Trong tỉnh

Nghệ An: Chuyển giao ba cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép

Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), ngày 30/5, 3 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép tại nhà một đối tượng thuộc tỉnh Nghệ An đã được chuyển giao đến trung tâm cứu hộ sau gần 2 tháng kể từ khi vụ việc được ENV thông báo cho cơ quan chức năng địa phương.

Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân về một hộ gia đình nhiều khả năng nuôi nhốt gấu trái phép tại Nghệ An, ENV đã xác minh thông tin, định vị được vị trí cũng như xác nhận được số lượng gấu đang bị nuôt nhốt tại đây. Ngay sau đó, ENV đã cung cấp thông tin với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An và đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng tịch thu các cá thể gấu cũng như xử lý đối tượng vi phạm theo đúng các quy định của pháp luật.

Một trong những cá thể gấu được giải cứu (Nguồn ảnh ENV)

Tuy nhiên, chỉ đến ngày 30/5, sau gần 2 tháng kể từ ngày vi phạm được phát hiện, 3 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép mới được “tự nguyện chuyển giao”. Hiện nay, 3 cá thể gấu này đã được chuyển đến Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình thuộc tổ chức Four Paws.

Theo ENV, đây là một vụ việc phức tạp do đối tượng hết sức manh động và coi thường pháp luật. Trong quá trình tiếp cận cơ sở vi phạm, đoàn kiểm tra và cán bộ ENV đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của chủ nuôi và người dân xung quanh với nhiều hành vi quá khích như ném đất đá, dọa đốt xe. Các cán bộ ENV chỉ có thể thoát khỏi khu vực đó một cách an toàn nhờ sự hỗ trợ của các cán bộ kiểm lâm địa bàn. Mặc dù gặp khó khăn, ENV vẫn quyết tâm theo đuổi vụ việc để đảm bảo pháp luật được thực thi.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho rằng: “Những vi phạm này là rất nghiêm trọng và là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc thực thi pháp luật trong mọi trường hợp để đảm bảo sự nghiêm minh và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm cũng như thúc đẩy việc chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu trái phép ở Việt Nam.”

Được biết, Nghệ An từng là một khu vực tập trung rất nhiều cơ sở nuôi nhốt gấu để lấy mật. Tỉnh này hiện vẫn là một điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD), đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác, hổ và tê tê. Cơ sở dữ liệu của ENV từ năm 2010 cũng đã ghi nhận khoảng 119 vụ vi phạm trên cả nước có liên quan đến các đối tượng đến từ Nghệ An, một tỉ lệ rất lớn so với những địa phương khác.

Trước đó, năm 2015, các cơ quan chức năng cũng không xử lý thành công một trường hợp nuôi nhốt 5 cá thể hổ trái phép từ thông tin do ENV cung cấp. Chính vì vậy, ENV rất hi vọng các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An sẽ vào cuộc tích cực hơn nữa, đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật để góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và giảm thiểu tình trạng buôn bán ĐVHD trên địa bàn nói riêng.

Việt Nam hiện còn khoảng 700 cá thể gấu bị nuôi nhốt trên cả nước. Hầu hết các chủ nuôi đều cho rằng mục đích nuôi nhốt gấu là để “bảo tồn” hoặc vì yêu quý gấu. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động trích hút mật gấu hoặc buôn bán gấu trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương.

Vì vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời và nghiêm khắc các vi phạm là vô cùng quan trọng để sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam. Chỉ khi nhận thấy “lợi bất cập hại” từ việc nuôi nhốt gấu lấy mật, các chủ nuôi mới sẵn sàng từ bỏ hoạt động này.

Gấu là loài ĐVHD được liệt kê trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi nuôi nhốt trái phép từ 3 đến 5 cá thể gấu có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 năm tù giam.

Tác giả: Mạnh Quân

Nguồn tin: Báo Lao động Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP