Trong tỉnh

Nghệ An: Dân mất đất vì cho doanh nghiệp thuê

20 hộ dân xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho một đơn vị trên địa bàn thuê đất ruộng để nuôi ba ba. Vậy nhưng, sau 10 năm (2013) khi hết thời hạn thuê đất, người dân mới té ngửa diện tích đất cho thuê ngày nào giờ đã thành đất của người khác.

Toàn bộ khu đất nông nghiệp gần 9000m2 của 20 hộ dân xóm 10, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sau khi cho thuê đã nằm trong “sổ đỏ” của người khác.

Khuất tất mức giá

Theo đơn trình bày, 20 hộ dân ở xóm 10, xã Quỳnh Thạch là xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Lam Cầu (HTX Lam Cầu), trước đây, họ được giao đất theo Nghị định 64 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 1996, với tổng diện tích gần 9.000m2 ở khu vực Đồng Cựa, gần QL1A. Ngày 21/1/2003, thông qua UBND xã Quỳnh Thạch và HTX Lam Cầu, Công ty TNHH Quỳnh Vinh (Cty Quỳnh Vinh) do ông Nguyễn Bá Phi và ông Nguyễn Xuân Viên đại diện ký hợp đồng thuê đất của dân để nuôi ba ba với giá 5 triệu đồng/sào. Thời hạn thuê là 10 năm, tức đến tháng 2/2013 sẽ hết hạn thuê, Cty Quỳnh Vinh phải trả lại đất cho các hộ dân.

Vậy nhưng, khi gần hết hạn hợp đồng, người dân yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị hoàn trả mặt bằng để sản xuất mới biết, số diện tích đất nuôi ba ba thuê của các hộ xã viên đã được UBND huyện Quỳnh Lưu cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Bá Phi từ năm 2003 với thời hạn sử dụng 20 năm để nuôi thủy sản. Sau đó, ông Nguyễn Bá Phi chuyển nhượng diện tích đất này cho ông Nguyễn Xuân Viên vào năm 2008. Hiện, khu đất này đang được ông Viên sử dụng làm xưởng chế biến gỗ kinh doanh. Trong khi đó, kể từ năm 2003 đến 2013, các hộ xã viên hàng năm vẫn phải thực hiện nghĩa vụ sử dụng đất đối với diện tích đất này.

Ông Đặng Ngọc Lam (một trong 20 hộ dân mất đất) phản ánh: Vào thời điểm đó, ông Nguyễn Bá Phi là đại diện của Cty Quỳnh Vinh, sau khi ký hợp đồng thuê đất, ông Phi đã đưa cho ông danh sách kiểm kê đất và danh sách nhận tiền đền bù in sẵn và nhờ ông đến từng hộ gia đình xin chữ ký để xác nhận số diện tích để Cty làm thủ tục nhận đất. Trong 2 danh sách này, cột họ tên và cột diện tích đất ghi đầy đủ, còn cột ghi số tiền để trống. Khi đã xin được chữ ký xác nhận của bà con, ông Phi mới ghi số tiền vào cột để trống. Dựa vào 2 danh sách khống, ông Phi làm thủ tục trình UBND huyện Quỳnh Lưu để thu hồi đất của dân.

Thiếu trách nhiệm

Trong khi đó ông Hồ Văn Hường, xóm trưởng xóm 10, xã Quỳnh Thạch cho biết: Việc người dân khi đó cho doanh nghiệp thuê đất trong 10 năm và khi hết thời gian trả lại cho dân là đúng sự thật. Tuy nhiên, khi gần đến thời hạn trả đất, bỗng đâu xuất hiện một văn bản thu hồi đất của dân và diện tích đất đã nằm trong bìa đỏ của người khác. Ông Hường nhớ lại: “Ngày đó, khi ông xóm trưởng đưa danh sách cho người dân ký thì họ chỉ thấy diện tích, không thấy ghi số tiền nên ký vào. Quyết định thu hồi đất năm 2003, mãi đến năm 2013, UBND xã Quỳnh Thạch mới đưa ra công bố cho dân. Khi đó, chúng tôi hỏi phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND huyện Quỳnh Lưu thì họ nói có gửi về xã nhưng xã công bố hay không thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trong khi đất đã bị thu hồi nhưng GCNQSDĐ của dân vẫn đang còn. HTX không biết đất đã bị thu hồi nên hàng năm vẫn thu sản phẩm của các hộ dân”.

Thực tế, người dân chỉ nhận tiền với mức 10.000 đồng/m2 (tức 5 triệu đồng/sào) nhưng trong văn bản thu hồi đất lại ghi 12.000 đồng/m2 (6 triệu đồng/sào), tương đương với việc áp giá đền bù đất ở thời điểm đó. Ông Đặng Ngọc Nhạc - Giám đốc HTX Lam Cầu khẳng định: Khi đó, ông trực tiếp chứng kiến, về bản chất là người dân cho thuê thời gian sử dụng đất. Do người dân mất cảnh giác nên bị lừa ký vào danh sách. Sau khi các hộ dân ký, doanh nghiệp về mới “lắp ráp” lại để ra mức 6 triệu đồng/sào (tức 12.000đ/m2), ngang với giá đền bù đất 1 lần vào năm 2003. Khi thu hồi đất thì chỉ có chính quyền làm việc với doanh nghiệp, người dân không biết. HTX cũng không nhận được văn bản nào hết.

Theo ông Nhạc, chính quyền nếu thu hồi đất của dân thì phải có quyết định thu hồi đất đến từng hộ. GCNQSDĐ đất ruộng người dân đang cầm nhưng huyện lại cấp sổ đỏ khác cho doanh nghiệp thuê là vi phạm pháp luật về quản lý đất đai. Vì để làm bìa đỏ cho doanh nghiệp, chính quyền phải thu bìa đỏ của người dân để đính chính lại diện tích trên đó. Ngoài ra, huyện phải rà soát lại thủ tục để xem có tranh chấp hay không rồi mới cấp cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Sỹ Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết: Dựa vào hồ sơ xin thuê đất của ông Phi, ngày 12/3/2003, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ra Quyết định số 189 thu hồi đất của 20 hộ dân ở xứ Đồng Cựa. Cùng ngày, UBND huyện Quỳnh Lưu tiếp tục ra 2 quyết định cùng số và ký hiệu cho phép ông Nguyễn Bá Phi thuê đất nhưng với 2 thời hạn khác nhau là 20 năm và 30 năm. Điều này càng khiến người dân hoài nghi về tính minh bạch của sự việc.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Đào Văn Sơn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Lưu cho biết: Vào ngày 22/4/2014, UBND huyện Quỳnh Lưu đã kết luận: Ông Nguyễn Bá Phi và 20 hộ dân đã thỏa thuận bồi thường, nhận bồi thường và chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ năm 2003. Do đó, UBND huyện Quỳnh Lưu thu hồi và cho ông Phi thuê đất là đúng quy định (?) Ông Phi đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Xuân Viên ở xóm 4, xã Quỳnh Hồng và huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Viên theo quy định. Tuy nhiên, vì sao trước khi cấp đất cho doanh nghiệp, UBND huyện Quỳnh Lưu không thu hồi GCNQSDĐ của dân? Vì sao từ năm 2003 tới nay, HTX Lam Cầu vẫn thu sản phẩm của người dân? vẫn là những câu hỏi chưa được làm rõ.

Tác giả: Điền Bắc

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP