Trong tỉnh

Nghệ An: Bến cát “hành dân”, chính quyền ở đâu?

Tại KM44, quốc lộ 46C đoạn chạy qua xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên và xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, những chiếc xe chở cát với đủ loại kích cỡ, tải trọng, hoạt động rầm rộ ngày đêm, cát bụi bay mù mịt. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý dứt điểm khiến người dân vô cùng bức xúc.

Các bến cát hoạt động rầm rộ ngày đêm

Báo Công lý nhận được phản ánh của người dân sống bên KM44, QL46C đoạn chạy qua xã Hưng Lĩnh và xã Xuân Lâm bị “hành hạ” bởi cát bụi rơi vãi, bay vào nhà dân, các phương tiện tham gia giao thông có nhiều vi phạm gây ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông; làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Trung tuần tháng 7/2021, có mặt tại KM44, quốc lộ 46C, thuộc địa phận hai xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên và Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, PV chứng kiến hàng chục chiếc xe chở cát với đầy đủ kích cỡ, trọng tải bò lên xuống bờ đê Tả Lam chạy xuống QL46C tỏa đi các hướng. Những chiếc xe này làm rơi vãi cát xuống mặt đường thành một lớp dày, bụi bay mù mịt mỗi khi có xe chạy qua. Phía ngoài đê, rất nhiều gàu múc cát đang hoạt động rầm rộ, những bãi cát chất cao phía ngoài sát với sông Lam rồi lan rộng ra tận gần chân bờ đê Tả Lam…

Sau một thời gian, khi có báo chí phản ánh về sự việc trên thì các bến cát ở đây đã lắp hệ thống tưới nước tự động từ trên mép bờ đến xuống mặt đường Quốc lộ 46C. Việc lắp hệ thống tưới nước ngày đêm làm cho lớp cát rơi vãi, đọng lại thành cồn cao, gây trơn trượt cho người tham gia giao thông, nhất là các phương tiện thô sơ như xe máy, xe đạp. Mặt khác, mặt đường thường xuyên ướt cộng với sự tàn phá của các xe trọng tải lớn đã làm cho đoạn đường quốc lộ này bị hư hỏng và biến dạng nghiêm trọng. Góp phần làm gia tăng thêm nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Phương tiện giao thông “hành” đê Tả Lam

Ông C - sống cạnh QL46C chia sẻ: “Vào mùa hè bụi bay vào tận giường, gia đình tôi phải làm cửa 3-4 lớp nhưng trong nhà vẫn có cát. Khoảng gần 1 năm trở lại đây, các bến cát lắp hệ thống tưới nước tự động làm nước chảy lênh láng vừa trơn trượt, vừa bẩn lại hư đường”.

Theo quan sát, bên cạnh bờ đê, một số đơn vị tập kết vật liệu xây dựng vi phạm quy định về hành lang bảo vệ đê điều và những xe tải oằn mình leo lên chân đê, trong đó có nhiều xe tải trọng lớn như xe “hổ vồ”, xe bê tông cũng leo lên thân đê khiến tuyến đường bị hư hỏng.

Theo ông Nguyễn Hồ Thế - Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm, ở đó có 3 bến cát thì có bến của bà Hường là thuộc địa phận xã Xuân Lâm. Thực tế các xe chở nặng, rơi vãi là có thực. Chúng tôi cũng nhắc nhở các bến dọn đường thường xuyên nhưng họ chưa tuân thủ. Chính quyền xã có báo cáo với huyện và các ngành liên quan qua các cuộc giao ban; đồng thời đề nghị phía công an tăng cường tuần tra kiểm soát các phương tiện quá khổ, quá tải.

Theo PV tìm hiểu được biết, hai bến cát còn lại sát ngay đó là thuộc địa bàn xã Hưng Lĩnh có hai bến cát hoạt động, trong đó bến cát DNTN Tuyết Công và bến cát của anh Hoàng Nghĩa Hải. Cả 3 bến cát này đều hoạt động rất rầm rộ, xe vào ra liên tục cả ngày lẫn đêm và là nỗi niềm bức xúc của những hộ dân sống gần đó. Tuy nhiên, để liên hệ làm việc với ông Quang – chủ tịch xã Hưng Lĩnh thì PV không liên lạc được.

Mặt đường Quốc lộ 46C bị xuống cấp nghiêm trọng do hệ thống tưới nước tự chế của các bến cát

Ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 (thuộc Cục Quản lý đường bộ II) cho biết, tất cả các bến cát, cứ mỗi quý đều tiến hành ký cam kết về việc dọn dẹp với các chủ doanh nghiệp. Việc tuần tra lưu động, trách nhiệm của CSGT là chính, lực lượng thanh tra chuyên ngành chỉ kiểm tra đầu nguồn hàng, nhưng do lực lượng mỏng không thể thường xuyên có mặt ở đó. Khi tiếp nhận thông tin từ báo chí thì thanh tra sẽ lên kế hoạch để kiểm tra nhưng cũng rất khó vì xử lý được 1 xe là các xe khác lại trốn. Ở đây vấn đề quan trọng nhất là việc quy hoạch các bến cát đã thực sự phù hợp chưa? Và việc quá khổ, quá tải, rơi vãi... của các phương tiện giao thông trách nhiệm chính thuộc về cảnh sát giao thông.

Bà T – một người dân thuộc xã Hưng Lĩnh, chia sẻ: “Việc các xe chở cát hoạt động ngày đêm làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng tôi. Đã có rất nhiều vụ tai nạn xe máy xảy ra do cát rơi giữa đường. Các xe chở cát vừa chở đầy, lại che đậy sơ sài nhưng không hề thấy lực lượng chức năng xử lý”.

Những phản ánh trên của nhân dân là hoàn toàn có cơ sở. PV chỉ quan sát, chứng kiến trong một thời gian nhưng thấy phải có tới hàng trăm lượt xe vào ra để chở cát. Các xe to, nhỏ, trọng tải lớn.. đều có. Nhưng có một đặc điểm chung là xe nào cũng chở đầy, một số xe cơi nới thành thùng, và che đậy rất sơ sài. Khi oằn mình “hành hạ” bờ đê tả Lam xong thì xuống Quốc lộ 46C và không quên để lại một lượng cát không nhỏ rơi vãi xuống mặt đường.

Thực trạng các bến cát “hành dân” và phá hoại công trình đê điều cũng như Quốc Lộ 46C đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chính quyền nơi đây chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Phải chăng, chính quyền và các cơ quan chức năng đang bất lực trước thực trạng nêu trên.

Báo Công lý sẽ tiếp tục phản ánh về sự việc.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: baove.congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP