Kinh tế

Ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn

6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng công bố những con số lợi nhuận khả quan và dự kiến vượt kế hoạch đề ra trước đó.

Theo thông tin công bố về hoạt động 6 tháng đầu năm của các ngân hàng, nhiều "ông lớn" trong ngành có kết quả lợi nhuận khá cao. Trong nhóm ngân hàng mà Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, Vietcombank là nhà băng công bố mức lãi lớn sau nửa năm hoạt động.

Ngân hàng này ghi nhận mức lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tài chính đạt tới trên 8.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế nhà băng này đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 20,5% và đạt 53,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017.

Ở khối cổ phần, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 428 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Hay như Ngân hàng Phương Đông (OCB) mới đây công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với khoản lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 494 tỷ và cao hơn 2% so với mức lãi của cả năm 2016.

Tương tự, Ngân hàng Tiên Phong 6 tháng cho biết thu về 483 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm, nợ xấu duy trì mức dưới 1%.

Ngân hàng báo lãi lớn sau 6 tháng đầu năm. Ảnh: PV.

Nhiều ngân hàng lớn khác chưa công bố mức lợi nhuận 6 tháng, nhưng trong tháng trước đã báo lãi lớn sau 5 tháng hoạt động, như BIDV 3.200 tỷ đồng, LienVietPostBank là 730 tỷ,...

Để có được lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh kinh tế khó khăn là một điều không dễ dàng. Điểm chung của những nhà băng có lãi lớn đều thuộc diện tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung.

Chẳng hạn như tại Vietcombank, tính đến hết ngày 30/6, cho vay tại ngân hàng này tăng 13,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay với khách hàng cá nhân của Vietcombank tăng mạnh tới hơn 24% so với đầu năm.

Trao đổi với VnExpress mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Ngoai Thương cho biết, năm nay ngân hàng tăng trưởng bán lẻ rất tốt. Trong đó, doanh số cho vay nông nghiệp nông thôn và hộ kinh doanh nhỏ lẻ... lớn. Đây cũng là trọng tâm của ngân hàng trong thời gian tới bên cạnh công tác nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

Hay như Sacombank - nhà băng đang tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Đề án tái cấu trúc vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, nhưng cho vay khách hàng trong 6 tháng cũng đạt 212.538 tỷ đồng, tăng 10,1%.

Còn OCB, dư nợ cho vay tăng 13,5%, đạt hơn 44.960 tỷ đồng và huy động vốn tăng hơn 11%, đạt hơn 51.300 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Phương Đông cho biết, để đạt được con số lợi nhuận cao 6 tháng qua, nhà băng đã đặt trọng tâm vào việc trở thành một ngân hàng bán lẻ đa năng bằng cách tăng cường năng lực phục vụ khách hàng, phát triển sản phẩm, quản trị rủi ro, tự động hóa các quy trình, dịch vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay vay mua nhà, mua ôtô, vay kinh doanh... của ngân hàng đang được chú trọng.

Ngoài dư nợ tăng cao, nguồn lợi nhuận mà các ngân hàng thu về năm 2017 còn do mảng dịch vụ. Như Sacombank, doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt tới 727 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, và chiếm 23% tổng thu nhập 6 tháng đầu năm.

Theo kết quả tổng hợp cuộc điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, Thống kê của Ngân hàng Nhà nước tiến hành, 64% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh trong quý II/2017 tiếp tục có sự cải thiện tốt và rõ nét hơn so với quý I/2017.

Dự kiến trong năm 2017, hơn 90% ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với 2016 với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống đạt 13,2%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi nhuận của một số nhà băng vẫn tăng cao trong bối cảnh hoạt động ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn là điều đáng mừng. Lợi nhuận là kết quả của hai hoạt động thu và chi. Có thể họ đã cắt giảm chi phí tốt hoặc có những nguồn thu từ nguồn vốn khác và dịch vụ để bù đắp cho sự thiếu hụt và giảm lợi nhuận của tín dụng.

Tuy nhiên, bài toán lợi nhuận sẽ áp lực hơn với các ngân hàng trong thời gian tới khi mới đây nhà điều hành quyết định giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên. Theo thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, với mức giảm 0,5% mỗi năm này, ngành ngân hàng trên địa bàn Thành phố sẽ thất thu khoảng 734 tỷ đồng lãi vay.

Do đó, các ngân hàng hiện nay đang phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí để bù vào nguồn thu giảm từ việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, vì lãi suất huy động vẫn được giữ nguyên, không tăng.

Ngoài ra, bên cạnh những con số lợi nhuận được báo cáo sáng sủa thì đằng sau đó, các nhà băng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng lưu ý nhất là vấn đề nợ xấu. Hiện lượng nợ xấu nội bảng của Vietcombank vẫn còn hơn 7.882 tỷ đồng, tăng gần 950 tỷ, mặc dù về tỷ lệ thì có giảm và số trích lập dự phòng đang đạt mức cao.

Nợ xấu của Sacombank cũng là một vấn đề lớn khi tính về giá trị tuyệt đối lên đến trên 13.000 tỷ đồng theo báo cáo kiểm toán năm 2016 (chưa kể số nợ xấu bán cho VAMC hơn 37.000 tỷ đồng).

Tác giả: Lệ Chi

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP