Nhà đẹp

Ngắm nhìn căn biệt thự trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập sắp bị phá hủy

Ngôi biệt thự Pháp cổ và một số công trình cổ thuộc Trạm vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C phố Đại La, được xây dựng từ năm 1912, sẽ bị tháo dỡ do phạm vào quy hoạch của dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND TP Hà Nội khiến người dân không khỏi xót xa.

Theo tư liệu từ bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 của tác giả Nguyễn Văn Uẩn, ngôi biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912.

11h30 ngày 7/9/1945, 5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong căn phòng tầng 2 của Trạm phát sóng Bạch Mai (thuộc quần thể nhà cổ Trạm vô tuyến - Điện báo, nay ở 128C Đại La, Hà Nội), Đài tiếng nói Việt Nam đã cất tiếng hùng dũng chào đời và bắt đầu một cuộc sống vô cùng phong phú.

Và chính tại ngôi biệt thự Pháp cổ còn sót lại của trạm vô tuyến điện còn ghi dấu một sự kiện lịch sử đặc biệt, nơi phát thanh viên Ngân Thanh (con gái nhà giáo Dương Quảng Hàm) - phát thanh viên nữ đầu tiên của Việt Nam - đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19/12/1946, bản tin mật lệnh để cả nước nổ súng, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Tuy nhiên, căn biệt thự này sẽ bị tháo dỡ do phạm vào quy hoạch của dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của UBND TP Hà Nội.

Theo quan sát của PV Người Đưa Tin, căn nhà được xây dựng kiên cố, tường nhà dày đến hơn 40cm với nét kiến trúc đậm chất cổ điển của Pháp được thể hiện rất rõ trên từng chi tiết.

Ban công phía bên ngoài căn nhà.

Bậc thềm dẫn vào cửa chính.

Cửa gỗ, sàn nhà dường như được giữ lại nguyên bản.

Bà Khánh An người dân đang sống tại ngôi nhà cho biết, bà theo bố mẹ về ngôi biệt thự này sống từ cuối năm 1976, đầu năm 1977.

Được biết, ban đầu ngôi nhà được phân cho 2 cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam là ông Nguyễn Văn Nhất, khi đó là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam sống ở tầng 2 và ông Lý Văn Sáu, khi đó cũng là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, kiêm nhiệm Giám đốc Đài Truyền hình Trung ương và Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (bố bà Khánh An) sống ở tầng 1.

Cầu thang lên tầng 2 ngôi biệt thự.

Theo kiến trúc sư Lê Quốc Bình, về kiến trúc, ngôi biệt thự cổ sắp bị đập bỏ rất đẹp, rất có giá trị. Ngoài ra, với chức năng phát thông tin bằng sóng vô tuyến điện tới toàn vùng Đông Dương và các nơi trên thế giới, trạm này trở thành biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất ở vùng châu Á bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, nơi tiếp cận với kỹ thuật truyền tin hiện đại ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.

Lò sưởi trong phòng khách tầng 1, đây là nét đặc trưng trong các căn nhà Pháp.

Góc sân có chảo thu vệ tinh để gia đình trước đây xem vô tuyền (không phải là di tích còn lại của trạm phát sóng).

Cảnh tượng khiến người dân xung quanh không khỏi xót xa.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP