Trong tỉnh

Nghệ An: Đòi lại hồ giao cho tư nhân để… chống ngập

TP Vinh có khá nhiều hồ với dung tích chứa nước lên đến hàng triệu m3 nhưng nhiều hồ lại đang do các doanh nghiệp tư nhân, chủ dự án quản lý.

Nạo vét cống và làm hố thu cửa phai ở công viên trung tâm

Hiện trên địa bàn TP Vinh có khá nhiều hồ với dung tích chứa nước lên đến hàng triệu m3. Tuy nhiên nhiều hồ trong số này lại đang nằm trong tay các doanh nghiệp tư nhân, các chủ dự án, khiến việc vận hành các công trình thoát nước khi mưa lũ rất khó khăn.

Hễ mưa là ngập

“Hễ mưa là ngập” là cụm từ khá quen thuộc với người dân sống ở đô thị loại I như TP Vinh, Nghệ An.

Thế nhưng, sau nhiều năm người dân nơi đây vẫn phải chứng kiến, trải qua những trận “đại hồng thủy” kinh hoàng. Điển hình nhất là trận ngập ngày 15 - 16/10/2019.

Mưa lớn kéo dài đã khiến cho nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường lớn như: Trần Phú, Hồ Tùng Mậu, Trường Thi, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thị Minh Khai, Đặng Thái Thân… chìm trong biển nước. Có nơi nước ngập sâu tới gần 2m, giao thông và mọi sinh hoạt của người dân bị ách tắc, đảo lộn hoàn toàn.

TP Vinh đã huy động tối đa các trạm bơm hoạt động hết công suất, với tổng công suất lên đến 100.000m3/giờ. Thế nhưng, cũng phải mất một thời gian rất dài, nước mới rút hết, để lại thiệt hại nặng nề cho người dân.

Đúng 1 năm sau, vào những ngày cuối tháng 10/2020, TP Vinh lại tiếp tục “thất thủ” khi một trận “đại hồng thủy” lặp lại. Hàng trăm hộ dân bị nước ngập sâu tới nửa nhà, phải di dời đến nơi an toàn.

Và cho tới nay, những cơn mưa nhỏ đầu mùa lại tiếp tục khiến 1 số nơi bị ngập úng khiến người dân không khỏi lo lắng trong mùa mưa sắp tới.

Trao đổi với PV, ông Đặng Hiếu Lam, Phó phòng Quản lý đô thị TP Vinh cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến TP Vinh dễ bị ngập khi trời xuất hiện mưa to.

Thứ nhất phải kể đến do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều diện tích mặt đất bị bê tông hóa nên lượng nước ngấm và thoát tự nhiên bị giảm đi.

Thứ hai là do một phần ý thức người dân, cộng với rác thải, lá cây… làm lấp các miệng hố thu nước; tắc nghẽn kênh, mương, đường ống thoát nước.

Thứ ba là do một số hồ trên địa bàn thành phố được giao cho chủ dự án, nhà đầu tư quản lý nên công trình thoát nước ở các hồ này không kết nối được với các công trình thoát nước của thành phố.

Chưa kể, hệ thống thoát nước ra, vào hồ đã được đầu tư xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp. Các hồ này lại được cho thuê để nuôi cá, các cửa thoát nước bị người nuôi dùng lưới chắn lại.

Đòi lại tất cả các hồ

Rác chắn bịt kín các cửa thu thoát nước gây ngập trong những ngày mưa

Ông Hoàng Hồng Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh phân tích: Các hồ như Công viên trung tâm (gọi là hồ Trung Long), hồ Vinh Tân (Khu đô thị Handico), Công viên Nguyễn Tất Thành (hồ Goong) được đơn vị quản lý cho thuê lại làm hồ nuôi cá.

Để tránh cá ra ngoài, các chủ hồ dùng lưới để chặn các miệng cống thoát nước. Khi mưa xuống, nước chảy xiết kéo theo rác, cành cây chắn ngang làm ách tắc dòng chảy.

“Ngoài ra, do hồ giao cho doanh nghiệp quản lý vận hành nên khi xảy ra sự cố về tiêu thoát nước, chúng tôi muốn làm bất cứ việc gì cũng phải xin phép họ, đôi khi phải nhờ can thiệp mới được.

Từ thực tế nói trên, chúng tôi đã kiến nghị và được thành phố đồng ý xin tỉnh giao lại quyền quản lý các hồ chứa về cho thành phố để vận hành, chống ngập úng”, ông Khanh nói.

Theo ông Đặng Hiếu Lam, đối với hồ Vinh Tân, sau một thời gian dài làm các thủ tục, thành phố đã tiến hành tiếp quản từ chủ đầu tư Khu đô thị Handico. Hiện thành phố đang hoàn tất cả thủ tục nghiệm thu còn lại để nhận bàn giao. Đối với hồ Goong có nuôi cá nhưng bằng lồng ở giữa hồ, các cửa xả nước cũng đã được sửa chữa, khơi thông hơn so với trước.

Còn đối với hồ Trung Long, năm 2018 - 2019 có nuôi cá nhưng sau đó thành phố có ý kiến nên năm 2020, phía Công ty Trung Long đã không còn nuôi cá và tháo các lưới chắn. Chắc chắn thành phố cũng sẽ có kế hoạch đòi lại quyền quản lý hồ này.

“Ngoài việc đòi lại quyền quản lý các hồ đã giao cho tư nhân quản lý, hiện toàn thành phố cũng đã và đang triển khai khoảng 18 công trình thoát nước với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Còn về lâu dài, thành phố đã mời các tổ chức, chuyên gia nước ngoài, tổ chức hội thảo, khảo sát để lập giải pháp chống ngập”, ông Lam cho biết thêm.

Tác giả: Văn Thanh - Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP