người mất việc làm, người mắc kẹt do thăm thân, học sinh, sinh viên, người có hoàn cảnh khó khăn… sẽ được ưu tiên về quê cùng chính sách hỗ trợ.

Dự kiến đầu tháng 8, Nghệ An sẽ tiếp nhận công dân đợt 1 về quê với số lượng tối thiểu từ 1.000 đến 1.200 người. Họ sẽ phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày và kiểm soát chặt chẽ.

"Nghệ An có hơn 10.000 người sinh sống, lao động tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Dự kiến khoảng 3.000-5.000 người có nhu cầu về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau khi đăng ký, họ sẽ được phân nhóm và bố trí về quê", ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Việc làm - Lao động, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, thông tin với Zing.

Tác giả: Phạm Trường

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP