Trong tỉnh

Nghệ An: Đổi đất ở xây công trình, nhiều hộ dân lâm vào cảnh “ở nhờ”

Hàng chục hộ dân thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, 25 năm về trước đã đồng ý cho chính quyền thu hồi đất hoặc đổi đất ở để xây các công trình công cộng nhưng quyền lợi của họ hàng chục năm nay vẫn bị "treo".

Và, sau khi nhận đất nơi ở mới, họ phải “sống gửi” trên mảnh đất của mình vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) khiến cuộc sống rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Đổi đất ở…lấy đất hoang

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở khối Quang Trung, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, trước đây, ở trên thửa đất do bố mẹ của bà để lại cùng với ngôi nhà via tăng đa (chắn mái) khang trang. Tuy nhiên, năm 1998, khi nhà nước làm cầu Đền Cờn thì cả nhà và đất đều phải dỡ bỏ để lấy mặt bằng xây công trình.

“Khi nhà nước lấy đất để làm cầu Đền Cờn. Khi đó, xã thu hồi cả đất 200m2 và nhà via 2 gian nhưng chỉ trả cho gia đình 1 miếng đất ở khu vực đồng không mông quạnh rộng 175m2, lại không có bìa đỏ. Hồi đó, tôi dại, đáng lẽ yêu cầu họ đền cả nhà, đằng này nhà nước chỉ đền mỗi miếng đất nên sau đó không có tiền làm nhà khang trang như trước mà phải xây nhà bằng gạch táp lô nên giờ sập sệ phải đập để xây lại”- bà Hồng than thở.

Còn anh Nguyễn Văn Thành, cũng ở khối Quang Trung, phường Quỳnh Phương cũng cho biết, trước đây, nhà bố mẹ của anh nằm gần khu vực Đền Cờn, năm 1998, khi xây dựng cầu Đền Cờn, công trình chạy qua nhà cắt vào đất cả 16m mặt tiền. Khi đó, bố mẹ anh chỉ được đền lại 1 miếng đất trên thửa ruộng hoang rộng khoảng 190m2. Sau khi lập gia đình, anh làm nhà ở trên đất hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa có bìa đỏ.

Theo báo cáo của UBND phường Quỳnh Phương, đến hết năm 2021, trên địa bàn phường còn 34 trường hợp được UBND xã Quỳnh Phương (cũ) (thuộc huyện Quỳnh Lưu trước đây, nay là phường Quỳnh Phương, thuộc thị xã Hoàng Mai) giao đất ở qua các thời kỳ do đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và do đổi đất ở lấy mặt bằng làm công trình nhưng chưa được cấp bìa đỏ.

Do lâu ngày nên nhà bà Hồng bị xuống cấp phải xây lại nhưng đất vẫn chưa có bìa đỏ

Trong số đó, có 19 trường hợp được chính quyền đổi đất ở để lấy mặt bằng làm công trình công cộng. Còn lại là các trường hợp được đền bù để GPMB mở Quốc lộ 48E, xây dựng trường Tiểu học Quỳnh Phương B, mở đường đến trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương.

Đối với đất có nguồn gốc đổi đất để lấy mặt bằng làm công trình giấy tờ liên quan hiện có là văn bản giao đất của xã được UBND xã Quỳnh Phương xác nhận.

Còn với đất có nguồn gốc được đền bù do GPMB giấy tờ hiện có gồm: Quyết định số 8211 QĐ/QP ngày 15/9/1995 của Bộ Quốc phòng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Đền Cờn; Tờ trình số 16/TTUB ngày 6/2/1996 của UBND xã Quỳnh Phương (cũ) xin đất để bố trí đất ở cho các hộ phải bốc dỡ khi triển khai làm tuyến đường cứu Đền Cờn; bản thuyết minh về việc mở đường làm cầu Đền Cờn; biên bản giao đất để làm nhà ở cho thửa đất được đền bù hoặc giấy tờ có xác nhận của xã Quỳnh Phương liên quan đến việc GPMB.

Cầu Đền Cờn, công trình được xây dựng sau khi có nhiều hộ đồng ý đổi đất đi ở nơi khác

Phường Quỳnh Phương cũng đã rà soát, lục tìm tài liệu liên quan lưu trữ, đề nghị người sử dụng đất cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan; tổ chức làm việc với lãnh đạo, cán bộ cấp xã có tham gia công tác GPMB và xây dựng các công trình giai đoạn 1996 -2003.

Chính quyền phường đã làm việc với UBND huyện Quỳnh Lưu để xác định có hay không phúc đáp Tờ trình số 16/TTUB ngày 6/2/1996 của UBND xã Quỳnh Phương về việc xin đất để bố trí đất ở cho các gia đình khi triển khai làm tuyến đường cầu Đền Cờn để làm cơ sở xác định chủ trương cấp đất khi GPMB mở đường 48E. Tuy nhiên, ngoài các loại hồ sơ tài liệu nói trên, đến nay, phường Quỳnh Phương chưa có thêm được loại tài liệu nào khác.

Về việc xin cấp được bìa đỏ cho các trường hợp nói trên, trước đây, UBND xã Quỳnh Phương (cũ) đã từng lập hồ sơ để nghị UBND huyện Quỳnh Lưu cấp bìa đỏ nhưng vẫn chưa thực hiện được. Sau khi thành lập thị xã, từ năm 2014, UBND phường Quỳnh Phương cũng đã báo cáo UBND thị xã Hoàng Mai để xin ý kiến tháo gỡ vướng mắc và thị xã đã chỉ đạo, hướng dẫn phường Quỳnh Phương nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Người dân "tiến thoái lưỡng nan"

Liên quan đến vấn đề trên, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Hoàng Mai đã tham vấn ngành thuế. Ngày 24/8/2021, Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ I đã có Công văn số 5322/CCT-NVQLT gửi Chi nhánh này về việc dự trù số tiền sử dụng đất của 19 trường hợp địa bàn phường Quỳnh Phương. Theo đó, Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ An I có ý kiến:

“Tại điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất quy định: Trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% tiền sử dụng đất đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở theo giá đất quy định tại Bảng giá đất; bằng 100% tiền sử dụng đất đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) theo giá đất quy định tại điểm b, điểm c Khoản 3 Điều 3 Nghị định này tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, Công văn trên cũng nêu rõ, do thông tin từng thửa đất tại công văn của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Hoàng Mai gửi Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ An I chưa đầy đủ như: vị trí đất, đoạn đường, diện tích đất ở, diện tích đất trong hạn mức, diện tích ngoài hạn mức... Do đó, chưa có cơ sở xác định được số tiền sử dụng đất phải nộp của từng hộ gia đình, cá nhân theo quy định.

Trên cơ sở phúc đáp của Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ I, ngày 27/8/2021, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Hoàng Mai đã có Công văn số 410/CV-CNVPHM gửi UBND thị xã về việc dự tính nghĩa vụ tài chính của các trường hợp trên. Theo cách tính như trên thì trong số 19 hộ này, hộ có mức tiền sử dụng đất thấp nhất là hơn 652 triệu đồng, hộ có mức tiền sử dụng đất cao nhất là 1,5 tỷ đồng.

Khối Quang Trung, phường Quỳnh Phương còn hàng chục hộ được chính quyền giao đất nhưng không có bìa đỏ

Được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã Hoàng Mai, hướng dẫn Sở TN&MT Nghệ An và các cơ quan liên quan, phường Quỳnh Phương đã thu thập hồ sơ, phân loại các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, hiện nhưng vẫn còn vướng mắc do người sử dụng đất không đồng tình việc nộp tiền sử dụng đất; không xác định được giá đất của thửa đất bị GPMB, thửa đất được bồi thường hoặc được trả nợ công trình; không có phương án GPMB được cấp thẩm quyền phê duyệt; không có hồ sơ về xây dựng và quyết toán các công trình giai đoạn 1996-1999 thể hiện việc đổi đất lấy mặt bằng làm công trình.

Để giải quyết vướng mắc, phường Quỳnh Phương đề nghị căn cứ hồ sơ hiện có như: biên bản giao đất, biên bản xác nhận vụ việc, xác nhận của UBND xã Quỳnh Phương (cũ) tại thời điểm được giao đất và coi các tài liệu này chính là hồ sơ minh chứng cho việc các hộ được cấp đất.

Đồng thời, trên cơ sở nguồn gốc thật của thửa đất, lịch sử phát triển của địa phương, thông qua ý kiến khu dân cư và căn cứ các quy định hiện hành đề nghị cấp bìa đất không thu tiền sử dụng đất cho các trường hợp nêu trên đối với phần diện tích phù hợp quy hoạch, không có tranh chấp khiếu nại về đất đai.

Ông Phan Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương cho biết, thời gian tới, phường tiếp tục tuyên truyền đến các hộ dân về những khó khăn vướng mắc và các văn bản bản quy định trong việc cấp bìa đỏ cho các hộ dân.

Vận động các hộ dân nộp tiền sử dụng đất đối với các trường hợp đã được UBND tỉnh Nghệ An ban hành giá đất; thường xuyên báo cáo các cấp có thẩm quyền để được xem xét giải quyết cho các trường hợp chưa được cấp bìa đỏ do UBND phường đổi đất để lấy mặt bằng xây công trình và do GPMB.

Tác giả: CAO SƠN

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP