Trong tỉnh

Nghệ An: 48/77 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Đó là thông tin do ông Hồ Sỹ Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh nêu trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An gần đây.

Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn (huyện Anh Sơn) đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường

P.V: Xin ông cho biết thực trạng thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua và những hệ lụy?

Ông Hồ Sỹ Dũng: Để triển khai, đưa Luật BVMT năm 2014 đi vào cuộc sống, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1122/QĐ-UBND, ngày 27/3/2015 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT 2014; Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND, ngày 07/4/2016 về việc ban hành quy định BVMT trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thông qua đó khẳng định trách nhiệm BVMT là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đồng thời cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác này.

Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân về BVMT được nâng lên; ngân sách chi cho công tác BVMT ở từng cấp được bổ sung theo hướng tăng dần. Công tác quản lý nhà nước về BVMT có nhiều đổi mới, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực BVMT được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp…

Về phía các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kể cả đơn vị sự nghiệp đã chú trọng công tác BVMT thông qua việc xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu, lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động… Nhờ đó đã có một số cơ sở được đưa ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ONMT) và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ONMTNT)…

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để. Trước hết là tiến độ xử lý các cơ sở ONMT và ONMTNT còn chậm. Toàn tỉnh hiện còn 48/77 cơ sở gây ONMT và ONMTNT. Tình trạng tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ đang diễn ra khá phổ biến.

Chỉ tính năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, thông qua kiểm tra, Sở Tài nguyên – Môi trường đã xử phạt 80 cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm công tác BVMT. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh riêng biệt thì hiện vẫn còn 8/17 cụm công nghiệp mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Một vấn đề nữa là cho đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi ở vùng nông thôn một cách hữu hiệu. Tình trạng lạm dụng các loại phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến môi trường nước ngầm, nước bề mặt, ô nhiễm đất…

P.V: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ý thức chấp hành pháp luật về BVMT trong các tổ chức và cá nhân đang còn nhiều hạn chế?

Ông Hồ Sỹ Dũng: Trước hết là nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp chưa cao, dẫn đến việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, các cam kết, biện pháp BVMT nêu trong Báo cáo ĐTM/Đề án BVMT/Cam kết BVMT không được chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện.

Do đó chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vẫn thải ra môi trường. Hiện tại, hầu hết các cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa bố trí cán bộ có chuyên môn về bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật BVMT năm 2014.

Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác BVMT. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác BVMT ở cấp huyện và xã, vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chất lượng; nhiều đơn vị lại bố trí kiêm nhiệm nhiều việc: địa chính, xây dựng, môi trường...

Cùng với các vấn đề nêu trên thì việc phân bổ, bố trí kinh phí cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT mặc dù đã được quan tâm bổ sung nhưng chưa đạt yêu cầu đối với cấp tỉnh và hạn chế hơn ở cấp huyện, cấp xã.

Do vậy, trong hoạt động kiểm soát ONMT ở cấp huyện, cấp xã hầu như không có kinh phí để lấy mẫu và phân tích mẫu mà chủ yếu chỉ thông qua trực quan; thêm vào đó các phương tiện, kỹ thuật cũng chưa được trang bị, ảnh hưởng đến các kết luận liên quan đến các chỉ số ô nhiễm môi trường theo quy định.

Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác BVMT chưa thường xuyên, quyết liệt và thiếu chặt chẽ. Chức năng quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như quản lý chất thải rắn, quản lý lưu vực sông, quản lý bảo tồn đa dạng sinh học... chưa rõ ràng, trùng lặp.

P.V: Có thể nói, hệ thống văn bản quy định về công tác bảo vệ môi trường đang từng bước được hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, từ vấn đề nhận thức đến hành động là một quá trình dài và cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Xin ông chia sẻ một số giải pháp, biện pháp để đảm bảo Luật BVMT và các văn bản được thực thi hiệu quả hơn trong thực tiễn?

Ông Hồ Sỹ Dũng: Công tác BVMT là trách nhiệm của toàn xã hội, đã được khẳng định trong Luật BVMT năm 2014. Vì vậy, để tiếp tục tạo bước chuyển tích cực và hiệu quả hơn trong thời gian tới phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với đó, với trách nhiệm được giao quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Sở Tài nguyên – Môi trường sẽ tiếp tục rà soát các chính sách, pháp luật BVMT của Trung ương để cụ thể hóa vào điều kiện cụ thể của tỉnh; tương tự từng ngành, địa phương cũng cần cụ thể hóa ở đơn vị, địa phương mình.

Các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm quản lý chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường và xem xét các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các dự án đầu tư; chú trọng trong khâu khảo sát lựa chọn địa điểm, lựa chọn công nghệ, không thu hút đầu tư đối với các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; gắn với đó là giám sát việc chấp hành pháp luật BVMT đối với các cơ sở.

Cùng với đó, từng cấp, từng ngành chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường theo định kỳ và đột xuất để đánh giá, cảnh báo và dự đoán nguy cơ phát sinh "điểm nóng", sự cố môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ xả thải cao.

Gắn với đó là xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần thể hiện thái độ kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng và buộc các cơ sở gây ô nhiễm phải thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường theo quy định, đảm bảo sự răn đe thật sự.

Mặt khác, phải tăng cường nguồn lực từ nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa trong việc đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng BVMT chung và trong từng cơ sở, bao gồm các cơ sở công ích và cơ sở sản xuất kinh doanh một cách đồng bộ và vận hành hiệu quả, nhất là các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị…; tăng cường hoạt động quan trắc môi trường nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, kịp thời phát hiện, phòng ngừa ô nhiễm môi trường…

P.V: Cảm ơn ông!

Tác giả: Minh Chi (Thực hiện)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: cơ sơ ,ô nhiễm ,môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP