Trong tỉnh

Nghệ An: Bao giờ Nam Thành Quang được trả lại 400m3 gỗ?

Kết quả xác minh rõ năm rõ mười, gần 400m3 gỗ trôi dạt đã xác định được chủ sở hữu. Dù vậy bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ thuyết phục Sở Tài chính Nghệ An.

Số gỗ này thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại tổng hợp Nam Thành Quang. Ảnh: Việt Khánh.

Sau gần 2 năm loay hoay bàn bạc, sự thể càng rối rắm hơn. Với diễn biến lúc này, nhiều khả năng vụ việc sẽ quay lại vạch xuất phát…

Đợi chờ mòn mỏi

Ngày 13/5/2016, Thủ tướng Chính phủ Lào ban hành Chỉ thị số 15/PM Quy định “cấm xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ tấm, gốc hoặc rễ cây, thân cây, cành cây, u gỗ, cây sống hoặc cây để làm vật trang trí được khai thác từ rừng tự nhiên xuất khẩu ra nước ngoài trong mọi trường hợp”.

Điều đáng nói, trước mốc kể trên có nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đầu tư dàn trải, ký kết hợp đồng nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ tấm với các DN tại Lào. Bất thình lình “vướng” vào chủ trương khiến nhiều đơn vị trở tay không kịp, một trong số đó là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại tổng hợp (ĐTXD – TMTH) Nam Thành Quang.

Một phần gỗ sau khi trục vợt được đưa về bãi tập kết. Ảnh: Việt Khánh.

Đơn vị này được Sở Kế hoạch Đầu tư Nghệ An cấp Giấy phép Đăng ký kinh doanh số 2901561766 ngày 5/7/2012.

Xuyên suốt quá trình hoạt động đã thực hiện đầy đủ các chính sách, nghĩa vụ nộp thuế của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh và nhập khẩu gỗ qua các cửa khẩu phụ (lối mở) tại địa bàn các xã Keng Đu, Xiềng Trên và Mường Típ của huyện Kỳ Sơn.

Ngày 2/6/2015 Nam Thành Quang ký kết Hợp đồng mua bán gỗ số 08/HĐMB với Công ty Khai thác gỗ Bọ Xái Khăm (địa chỉ đóng tại bản Phôn Ngam Tày, huyện Mường Pẹc, tỉnh Xiêng Khoảng, nước CHDCND Lào), đại diện hợp pháp là ông Xăm Lam In Tha Vông, chức danh Giám đốc. Hợp đồng ký kết thể hiện khối lượng 9.450 m3 gỗ tròn, xẻ các loại.

Không tài nào vận chuyển hết số gỗ đã ký kết về Việt Nam buộc đôi bên phải án binh bất động suốt thời gian dài, tháng 4/2017 Công ty Bọ Xái Khăm mới tiến hành kiểm kê, bàn giao số hàng tồn đọng cho Nam Thành Quang đang tập kết tại bãi số 2, địa điểm cạnh bờ sông huyện Noong Héc (Lào) với khối lượng 6.186m3.

Đang loay hoay công tác bảo quản thì tai họa bất chợt ập đến. Năm 2018 tại Lào xuất hiện đợt mưa, lũ lịch sử gây nên hiểm họa vỡ đập thủy điện, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng kinh hoàng đã cuốn trôi hàng loạt nhà cửa, phương tiện, vật dụng cùng 920m3 gỗ (trong số 6.186m3) của Nam Thành Quang về địa phận sông Nậm Nơn của Việt Nam.

Để có cơ sở xử lý và tránh dẫn đến tình trạng tranh chấp không đáng có về sau, UBND tỉnh Nghệ An đã giao UBND huyện Tương Dương và Kỳ Sơn ra thông báo rộng rãi nhằm tìm chủ sở hữu hợp pháp.

Bên cạnh đó, giao Sở Ngoại vụ làm công văn gửi đến tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) để thu thập, nắm rõ nguồn gốc số gỗ.

Sau đó và đến tận thời điểm này không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đứng ra tiếp nhận, phía Xiêng Khoảng cũng không có văn bản phúc đáp. Trên cơ sở dữ liệu thực tiễn, các cơ quan chuyên môn nhận định tài sản trên thuộc về Công ty Nam Thành Quang.

Dù Đoàn kiểm tra liên ngành kết luận đủ cơ sở khẳng định Công ty Nam Thành Quang là chủ sở hữu số lâm sản, thế nhưng Sở Tài chính (ảnh) lại không nghĩ như vậy. Ảnh: Việt Khánh.

Quay lại sự cố đẩy DN lâm cảnh thiệt đơn thiệt kép, cơn “bạo bệnh” không chỉ gây nên thiệt hại nặng nề đối với số tài sản sẵn có (gỗ, máy móc), thực chất đơn vị còn phải cắn răng chi ra khoản tiền không hề nhỏ để thuê mướn người trục vớt cũng như chuộc lại cơ số gỗ do người dân vớt được. Tính riêng vụ này, Nam Thành Quang mất trắng hàng tỷ đồng.

Những tưởng trong bối cảnh gian khó, chính quyền sở tại và các cấp, ngành liên quan sẽ tạo điều kiện tối đa để DN sớm có cơ hội tiếp nhận lại tài sản hợp pháp của mình, nào ngờ sự thể lại rẽ theo hướng hoàn toàn trái ngược.

“Sự cố trên là bất khả kháng, để khắc phục hậu quả, tháo gỡ và giảm thiểu khó khăn, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xin ý kiến Chính phủ cho phép được nộp thuế số gỗ trên theo quy định để sớm vận chuyển về kho bảo quản, đây là việc cần làm sớm vì lâm sản đã để ngoài trời suốt 2 năm nay. Nếu tình hình không sớm chuyển biến, quả thực DN không thể trụ vững”, ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc Cty CP ĐTXD – TMTH Nam Thành Quang âu lo.

Một vòng luẩn quẩn

Nguồn gốc lô gỗ đã được chứng thực rành rành nhưng xem ra việc đối chiếu ngẫu nhiên 10% khối lượng thực tế là chưa đủ sức thuyết phục Sở Tài chính Nghệ An.

Sở Tài chính khăng khăng số gỗ là tài sản sở hữu toàn dân và tiến tới thẩm định, bán đấu gia. Ảnh: Việt Khánh.

Khăng khăng giữ nguyên quan điểm, ngành 24/4/2020 đơn vị này đã phát Công văn số 1216/STC.QLG&CS đề nghị Đoàn Kiểm tra liên ngành làm rõ 90% số gỗ còn lại có trùng khớp về kích thước và chủng loại với bảng kê thiệt hại được xác lập tại Lào vào ngày 3/9/2018 hay không?

Theo dõi xuyên suốt diễn biến vụ việc, động thái trên cho thấy nhiều bất cập. Trước tiên, xin được nhắc lại sự cố xảy ra ngoài ý muốn, việc lấy mẫu đối chiếu ngẫu nhiên là phương án phù hợp, đảm bảo tính khách quan.

Hơn thế nữa, kết quả xác minh của Đoàn kiểm tra liên ngành hoàn tất từ cuối năm 2018, tại sao Sở Tài chính không yêu cầu “đối chiếu 90% còn lại” ngay thời điểm đó mà tận 2 năm, khi việc “xác lập sở hữu tài sản toàn dân” làm bàn đạp tiến tới bán đấu giá bất thành mới được nêu lên (?!).

Dư luận không ngần ngại đặt ra câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm khi sự việc kéo dài lê thê? Ai đứng ra gánh vác kinh phí phát sinh?

Thực tế cho thấy, suốt 2 năm qua nhiệm vụ bảo quản gần như “khoán trắng” cho phía doanh nghiệp, dù vậy trong bối cảnh khốn khó thi nhau bủa vây thành thử gắng gượng lắm cũng chỉ lo toan được phần nào.

Với động thái này, chẳng biết đến bao giờ Doanh nghiệp mới được nhận lại tài sản hợp pháp của mình. Ảnh: Việt Khánh.

Qua nắm bắt, Nam Thành Quang đã bố trí bãi tập kết có diện tích khoảng 200m2 tại bản Xốp Dương, cách trạm biên phòng Mỹ Lý chừng 2 km, gỗ tập kết về được chia ra 4 vị trí khác nhau. Tại bản Xiềng Tắm cũng có một bãi khác rộng 500m2, phía trên bãi có khoảng 70m3 gỗ hương các loại, riêng vị trí mép sông Nậm Nơn có một lượng gỗ được chôn dưới đất…

Quanh năm suốt tháng chịu cảnh dãi nắng dầm sương, nghiễm nhiên trong điều kiện ngặt nghèo tình trạng xuống cấp là điều khó tránh. Theo quan sát nhiều phần gỗ đã mục nát do bị bào mòn âm ỉ, hiện không còn vết sơn chứng thực. Trong bối cảnh này việc kiên quyết đối chiếu “90% còn lại” khác gì hình thức đánh đố?

Trở lại với diễn biến chính, ngày 29/4/2020 Cục Hải quan tỉnh Nghệ An đã phúc đáp lại Sở Tài chính như sau: “Đoàn Kiểm tra liên ngành đã kết luận văn bản đề xuất giải quyết thiệt hại của Công ty Nam Thành Quang với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng là có cơ sở”.

Cục Hải quan đề xuất Sở Tài chính căn cứ kết luận của Đoàn Kiểm tra liên ngành và các điều 27, 28 Nghị định số 29/1018/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân…” để lập hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý tài sản.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng có quan điểm tương tự: “Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên 10% trên thực tế trùng khớp với trong hồ sơ. 90% còn lại ngoài Cty CP ĐTXD – TMTH Nam Thành Quang không có tổ chức, cá nhân nào báo cáo về hồ sơ nguồn gốc lâm sản”.

Sự việc đến nay đã rõ rành rành, liệu tỉnh Nghệ An và Sở Tài chính sẽ khắc phục thiếu sót này ra sao?

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP