Trong tỉnh

Nghệ An: Gộp mẫu xét nghiệm COVID-19, tiết kiệm hàng tỉ đồng

Nghệ An đã sử dụng phương pháp gộp mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để thúc đẩy nhanh xét nghiệm tìm ca dương tính và tiết kiệm chi phí.

Nghệ An xét nghiệm tầm soát virus SARS-CoV-2 trên diện rộng. Ảnh: TL

Ngày 1.7, PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, trong đợt phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, để tầm soát virus SARS-CoV-2 trên diện rộng, tỉnh đã áp dụng phương pháp gộp mẫu xét nghiệm.

“Chúng tôi đã gộp 10 mẫu một lần để xét nghiệm, nếu được có thể gộp 15 mẫu/lần, xét nghiệm bằng kĩ thuật RT-PCR. Phương pháp này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tiết kiệm chi phí, vật tư tiêu hao mà vẫn bảo đảm tính chính xác trong mục tiêu tầm soát virus SARS-CoV-2” - PGS.TS Dương Đình Chỉnh nói.

Theo đó, một nhóm 10 người sẽ được lấy mẫu, gộp chung xét nghiệm 1 lần bằng kĩ thuật RT-PCR, nếu âm tính thì trả kết quả 1 lần, khẳng định 10 người đều không bị nhiễm virus; trường hơp kết quả dương tính thì xét nghiệm lại từng mẫu một.

Với tình huống xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu trong cộng đồng mới có một ca dương tính, phương pháp gộp mẫu đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn, tiết kiệm công sức, vật tư tiêu hao. Áp dụng mức phí xét nghiệm bằng kĩ thuật RT-PCR của Bộ Y tế là 734.000 đồng/mẫu, nếu xét nghiệm riêng 10 người, chi phí sẽ là 7,34 triệu đồng.

Còn nếu gộp 10 mẫu 1 lần, cho kết quả âm tính, thì mỗi người chỉ phải trả 73.400 đồng. Số lượng mẫu xét nghiệm càng lớn, số lượng kinh phí tiết kiệm càng nhiều.

Trước đó, ngày 7.8.2020, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, cho phép gộp mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm nhằm giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao sử dụng cho xét nghiệm.

Bộ Y tế cho biết gộp mẫu không ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm, ngược lại còn thúc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, phương pháp này vừa giúp tiết kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh, giúp đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm khối lượng lớn các ca bệnh nghi ngờ, các đối tượng tiếp xúc F1 và những người nguy cơ để hạn chế tình hình lây lan trong cộng đồng và hạn chế tình trạng tử vong.

Đây cũng là phương thức được nhiều nước áp dụng trong đó có CDC Hoa Kỳ.

Tác giả: Quang Đại
Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP