Trong tỉnh

Nghệ An: Chủ hụi đóng kín cửa “mất tích”: Chính quyền địa phương nói gì?

Mặc dù người dân xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vô cùng hoảng sợ khi chủ hụi là ông Phạm Công Đồng (SN 1978) "mất tích", nhưng chính quyền địa phương “bất lực” vì không có cơ sở giải quyết.

Phường hụi 10 năm?

Liên quan đến vụ vỡ hụi, ông Nguyễn Trọng Linh, Phó trưởng Công an xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An xác nhận, đơn vị có nhận được 3 đơn tố cáo về việc chủ hụi Phạm Công Đồng chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn.

“Thực tế số người góp vào phường hụi của ông Đồng lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, một phần mọi người vẫn hy vọng ông Đồng sẽ trở về trả tiền, phần khác nhiều người cũng hiểu việc đưa tiền đi góp là tự nguyện nên cơ quan chức năng khó có cơ sở giải quyết”, ông Linh nói.

Ngôi nhà ông Đồng luôn đóng kín cửa gần 2 tháng nay.

Theo ông Linh, thực chất trước khi “mất tích” thì ông Đồng không có biểu hiện bất thường, không tuyên bố vỡ nợ và thậm chí chưa nói với một ai là… không trả. Chính vì vậy nhiều người tin rằng ông Đồng chỉ đi đâu đó một thời gian rồi trở về.

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng không thấy vợ chồng ông Đồng đâu, một số người bắt đầu nóng ruột và định đập phá nhà, cướp tài sản bên trong để gán nợ.

“Nhận được thông tin, ban Công an xã đã xuống nhà giải thích cho người dân là không nên manh động, đập phá hay lấy tài sản gì khi chủ nhà đi vắng, như vậy là trái với pháp luật. Đồng thời, chúng tôi đã hướng dẫn người dân viết đơn gửi để có cơ sở giải quyết”, ông Linh cho hay.

Mặc dù vậy, theo những chứng cứ thu nhập được, hầu hết mọi người đến đưa tiền cho ông Đồng chủ yếu là thỏa thuận miệng, nếu có giấy tờ thì cũng rất sơ sài, nội dung không rõ.

Đến thời điểm hiện nay, cơ quan chức năng cũng chưa thống kê được có bao nhiêu người tham gia, và số tiền góp hụi là bao nhiêu, vì người dân khi chung tiền là sự thỏa thuận giữa đôi bên nên không báo cho địa phương được biết.

Được biết, ông Đồng vốn sinh ra và lớn lên ở địa phương, trước đây làm nghề buôn bán nên cũng có kinh tế. Gần chục năm trước, ông Đồng bắt đầu huy động chung phường và trả tiền lãi. Lúc đầu, ông Đồng trả lãi cao và rất đúng hẹn, nghĩ rằng người trong làng trong xóm sẽ không lừa dối nhau nên mọi người ùn ùn tới tham gia.

Đại diện UBND xã Khánh Thành khẳng định, từ trước đến nay ông Đồng chưa có tiền án, tiền sự, sống hòa đồng với người dân, không gây xích mích hay thù oán với bất cứ ai.

Ông Đồng có vợ và 3 người con. Hiện nay, những người con của ông Đồng đang được gửi họ hàng ở xã bên, còn vợ chồng không rõ đi đâu.

Tuyên truyền nhiều người dân vẫn thờ ơ

Ông Nguyễn Đào Quý, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, huyện Yên Thành xác nhận, chính quyền xã đã nắm được thông tin tuy nhiên chưa thể khẳng định là chủ hụi này bỏ trốn hay không.

“Hiện, chúng tôi cũng không rõ vợ chồng chủ phường đang ở đâu. Vì vậy không thể nói ông Đồng bỏ trốn được, đành phải chờ chủ hụi này về mới triệu tập lên để làm rõ”, ông Quý nói.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên khi đây không phải là vụ vỡ hụi đầu tiên trên địa bàn, thậm chí ở xã bên cũng có vụ vỡ hụi hàng trăm tỷ đồng, thế nhưng mặc dù biết, người dân vẫn lao vào chơi.

Người dân xôn xao trước việc vỡ hụi trên địa bàn.

“Đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này, vì thế địa phương đã báo cáo cho các cơ quan chức năng để tìm cách giải quyết. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền nhưng người dân vẫn thờ ơ. Vì mọi người tự nguyện góp tiền, chính quyền địa phương không hay biết, nên giờ mất tiền rất khó lấy lại”, ông Quý cho hay.

Riêng trong một thôn như Đông Phú, xã Khánh Thành, đã có khoảng 100 người tham gia chung phường của ông Phạm Công Đồng, với số tiền ước tính là 3 tỷ đồng. Người góp nhiều nhất khoảng 300 triệu đồng, người ít cũng mấy chục triệu đồng. Như bà Trần Thị Sỹ đóng 120 triệu đồng, bà Phan Thị Diên đóng 62 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Trình và hai con góp 110 triệu đồng, ông Nguyễn Hoàng Phúc góp 57 triệu đồng…

Người dân như ngồi trên đống lửa vì không biết ông Đồng ở đâu.

Không chỉ xã Khánh Thành, ngay ở xã Bảo Thành, xã Công Thành,… hàng trăm người dân cũng rơi vào cảnh khốn đốn do chủ hụi phường tuyên bố vỡ nợ. Hàng trăm triệu đồng tích góp bấy lâu nay không thể đòi lại được, thậm chí nhiều người rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì đi vay ngân hàng để góp phường hụi.

“Điều chúng tôi lo ngại nhất là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khi người dân liên tục tụ tập đông người để đòi tiền. Còn việc giải quyết thì người dân phải viết đơn để chúng tôi báo cáo các cơ quan chức năng tìm biện pháp”, ông Quý nói.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP