Trong tỉnh

Nghệ An: Dân tố chủ khai thác mỏ đất núi Đồ Lăng gây ô nhiễm môi trường

“Núi Đồ Lăng, xóm 4 Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An) khai thác đất cả ngày lẫn đêm, chúng tôi kêu lên các cấp chính quyền nhiều lần rồi mà không được. Trời nắng, bụi bám trắng nhà, thậm chí có khách vào chúng tôi rất ngại. Đêm đến thì tiếng xe, tiếng máy chạy ầm ầm không tài nào ngủ được, thậm chí con cái học hành cũng bị ảnh hưởng” – Chị Thu, trú tại xóm 4 Nghi Lâm, nhà cạnh mỏ đất bức xúc phản ánh với PV.

Theo ghi nhận của PV báo Bảo vệ pháp luật, thì phản ánh của người dân xóm 4, xã Nghi Lâm về tình trạng xe có tải trọng lớn chở đất “nghênh ngang” trên đường, mỏ đất hoạt động ngày đêm bụi bay mù mịt là xác thực. Tại hiện trường khai thác đất, máy đào máy ngoạm hoạt động hết công sức, tiếng xe, máy náo động. Bụi bay mù mịt, hàng chục lượt xe tải hạng nặng vẫn vào, ra vận chuyển đất đi rất nhiều nơi cung cấp cho các công trình đang thi công trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Điều lo ngại, với số lượng xe tải vào ra chở đất khối lượng lớn, bụi bay kín mặt người nhưng đơn vị khai thác DNTN Chiến Công không có các biện pháp bảo vệ môi trường.

10 giờ sáng, ngày 12/10 PV báo Bảo vệ pháp luật tiếp cận mỏ đất, khi đang “mục sở thị” việc khai thác đất thì có 2 người, một nam và một nữ lại gần và ngăn cản PV không được vào: “Anh không được vào, tôi có quyền cấm. Đây là đất của tôi, anh không được vào” – Người đàn ông hất hàm ra lệnh PV. Khi PV cho biết: “Tôi chỉ đứng xem, nếu không có gì sai thì làm sao phải cấm?” – Người đàn ông im lặng, và cầm điện thoại gọi cho một ai đến.

Hai người, một nam một nữ luôn ngăn cản người lạ đứng xem mỏ đất bên đường

Thấy bất ổn, PV báo Bảo vệ pháp luật rút ra hơn 50m và tiếp cận một nhà dân gần đó. Sau khi giới thiệu là PV báo Bảo vệ pháp luật, người phụ nữ tên Thu liên tục tố các hoạt động vi phạm môi trường của đơn vị khai thác đất trên núi Đồ Lăng. Chị Thu kế, rất nhiều người dân đã phản đối việc mỏ đất quy hoạch ở đây, gây bất ổn cho người dân nhưng đều không có kết quả.

Họ (đơn vị khai thác đất – PV) chị biết đến tiền thôi, không quan tâm gì đến sức khỏe của dân. Chúng tôi kêu lên UBND xã Nghi Lâm, nhưng cũng không thấu. Trước đây, anh Nam đối diện nhà tôi cũng đã kiện nhưng cũng chẳng có kết quả gì. Trời nắng bụi nhìn không thấy mặt, trời mưa thì bùn lầy gớm lắm.

Ông Đặng Bá Dương chủ DNTN Chiến Công cũng là đơn vị đang khai thác đất tại Núi Đồ Lăng (xóm 4 Nghi Lâm) liên tục có hành vi ngăn cản người dân phản ánh với PV.

Khi chị Thu đang chia sẻ với PV, thì một người đàn ông bất ngờ bước vào chỉ tay vào mặt chị Thu bảo: “Có gì thì nói với tôi, đừng nói linh tinh như thế. Tôi làm đây đều tưới nước đầy đủ”. Kiểm tra thông tin, PV được biết người đàn ông ngăn cản người dân phản ánh với PV có tên là Đặng Bá Dương chủ DNTN Chiến Công cũng là đơn vị đang khai thác đất tại Núi Đồ Lăng, xóm 4 Nghi Lâm.

Lúc này ngoài đường, mặc dù đã gần 11 giờ trưa nhưng đoàn xe tấp nập “ăn đất", con đường dân sinh nối từ xã Nghi Lâm chạy hướng vào thành phố Vinh bị cày xới không thương tiếc. Cuộc sống của người dân dọc hai bên đường từ xóm 4, xã Nghi Lâm ra Quốc lộ 48E bị đảo lộn do bụi bặm, xe trọng tải lớn lưu thông. Mặt đường bị cày xới và phân khúc thành nhiều đoạn với mức độ hư hỏng khác nhau. Đất, đá,... rơi vãi từ các xe tải dồn ứ lại 2 bên đường.

Trao đổi với PV báo Bảo vệ pháp luật ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: “Mỏ đất tại xóm 4 Nghi Lâm, để tôi kiểm tra lại xem giấy phép đã đầy đủ chưa? Về vấn đề môi trường và giấy phép khai thác, anh liên hệ với anh Hải – Phó chủ tịch huyện để nắm rõ hơn”.

Xe ô tô chở quá tải, che chắn sơ sài, gây ô nhiễm môi trường

Theo tìm hiểu của PV báo Bảo vệ pháp luật, việc khai thác khoảng sản không thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường là vi phạm pháp luật. Điều 30, chương 6, mục 2 Luật khoáng sản nêu rõ “Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường. Giải pháp, chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường phải được xác định trong dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, tại mục 2, điều 4 cũng khẳng định: “Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền trẻ em, thúc đẩy giới và phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành”.

Báo Bảo vệ pháp luật đề nghị UBND tỉnh Nghệ An vào cuộc chỉ đạo kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của đơn vị khai thác mỏ đất tại Núi Đồ Lăng, xóm 4 Nghi Lâm (Nghi Lộc, Nghệ An), trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Tác giả: Nguyễn Lý

Nguồn tin: Báo Bảo vệ pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP