Kinh tế

Ngân hàng hứa cắt giảm lãi suất cho vay

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vốn của Vietcombank cho biết, ngân hàng tiếp tục chủ trương ổn định mặt bằng lãi suất, ngay khi có điều kiện sẽ giảm lãi suất cho vay.

Ngay từ đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra thông điệp yêu cầu ngành ngân hàng phải quyết liệt tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, từ đó giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vốn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay: Với diễn biến kinh tế vĩ mô hiện nay, lãi suất USD quốc tế dự kiến tăng và áp lực lạm phát, việc ổn định mặt bằng lãi suất của năm 2017 là nỗ lực lớn của các ngân hàng.

Tuy nhiên, theo ông Hà, ngân hàng luôn quán triệt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tại Vietcombank, do đã kiểm soát và xử lý được nợ xấu, cùng với các biện pháp như tiết giảm chi phí quản lý nên sẽ có dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay; thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

"Vietcombank luôn sẵn sàng đồng hành, sẻ chia với người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi khẳng định luôn áp dụng lãi suất cho vay ở mức thấp hơn mặt bằng lãi suất chung của thị trường", Phó Tổng giám đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

lai suat vnd 1486604192137
Giới chuyên gia cho rằng, cơ hội giảm lãi suất cho vay là có thực (ảnh minh họa).

Cùng với động thái tiên phong cắt giảm lãi suất của Vietcombank, mới đây, BIDV cũng đã gửi thông điệp "đồng hành cùng doanh nghiệp siêu nhỏ và khởi nghiệp vay vốn chỉ từ 6,5% năm". Cụ thể, ngân hàng triển khai gói tín dụng quy mô 3.000 tỷ đồng “Đồng hành cùng doanh nghiệp siêu nhỏ” ưu đãi lãi suất vay vốn chỉ từ 6,8%/năm (với khoản vay dưới 6 tháng) và ưu đãi lãi suất từ 7%/năm với khoản vay từ 6 đến 12 tháng. Với gói tín dụng quy mô 500 tỷ đồng “Khởi nghiệp thành công - Start up”, ngân hàng ưu đãi lãi suất vay vốn chỉ từ 6,5%/năm (với khoản vay dưới 6 tháng) và ưu đãi lãi suất từ 6,8%/năm với khoản vay từ 6 đến 12 tháng.

Đề cập tới việc cắt giảm lãi suất trong năm nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, từng cho biết: Cơ hội giảm lãi suất cho vay ra là có thực. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào việc ngân hàng trung ương mở rộng tín dụng tới đâu và việc chúng ta xử lý triệt để nợ xấu tới đâu.

Theo đó, về lãi suất, toàn hệ thống ngân hàng đã đặt mục tiêu trong năm 2017 là sẽ hạ mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1%.

Còn nhớ, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo các ngân hàng thương mại dành vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghệ hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.

Năm 2016, theo đánh giá của một số chuyên gia, lãi suất là một trong những điểm sáng trong bức tranh tiền tệ. Lãi suất giảm, nhất là giảm vào thời điểm cuối năm ngay cả khi lạm phát có xu hướng tăng là điều chưa từng xảy ra trong vài năm trở lại đây.

Chính sự kiên định và chủ động trong điều hành chính sách đã giúp NHNN thành công trong việc “ghìm cương” lãi suất trong năm 2016. Sức hấp dẫn, niềm tin vào đồng VND được củng cố, phản ánh qua nguồn tiền gửi VND vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trong khi tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ giảm mạnh. Theo số liệu ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến cuối năm 2016, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 19% so với cuối năm 2015.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP